Khi bổ sung dinh dưỡng cho sĩ tử phải luôn đảm bảo đủ chất đạm, béo, tinh bột, vitamin, khoáng chất, đặc biệt lòng đỏ trứng và đậu nành chứa nhiều lecithine cần cho sự dẫn truyền thần kinh, bổ não và tăng trí nhớ.
Lời khuyên từ chuyên gia
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt, mùa thi đại học gần kề, ngoài việc giữ cho tinh thần tập trung bài vở một cách tốt nhất, sĩ tử cũng cần chú ý đến bổ sung dinh dưỡng cho sĩ tử với thực phẩm giúp cho não bộ hoạt động tốt hơn và tăng cường trí nhớ.
Cụ thể để có sức khỏe và trí nhớ tốt, bổ sung dinh dưỡng cho sĩ tử trong mùa thi phải luôn đảm bảo đủ 4 nhóm chất là: đạm, béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành. Trong đó lòng đỏ trứng và đậu nành chứa nhiều lecithine là chất tạo lập acetyl choline rất cần cho sự dẫn truyền thần kinh, bổ não và tăng trí nhớ.
Các nơron thần kinh rất cần những chất dinh dưỡng thiết yếu như axit béo omega – 3. Chất này được tìm thấy nhiều trong các loại ngũ cốc như lạc, đậu nành, vừng, hạt dẻ, hạt điều và các loại cá béo như cá thu, cá basa, cá bạc má, cá nục…
Các vitamin nhóm B cũng cần thiết cho các tế bào thần kinh hoạt động hiệu quả hài hòa hơn. Cụ thể vitamin B9 có trong dưa hấu, rau cải xanh, đậu nành, đậu đỏ, đậu đen… Vitamin B12 có trong các loại cá, trứng, thịt.
Bác sĩ Nguyệt lưu ý các sĩ tử không nên bỏ bữa ăn. Nếu học bài ở thư viện hay vì lý do nào đó phải ăn trưa tại chỗ, có thể dùng một món ăn hay một chiếc bánh có nhiều protein hay gluxit, ít chất béo. Để có đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ và giảm đi phần nào sự hấp thụ các chất đường thì nên ăn một trái cam, quýt, chuối… Vào giữa và cuối buổi chiều có thể ăn thêm một chút, tốt nhất là một quả chuối giàu gluxit, nhiều vitamin và chất khoáng. Để đảm bảo vệ sinh, chỉ nên ăn thực phẩm đã được nấu chín và đun sôi.
Ngoài bổ sung dinh dưỡng cho sĩ tử mùa thi đúng cách, một điều quan trọng nữa là giữ ổn định tinh thần, không nên quá lo lắng trước khi thi. “Biện pháp tránh stress đơn giản nhất là tạo cho mình niềm tin vào khả năng của bản thân, không nên hoảng sợ. Khi cảm thấy hồi hộp, hãy nhắm mắt lại và hít thở thật sâu để lấy lại cân bằng”, bác sĩ khuyên.
>> 4 loại thực phẩm không nên kết hợp với nhau để tránh gây nguy hiểm khi ăn
Một số lưu ý khi chăm sóc sĩ tử mùa thi
1. Không bỏ bữa, ăn đúng giờ
Càng gần đến kỳ thi lịch học càng dày đặc khiến các em học sinh không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, dù thế nào cha mẹ cũng cần cố gắng đảm bảo chế độ ăn uống để bổ sung dinh dưỡng cho sĩ tử đầy đủ.
Cần sắp xếp thời gian học, nghỉ ngơi và ăn uống khoa học. Không nên để trẻ cố thức khuya để học, sáng nên thức dậy đúng giờ, ăn sáng đầy đủ. Tuyệt đối không bỏ bữa ăn sáng vì đây là bữa ăn quan trọng giúp bổ sung phần lớn dinh dưỡng cần thiết trong ngày.
Bữa ăn sáng quan trọng vì sau khi trải qua một đêm dài, khi ngủ dậy, lượng đường trong máu thường ở mức thấp, trong khi cơ thể lại cần đường cho cơ và não hoạt động và bữa sáng giúp bổ sung lượng đường này. Nên bổ sung dinh dưỡng cho sĩ tử bằng các thực phẩm như: sữa, trứng, cá, thịt gà, rau củ vào thực đơn của bữa ăn sáng.
Bữa trưa và bữa tối cũng cần đảm bảo bổ sung dinh dưỡng cho sĩ tử đầy đủ và đúng giờ. Đối với các bữa phụ cũng nên bố trí thời gian hợp lý như giữa sáng, giữa chiều; nên cho trẻ uống sữa, ăn sữa chua, trái cây… Các món ăn nên chế biến tại nhà để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
2. Không nên ăn quá no
Cần lưu ý không nên để trẻ ăn quá no sẽ gây đầy bụng, ậm ạch, khó tiêu. Ăn quá no khiến máu tập trung nhiều về dạ dày và ruột, lượng máu lên não sẽ giảm đi dẫn đến tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ…
Ngoài ra, nếu ăn quá no, cơ thể sẽ giải phóng hormone insulin. Hormone này có nhiệm vụ dự trữ lượng đường dư thừa với mục đích dự phòng mức đường huyết xuống thấp. Việc giải phóng thêm nhiều hormone insulin có thể sẽ khiến cho lượng đường trong máu suy giảm, gây ra những cảm giác căng thẳng và không thể tập trung.
Tốt nhất nên cho trẻ ăn lượng thức ăn vừa đủ, không nhồi nhét quá nhiều thực phẩm bổ dưỡng. Sau khi ăn xong nên nghỉ ngơi, thư giãn, vận động nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mới nên học tiếp.
3. Những thực phẩm cần hạn chế bổ sung dinh dưỡng cho sĩ tử
- Thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, muối, đường như: xúc xích, thịt nguội, gà rán, thịt nướng, bánh ngọt, nước ngọt công nghiệp… tuy tiện lợi nhưng thiếu các chất dinh dưỡng, chứa nhiều calo, nhiều đường, muối, chất béo không lành mạnh, thiếu vitamin và khoáng chất. Nếu ăn nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
- Đồ uống chứa các chất kích thích như cà phê, trà, nước tăng lực… có tác dụng kích thích thần kinh, gây cảm giác tỉnh táo tạm thời nhưng nếu lạm dụng sẽ gây khó ngủ, mất ngủ, mệt mỏi, căng thẳng, tim đập nhanh, tăng huyết áp…
- Thực phẩm không an toàn: Không nên cho trẻ ăn thức ăn đường phố, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, các món gỏi tái, sống. Đây là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, có thể làm gián đoạn quá trình học tập và thi cử của trẻ.
>> 6 bí quyết tăng cường năng lượng cho sĩ tử mùa thi