Giúp trẻ bỏ thói quen phàn nàn

0
0

Nhiều trẻ có thói quen phàn nàn khi gặp điều gì đó không vừa ý. Để trẻ từ bỏ thói xấu này, cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ với con.

Nếu trẻ phàn nàn về mọi thứ hoặc thường xuyên than vãn, điều cha mẹ cần làm là hãy giúp con mình học cách suy nghĩ tích cực hơn. Nếu không kiềm chế những thói quen tiêu cực và không lành mạnh trong xã hội khi còn nhỏ, trẻ có thể trở thành một người trưởng thành thường xuyên phàn nàn trong tương lai.

Công nhận cảm xúc của con

Đôi khi trẻ phàn nàn vì muốn phụ huynh biết rằng, chúng đang phải đối mặt với một số cảm giác khó khăn hoặc khó chịu về thể chất. Việc cha mẹ xác nhận sự khó chịu của trẻ có thể đủ để xoa dịu chúng.

Phụ huynh hãy thể hiện một chút sự đồng cảm với trẻ. Sau đó, hãy nói rõ rằng, việc đối mặt với sự khó chịu là một phần của cuộc sống. Nếu hành vi của trẻ cần được can thiệp thêm, hãy kỷ luật hành vi đó chứ không phải kỷ luật cảm xúc. Hãy nói điều gì đó như “Cảm thấy thất vọng thì không sao, nhưng ném đồ đạc thì không”.

Nếu có thêm sự phản đối hoặc trẻ bắt đầu kêu than, cha mẹ hãy bỏ qua điều đó. Hãy nói rõ rằng, cha mẹ sẽ không chú ý đến những nỗ lực tiêu cực để thu hút sự chú ý từ trẻ.

Giúp trẻ bỏ thói quen phàn nàn - Ảnh 2.
Nếu trẻ luôn nhanh chóng chỉ ra mặt tiêu cực trong mọi tình huống, hãy chỉ ra mặt tích cực.

Khuyến khích giải quyết vấn đề

Nếu trẻ đang phàn nàn với cha mẹ về điều gì đó, hãy khuyến khích chúng giải quyết vấn đề. Nếu trẻ nói, “Con nóng quá” khi đang chơi bên ngoài, phụ huynh hãy hỏi: “Con nghĩ con nên làm gì về điều đó?”. Nếu trẻ cần trợ giúp để suy nghĩ về các lựa chọn, hãy nhắc rằng, con có thể ngồi trong bóng râm hoặc nhờ giúp đỡ lấy đồ uống lạnh.

Cha mẹ cũng cần dạy con các kỹ năng giải quyết vấn đề. Từ đó, có thể giúp trẻ thấy rằng, việc tìm đến phụ huynh và phàn nàn không có khả năng giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, trẻ có thể yêu cầu trợ giúp giải quyết vấn đề hoặc có thể tự mình tìm ra cách giải quyết nếu phù hợp với lứa tuổi.

Khi trẻ cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, chúng sẽ ít phàn nàn hơn. Thay vào đó, trẻ sẽ hành động để cải thiện tình hình của mình.

Phụ huynh cần thận trọng trong việc giải cứu con khi trẻ đang phải vật lộn với sự thất vọng, hoặc đang gặp khó khăn. Nếu cha mẹ sẵn sàng giải quyết ngay mọi vấn đề cho con mình, trẻ có thể hình thành cảm giác bất lực khi cho rằng, người khác phải giải quyết vấn đề thay bản thân.

Chỉ ra những điều tích cực

Nếu trẻ luôn nhanh chóng chỉ ra mặt tiêu cực trong mọi tình huống, hãy chỉ ra mặt tích cực. Điều này có thể giúp trẻ phát triển cái nhìn cân bằng hơn về thế giới thay vì chỉ nhìn thấy điều xấu.

Nếu trẻ nói: “Con ghét việc chúng ta phải rời công viên sớm vì trời mưa”, cha mẹ có thể đáp lại bằng cách nói: “Tuy nhiên, mẹ rất vui vì chúng ta được đến công viên và chơi trong một thời gian trước khi trời bắt đầu mưa”.

Cách thoát khỏi tâm lý nạn nhân

Điều quan trọng là phụ huynh đừng để con mình mắc kẹt trong tâm lý nạn nhân. Nếu trẻ cho rằng, mình thường xuyên là nạn nhân của những hoàn cảnh tồi tệ, trẻ sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào để khắc phục tình hình. Do đó, cha mẹ hãy giúp trẻ tập trung vào những thứ con có thể kiểm soát.

Nếu trẻ phàn nàn rằng, con không thể đi xe đạp vì trời mưa, cha mẹ hãy nói về những hoạt động trong nhà mà trẻ có thể làm để vui chơi. Nói điều gì đó như: “Mẹ biết con thất vọng vì không thể đi xe đạp. Thay vào đó, con có thể làm những điều thú vị nào trong nhà?”.

Khi cần tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp

Đôi khi, thái độ quá tiêu cực có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn. Ví dụ, trẻ bị trầm cảm thường chìm đắm trong những điều tiêu cực và trẻ mắc chứng lo âu thường tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất. Nếu cha mẹ nghi ngờ việc con mình liên tục phàn nàn có thể là dấu hiệu của điều gì đó nghiêm trọng hơn, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa.

Những đứa trẻ không hiểu hoặc không biết cách truyền đạt cảm xúc của mình một cách hiệu quả sẽ có nhiều khả năng nóng giận và phàn nàn hơn. Một đứa trẻ không thể nói “Con tức giận” có thể đánh người khác để thể hiện rằng chúng đang buồn. Hoặc, một đứa trẻ không thể diễn đạt bằng lời “Con cảm thấy buồn” có thể nằm xuống sàn và la hét.

Do đó, phụ huynh cần dạy trẻ nhận biết cảm xúc của mình để có thể nói cho cha mẹ biết, chứ không phải cho phụ huynh thấy con thấy thế nào. Bắt đầu bằng cách dạy con cách gọi tên cảm xúc của mình, chẳng hạn như tức giận, buồn bã, phấn khích, ngạc nhiên, lo lắng hoặc sợ hãi. Sau đó, nói về sự khác biệt giữa cảm xúc và hành vi.

Đôi khi, trẻ cư xử bốc đồng vì không nghe theo lời yêu cầu của cha mẹ. Điều này đặc biệt đúng với những trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD). Hãy giúp trẻ đi đúng hướng bằng cách đảm bảo rằng, con thực sự đang lắng nghe. Nếu không, trước khi phụ huynh hoàn thành hướng dẫn của mình, trẻ có thể bắt tay vào hành động mà không biết cha mẹ đã nói gì.

Dạy con lắng nghe chỉ dẫn bằng cách yêu cầu chúng lặp lại hướng dẫn của cha mẹ trước khi hành động.

Trước khi phụ huynh bắt đầu hướng dẫn, hãy nói: “Trước khi di chuyển, mẹ muốn con giải thích lại chỉ dẫn cho mẹ”. Khi đã hoàn thành, phụ huynh có thể hỏi: “Được rồi, mẹ vừa bảo con làm gì?”. Chỉ sau khi trẻ có thể lặp lại những gì cha mẹ nói, dù là dọn phòng hay hoàn thành bài tập về nhà, thì con mới có thể hành động.

Ngoài ra, hãy đặt mục tiêu làm cho chỉ dẫn trở nên đơn giản, dễ làm theo và càng ít bước càng tốt. Hãy xem xét sự sẵn sàng phát triển của trẻ để làm theo các hướng dẫn gồm nhiều bước. Phụ huynh cũng có thể thử viết ra các hướng dẫn để trẻ tham khảo nếu con quên những gì cần làm.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề, thay vì phàn nàn. Mặc dù, việc động não tìm giải pháp nghe có vẻ đơn giản, nhưng giải quyết vấn đề có thể là một trong những kỹ thuật kiểm soát cơn khó chịu hiệu quả nhất.

Cha mẹ hãy dạy con rằng, có nhiều cách để giải quyết một vấn đề. Việc đánh giá một số giải pháp tiềm năng trước khi bắt tay vào hành động là rất hữu ích. Vì vậy, cho dù trẻ đang cố gắng sửa dây xích trên xe đạp hay giải một bài toán, hãy khuyến khích chúng suy nghĩ ít nhất năm cách có thể để giải một bài toán trước khi quyết định phải làm gì.

Sau khi xác định các giải pháp khả thi, hãy giúp trẻ đánh giá giải pháp nào có khả năng hiệu quả nhất. Qua thực hành, trẻ có thể quen với việc suy nghĩ trước khi hành động.

Một điều khác cha mẹ cần dạy trẻ là kỹ năng quản lý cơn giận. Khả năng chịu đựng sự thất vọng thấp có thể gây ra những cơn bộc phát bốc đồng. Dạy trẻ kỹ năng quản lý cơn giận có thể giúp chúng giải quyết cảm xúc của mình một cách lành mạnh.

Sửa thói quen phàn nàn của trẻ khi gặp phải vấn đề không như ý muốn
Sửa thói quen phàn nàn của trẻ khi gặp phải vấn đề không như ý muốn

Trẻ cũng có thể thực hiện những cách cụ thể, như hít thở sâu hoặc đi bộ quanh nhà để đốt cháy năng lượng. Phụ huynh thậm chí có thể tạo một bộ dụng cụ giúp trẻ bình tĩnh với đầy đủ các công cụ thư giãn. Tốt nhất nên dạy trẻ cách bình tĩnh, đưa ra những lựa chọn phù hợp hơn và/hoặc đặt trẻ vào không gian yên tĩnh trước khi phản ứng bốc đồng.

>>> Dạy con biết nói lời xin lỗi

0
0