7 sai lầm khi xử trí đột quỵ

1
0
Những sai lầm khi xử trí đột quỵ

Cạo gió, châm kim vào đầu ngón tay, tự ý sử dụng thuốc đông y,.. là những sai lầm khi xử trí đột quỵ. Mỗi người cần tìm hiểu các kiến thức cơ bản để biết cách xử trí đúng đắn khi gặp tình huống người bị đột quỵ.

Bệnh đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa

Bác sĩ Phạm Văn Cường, khoa Can thiệp mạch thần kinh, Bệnh viện Trung ương 108, cho biết số lượng người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, đặc biệt ở người trẻ tuổi. Tại khoa Can thiệp mạch thần kinh, số bệnh nhân trẻ chiếm khoảng 20-30% (dưới 50 tuổi). Có những bệnh nhân 12 tuổi nhập viện vì đột quỵ do dị dạng mạch máu não.

Hiện có rất nhiều quan điểm chưa đúng về đột quỵ, từ đó dẫn đến người bệnh mất cơ hội vàng điều trị và hệ lụy để lại vô cùng nặng nề, thậm chí tử vong.

Những sai lầm khi xử trí đột quỵ

Dưới đây là một số những sai lầm khi xử trí đột quỵ phổ biến nhất, mọi người cần hết sức lưu ý:

1. Cạo gió khi bị đột quỵ

Tuyệt đối không cạo gió khi xử trí đột quỵ vì không có tác dụng
Tuyệt đối không cạo gió khi xử trí đột quỵ vì không có tác dụng

Người bị đột quỵ thường có những biểu hiện như tê bì chân tay, liệt chân tay hoặc nửa người, mặt lệch, nói khó, chóng mặt, đau đầu… Những biểu hiện này khiến nhiều người cho rằng người bệnh bị cảm và tiến hành đánh gió, cạo gió bằng nhiều cách. Tuy nhiên, cạo gió không có tác dụng khi bị đột quỵ, chỉ làm mất thời gian vàng điều trị.

2. Châm kim vào đầu tay

Đây là “mẹo” được nhiều người dùng khi ai đó bị đột quỵ. Tuy nhiên châm vào đầu ngón tay cho chảy máu không thể cứu được người bệnh, ngược lại còn khiến bệnh tình nặng hơn, vì cơn đau khi châm sẽ làm tăng huyết áp của bệnh nhân.

3. Tự ý sử dụng các loại thuốc đông y

Thông thường nhà có người thân tiền sử cao huyết áp hoặc bị đột quỵ, gia đình luôn chuẩn bị sẵn một vài viên thuốc đông y đắt tiền để phòng và sử dụng khi cần. Tuy nhiên, người đột quỵ não uống loại thuốc này không đúng sẽ không có tác dụng, thậm chí có hại. Chính việc cho uống thuốc và nghĩ uống thuốc tốt sẽ khỏi bệnh dẫn đến tâm lý chủ quan, không đưa người bệnh đi viện sớm, làm mất cơ hội điều trị tốt nhất.

Khi xử trí đột quỵ, không tự ý cho người bệnh uống thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ
Khi xử trí đột quỵ, không tự ý cho người bệnh uống thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ

>> Bị tăng huyết áp xử lý thế nào?

4. Chờ bệnh nhân ổn định mới đưa đi bệnh viện

Trường hợp đột quỵ não nặng, hôn mê ngay, người nhà cần phải đưa đi viện sớm. Tuy nhiên, đa số mọi người có tâm lý sợ đưa đi khiến tử vong nhanh hơn và chờ bệnh nhân ổn định mới đưa tới viện. Đây là sai lầm nghiêm trọng, khiến bệnh nhân mất cơ hội điều trị kịp thời.

5. Truyền bá sai về điều trị đột quỵ

Hai vấn đề hay gặp nhất là “thực dưỡng đánh bay đột quỵ” và “tập luyện theo môn phái” để điều trị đột quỵ. Bác sĩ từng tiếp nhận bệnh nhân đang điều trị thì bỏ thuốc, tập theo môn phái mới. Sau ngừng thuốc một tuần, bệnh nhân ngã quỵ, phải tái nhập viện điều trị.

6. Nhầm lẫn với bệnh khác

Đột quỵ não nhẹ có những triệu chứng giống với liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (phong hàn) nên nhiều người điều trị chưa đúng. Do vậy, khi có các triệu chứng như méo mặt, khó nói, ăn rơi vãi, cần đến viện gấp để bác sĩ khám và tìm nguyên nhân chính xác.

7. Chủ quan đợi tự hồi phục

Đây là sai lầm thường gặp ở những người bị đột quỵ nhẹ như có cơn chóng mặt, đau đầu hoặc tê bì chân tay, mệt mỏi nhưng chủ quan, “vào giường nằm ngủ chờ khỏe lại”. Đa số trường hợp này đều rất nặng, đến viện mất cơ hội điều trị trong giờ vàng.

Hướng dẫn cách xử trí đột quỵ đúng

Biểu hiện đột quỵ bao gồm:

  • Đột ngột hôn mê, mất ý thức, tê bì tay chân, mất ý thức, đau đầu dữ dội, mất thăng bằng;
  • Bỗng nhiên không nói được, méo mồm;
  • Giảm thị lực mắt một cách đột ngột.
Gọi cấp cứu ngay khi thấy các biểu hiện đột quỵ
Gọi cấp cứu ngay khi thấy các biểu hiện đột quỵ

Khi người bệnh bị đột quỵ, tiến hành sơ cứu đột quỵ tại nhà bằng cách:

  • Gọi điện thoại cấp cứu 115;
  • Trong thời gian chờ cấp cứu đến thì để phần đầu và lưng của bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể để phòng tránh bị sặc đường thở;
  • Mặc quần áo rộng, thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp của người bệnh. Trong trường hợp người bệnh ngừng tim thì tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực;
  • Dùng khăn tay để quấn vào ngón tay trỏ và lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh. Trong trường hợp người bệnh bị co giật thì phải lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để ngáng ngang miệng không cho người bệnh cắn vào lưỡi;
  • Ghi chú lại thời điểm người bệnh khởi phát biểu hiện đột quỵ bất thường;
  • Ghi chú lại những loại thuốc mà người bệnh đang dùng hoặc mang theo đơn thuốc đang có.

Khi thực hiện sơ cứu xử trí đột quỵ tại nhà thì tuyệt đối không cho bệnh nhân sử dụng thuốc hay ăn uống bất cứ thứ gì, không dùng kim chích 10 đầu ngón tay hay chân của người bệnh, không cạo gió.

>> Rối loạn tiền đình có dễ đột quỵ không?

1
0