Ăn đậu bắp giúp kiểm soát đường huyết

0
0
Thực phẩm giúp kiểm soát đường huyết

Đậu bắp có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói và kiểm soát đường huyết trung bình trong ba tháng, hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường.

Tìm hiểu bệnh tiểu đường

Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường là bệnh có tình trạng lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, gây tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Đây là nguyên nhân cản trở cơ thể chuyển hóa các chất bột đường thành năng lượng, gây ra hiện tượng đường tích tụ tăng dần trong máu. 

Bệnh tiểu đường đang ngày càng phổ biến và trẻ hóa
Bệnh tiểu đường đang ngày càng phổ biến và trẻ hóa

Lâu ngày, sự tích tụ này khiến lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và các bệnh lý khác, tổn thương các bộ phận như mắt, thận…, thậm chí tử vong. Biến chứng tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở người mắc bệnh tiểu đường.

>> Xem thêm: Chỉ số Glucose trong máu có ý nghĩa như thế nào?

Đậu bắp có thật sự giúp kiểm soát đường huyết?

Đậu bắp chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng khác có lợi cho sức khỏe. Một số nghiên cứu cho thấy ăn đậu bắp giúp kiểm soát đường huyết trong máu.

Theo nghiên cứu năm 2023 của Đại học Khoa học Y tế Zanjan, Iran và một số đơn vị, trên 100 bệnh nhân tiểu đường type 2, nhóm người dùng 1.000 mg bột đậu bắp ba lần một ngày trong ba tháng giảm mức đường huyết lúc đói, HbA1C (đường huyết trung bình trong ba tháng), cholesterol toàn phần, chất béo trung tính so với ban đầu và nhóm dùng giả dược.

Nhóm dùng đậu bắp có nồng độ hs-CRP (định lượng protein phản ứng C trong máu) thấp hơn so với nhóm giả dược sau ba tháng. Nồng độ CRP tăng cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường.

Theo các nhà nghiên cứu, bệnh nhân tiểu đường type 2 ăn đậu bắp thường xuyên cải thiện lượng lipid máu, kiểm soát đường huyết và viêm mạn tính mà không có tác dụng phụ rõ rệt.

Các loại thực phẩm được chế biến từ đậu bắp có khả năng giúp kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường
Các loại thực phẩm được chế biến từ đậu bắp có khả năng giúp kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường

Nghiên cứu năm 2022 của Đại học Khoa học Y tế Tabriz, Iran, trên 120 người bệnh tiểu đường type 2, cho thấy người tiêu thụ đậu bắp (dạng viên nang 1.000 mg mỗi ngày) trong 8 tuần kiểm soát đường huyết tốt hơn. Điều này có thể do hàm lượng chất xơ và các hợp chất trong đậu bắp làm chậm quá trình hấp thụ glucose (đường) và cải thiện độ nhạy insulin.

Người dùng viên đậu bắp có lượng đường trong máu thấp hơn so với người dùng giả dược. Nồng độ đường huyết lúc đói và mức A1C cũng giảm ở nhóm tiêu thụ đậu bắp.

Các nhà nghiên cứu cho rằng ăn đậu bắp nguyên quả có tác dụng chống tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Người bệnh dùng rau này cũng có thể bổ trợ cho một số loại thuốc.

Nghiên cứu năm 2011 của Đại học Rajshahi, Bangladesh và một số đơn vị, cũng phát hiện ra đậu bắp giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Những con chuột tiêu thụ đường lỏng và đậu bắp tinh khiết ít có đường huyết tăng đột biến hơn những con chuột ăn uống bình thường. Loại rau này có thể ngăn hấp thụ đường trong quá trình tiêu hóa.

Theo các tác giả nghiên cứu, đậu bắp giàu chất xơ và thường được sử dụng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Tác dụng hạ đường huyết của nó mang lại lợi ích cho người mắc bệnh này. Chất xơ hòa tan của đậu bắp làm giảm hấp thu glucose trong ruột ở chuột lúc đói. Vì vậy, đậu bắp có thể có lợi cho bệnh nhân tiểu đường trong việc kiểm soát mức đường huyết sau ăn. Tuy nhiên, đậu bắp có thể ảnh hưởng đến thuốc trị tiểu đường thông dụng là metformin. Người dùng thuốc này nên hỏi bác sĩ trước khi thêm đậu bắp vào chế độ ăn uống.

Người bệnh có thể dùng đậu bắp chế biến các món canh, súp, hầm, salad hoặc làm đồ uống để tận dụng các lợi ích của nó.

Các thực phẩm tốt cho người bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường nên chia nhỏ bữa ăn
Người bệnh tiểu đường nên chia nhỏ các bữa ăn

Bữa ăn cho người bệnh tiểu đường cần đảm bảo các yếu tố sau:

  • Chia khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ, ngoài 3 bữa chính là sáng – trưa – tối, bệnh nhân nên có thêm các bữa phụ vào giữa buổi sáng và buổi trưa, giữa buổi trưa và buổi tối, trước khi đi ngủ. Việc chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp kiểm soát đường huyết ổn định, không làm đường huyết tăng cao sau khi ăn và không bị hạ thấp khi đói.
  • Bệnh nhân đái tháo đường: Nên chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (Gl) thấp như là: gạo lứt, khoai củ (tuy nhiên không ăn khoai bỏ lò, khoai nướng), rau xanh (400g/ngày) và các loại hoa quả ít ngọt như: ổi, thanh long, bưởi, táo, cam gọt vỏ không vắt nước uống.
  • Trong chế độ ăn nên hạn chế các loại thực phẩm có chứa nhiều đường như bánh kẹo, sữa có đường, nước ngọt, các loại hoa quả ngọt như: chuối, nhãn, xoài, mít, na,…
  • Trong quá trình chế biến không nên cắt, thái thực phẩm quá nhỏ, không nên nấu, ninh thực phẩm quá nhừ. Bởi nếu làm như vậy thực phẩm sẽ nhanh chóng được tiêu hóa, hấp thụ sẽ làm tăng đường huyết nhanh sau khi ăn và hạ đường huyết khi đói, khi cách xa bữa ăn.
  • Người bệnh tiểu đường cần điều chỉnh chế độ ăn sao cho cân nặng không nhỏ hơn chiều cao bình phương x 20 và không lớn hơn chiều cao bình phương x 22. Cần theo dõi cân nặng để có thể điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.
  • Trong chế độ ăn vẫn cần phải cung cấp đầy đủ các chất như chất đạm, chất bột đường, chất béo, các vitamin và khoáng chất để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.
Bổ sung nhiều rau xanh trong chế độ ăn có lợi cho người bệnh tiểu đường
Bổ sung nhiều rau xanh trong chế độ ăn giúp kiểm soát đường huyết, có lợi cho người bệnh tiểu đường

Thực phẩm giúp kiểm soát đường huyết tốt cho người bệnh tiểu đường:

  • Gạo lứt hoặc gạo giã rối.
  • Khoai củ.
  • Các loại hạt, đậu đỗ.
  • Các loại rau xanh.
  • Các loại hoa quả ít ngọt như: thanh long, ổi, bưởi, cam, táo,..
  • Sữa không đường, sữa dành cho người đái tháo đường.

>> Xem thêm: Những loại trái cây người tiểu đường nên ăn và nên tránh

Thực phẩm người bệnh tiểu đường không nên ăn

Những loại thực phẩm không tốt, bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn đó là:

  • Bánh mì trắng.
  • Khoai nướng.
  • Gạo xát kỹ.
  • Miến dong.
  • Đường.
  • Các loại bánh kẹo.
  • Nước ngọt.
  • Các loại hoa quả ngọt như: dưa hấu, nhãn, na, xoài, mít,…
  • Hạn chế các chất tạo ngọt có chứa năng lượng như Saccharose, Glucose,…
  • Trong các loại nước giải khát có đường không nên lạm dụng các chất tạo ngọt chứa ít năng lượng, như các sản phẩm chứa chất tạo ngọt có chữ “Light”.
  • Không nên ăn mặn, đặc biệt ở những bệnh nhân bị cả đái tháo đường và tăng huyết áp.

>> Xem thêm: Chế độ ăn uống cho người bệnh tiểu đường như thế nào?

0
0