Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng, cũng như sự phát triển sau này. Do đó, ba mẹ cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh các hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.
RỐI LOẠN TIÊU HÓA Ở TRẺ LÀ GÌ?
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là một bệnh lý xảy ra ở đường tiêu hóa của trẻ. Bệnh lý khởi phát khi hệ tiêu hóa gặp phải các vấn đề trong quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn gây đau bụng hoặc các vấn đề về quá trình tiêu hóa thức ăn khác.
Tình trạng rối loạn tiêu hóa không gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng, nhưng có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Nếu rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm lớn… do giai đoạn nhỏ tuổi, trẻ cần nguồn dinh dưỡng đáng kể để lớn lên.
Bên cạnh đó, khi rối loạn tiêu hóa kéo dài mà không được khắc phục triệt để có thể diễn tiến thành mãn tính và bé sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng này sau khi lớn lên.
NGUYÊN NHÂN RỐI LOẠN TIÊU HÓA Ở TRẺ
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể được gây ra bởi một loạt các nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Sức đề kháng yếu, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện (từ 0 – 6 tuổi): chính là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Lúc này, hệ miễn dịch của bé còn non nớt, hệ vi sinh vật có lợi ở đường ruột chưa đủ mạnh để tạo thành hàng rào bảo vệ cơ thể. Nên trẻ dễ bị virus, vi khuẩn gây bệnh tấn công, dẫn đến các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Một chế độ ăn uống thiếu chất xơ, ít nước, hoặc giàu đạm và đường có thể gây ra rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Thiếu chất xơ có thể dẫn đến táo bón, trong khi lượng đường hoặc chất béo quá mức có thể gây tiêu chảy.
- Ngộ độc thức ăn: Hệ tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm và dễ bị virus hoặc vi khuẩn tấn công khi ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, đồ ăn ôi thiu, chế biến không đúng cách và bảo quản không đảm bảo vệ sinh.
- Dị ứng thức ăn: Dị ứng thức ăn, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm như sữa, trứng, đậu nành và lúa mạch, có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Thói quen sinh hoạt: Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra do trẻ tiếp xúc đất cát, thú nuôi, đồ chơi và vật dụng không vệ sinh. Sau đó, không rửa tay và đưa tay lên miệng hoặc cầm thức ăn cho vào miệng sẽ có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa do nhiễm vi khuẩn, giun sán, gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, táo bón.
- Sử dụng thuốc kháng sinh: Sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh đồng thời tiêu diệt vi khuẩn có lợi cho đường ruột, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Sự mất cân bằng trong vi khuẩn có lợi và vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột có thể gây ra rối loạn tiêu hóa.
- Các bệnh lý tiêu hóa: Các bệnh như viêm ruột, viêm đại tràng, viêm dạ dày, hoặc viêm gan có thể gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, đau bụng và khó chịu ở trẻ.
- Thay đổi môi trường: Sự thay đổi trong môi trường, như đi du lịch, thay đổi múi giờ hoặc chuyển đổi từ sữa mẹ sang sữa công thức, cũng có thể gây ra rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
- Vấn đề tâm lý: Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể xảy ra do vấn đề tâm lý, căng thẳng hoặc sự thay đổi đột ngột trong cuộc sống, trẻ trải qua cảm giác lo lắng, sợ hãi hoặc buồn bã và những tình trạng tâm lý này có thể gây ra rối loạn tiêu hóa.
- Yếu tố cơ địa: Một số trẻ có thể có vấn đề cơ địa về hệ tiêu hóa từ khi mới sinh, gây ra rối loạn tiêu hóa.
BIỂU HIỆN RỐI LOẠN TIÊU HÓA Ở TRẺ
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ bao gồm nhiều triệu chứng như đi phân sống, táo bón, hay nôn và lười ăn… Tình trạng này sẽ khiến trẻ chán ăn và hấp thụ kém. Từ đó dẫn đến chậm lớn, kém phát triển, thậm chí suy dinh dưỡng.
Các biểu hiện thường gặp ở trẻ bị rối loạn tiêu hóa:
- Trào ngược dạ dày thực quản, nôn trớ nhiều lần trong ngày.
- Táo bón, vài ngày đi đại tiện 1 lần.
- Tiêu chảy: Đi ngoài nhiều hơn 3 lần/ngày, đi ngoài ra nước.
- Đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, trẻ có thể có biểu hiện chướng bụng, ợ hơi và xì hơi nhiều.
- Bú kém, quấy khóc, chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng…
- Trẻ có thể trở nên khó chịu, cáu kỉnh, hay gặp khó khăn trong việc ngủ đêm do sự không thoải mái từ các triệu chứng tiêu hóa.
CÁCH KHẮC PHỤC RỐI LOẠN TIÊU HÓA Ở TRẺ
Để khắc phục tình trạng rối loạn tiêu hóa ở trẻ, có thể áp dụng một số biện pháp và thay đổi trong lối sống hàng ngày của trẻ. Dưới đây là một số cách phổ biến để giúp cải thiện tình trạng tiêu hóa của trẻ:
- Cân đối chế độ ăn uống: Bổ sung nhiều chất xơ từ rau củ, hoa quả, và các nguồn ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn của trẻ có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng trẻ uống đủ nước trong ngày.
- Tăng cường vận động: Động tác vận động nhẹ nhàng như tập thể dục, đi dạo hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa có thể kích thích nhu động ruột co bóp tốt hơn, hỗ trợ trẻ tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
- Giữ môi trường thoải mái: Tạo điều kiện yên tĩnh và thoải mái cho trẻ khi ăn uống hoặc nghỉ ngơi. Điều này có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng, có thể làm tăng khả năng tiêu hóa.
- Duy trì thời gian ăn ổn định: Thực hiện việc ăn vào các khoảng thời gian cố định mỗi ngày có thể giúp cơ thể trẻ tạo ra một thói quen tiêu hóa đều đặn.
- Kiểm tra dị ứng thức ăn: Nếu có nghi ngờ về dị ứng thức ăn, mẹ có thể thử loại bỏ một lượng nhỏ một số thực phẩm có thể gây dị ứng khỏi chế độ ăn của trẻ và theo dõi xem có cải thiện không.
- Sử dụng probiotics: Probiotics là các vi khuẩn có lợi có thể giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ và cải thiện tiêu hóa.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ: Nếu rối loạn tiêu hóa ở trẻ không cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ có thể đưa ra đánh giá chính xác và phác đồ điều trị phù hợp.
LƯU Ý KHI ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN TIÊU HÓA CHO TRẺ
Để quá trình điều trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ diễn ra hiệu quả và an toàn, ba mẹ cần lưu ý một vài vấn đề sau:
- Nếu việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt… khoa học mang lại hiệu quả, ba mẹ có thể tiếp tục duy trì nếp sống và thói quen này để đảm bảo trẻ không gặp phải rối loạn tiêu hóa nữa.
- Riêng việc sử dụng probiotic không nên quá lạm dụng, cần dùng theo hướng dẫn từ chuyên gia sức khỏe hoặc bác sĩ.
- Không tự ý mua bất kể loại thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa nào cho trẻ uống.
- Nếu sử dụng thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa cần thăm khám và tuân thủ theo đúng chỉ định về liều lượng thuốc cùng thời gian dùng thuốc của bác sĩ.
- Trong khi điều trị, nếu trẻ có triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
- Ngoài ra, cũng cần thận trọng với các bài thuốc nam để trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ.
>>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình là thiếu chất gì?