Thai nhi 12 tuần phát triển như thế nào?

0
0

Thai nhi 12 tuần tuổi phát triển nhanh chóng đến mức cân nặng của thai nhi đạt gần gấp đôi tuần thai trước đó. Trong thời gian này, tất cả các cơ quan nội tạng của em bé 12 tuần tuổi đã phát triển đúng vị trí, cơ quan sinh dục của bé cũng đã hình thành.

1. Sự phát triển của thai nhi 12 tuần

Thai nhi 12 tuần phát triển như thế nào?
Thai nhi 12 tuần phát triển như thế nào?

Thai nhi 12 tuần tuổi có kích thước bằng một quả chanh ta, nặng khoảng 18g và có chiều dài đầu mông trong khoảng 5.4 – 6.0cm. Khi thai nhi nằm trong bụng mẹ, tay chân của em bé hơi co vào thân mình, lưng có thể cong hoặc thẳng, đầu khi cúi khi ngửa. Do đó, việc hình dung thai nhi 12 tuần như quả chanh ta là đang hình dung em bé theo 1 khối co lại và ngắn lại.

Tủy xương dần sản sinh bạch cầu – hàng rào bảo vệ của cơ thể sau này trước các tác nhân gây bệnh. Tuyến yên trong não bắt đầu chế tiết nội tiết tố.

Não của bé sẽ tiếp tục phát triển. Móng tay, móng chân, dây thanh âm và cuối cùng là ruột sẽ hoàn tất hình thành trong tuần thứ 12 này. Cũng tại thời điểm này, vì thận đã bắt đầu hoạt động nên sau khi hấp thụ chất dinh dưỡng từ nước ối, cơ thể bé có thể lọc và đào thải những chất dư thừa dưới dạng nước tiểu.

Lúc này các bộ phận trên cơ thể đã hoàn thiện và xương khớp trở nên cứng cáp hơn. Các tế bào thần kinh và khớp thần kinh cũng đang phát triển nhanh chóng.

Vào tuần thai thứ 12, nhịp tim thai nhi sẽ đập nhanh gấp đôi hoặc gấp ba lần so với mẹ bầu và có thể dễ dàng nghe được tim thai. Ngón chân và ngón tay cũng đã được tách rời nhau và dần xuất hiện vân tay.

Bên cạnh đó, gương mặt của thai nhi cũng dần được hoàn chỉnh khi 2 mắt di chuyển lại gần nhau hơn, tai di chuyển về phía sau. Cơ quan sinh dục dần hoàn thiện và có thể xác định được giới tính nhưng chưa thực sự rõ ràng.

2. Các chỉ số thai nhi 12 tuần

Ngoài quan tâm đến chiều dài và cân nặng của bé, mẹ có thể tham khảo một vài chỉ số của thai nhi 12 tuần dưới đây:

  • Chiều dài đầu mông (CRL): khoảng 53mm
  • Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): khoảng 21mm
  • Chiều dài xương đùi (FL): khoảng 8mm
  • Chu vi đầu (HC): khoảng 70mm
  • Chu vi vòng bụng (AC): khoảng 56mm

3. Thay đổi của cơ thể mẹ khi thai nhi 12 tuần tuổi

Thay đổi về cơ thể

Khi mang thai ở tuần thứ 12 mẹ bầu sẽ có những thay đổi lớn về cơ thể phải kể đến như:

  • Hormone Oestrogen sẽ kích thích da sản xuất sắc tố tối màu làm cho mẹ bầu bị sạm da.
  • Cơ thể của mẹ sẽ ấm hơn do sự gia tăng lưu lượng máu trong cơ thể.
  • Tăng nhạy cảm khứu giác: Thai phụ dễ bị kích thích bởi các mùi khác nhau.
  • Tim đập nhanh hơn để cung cấp đủ oxy cho cả mẹ và thai nhi.
  • Dưới tác động của một số hormone thì mẹ bầu sẽ cảm thấy mơ hồ và hay quên.
  • Thỉnh thoảng mẹ bầu sẽ cảm thấy bụng dưới nhô ra, do sự trương phồng ruột và sau khi đi vệ sinh sẽ trở lại bình thường.
  • Khi mang thai, huyết trắng sẽ ra nhiều hơn nên các mẹ bầu yên tâm khi gặp tình trạng này.

Thay đổi về cảm xúc

Ngoài cơ thể ở tuần thứ 12 mẹ bầu sẽ có những thay đổi về mặt cảm xúc như: căng thẳng, lo lắng, tính tình thay đổi thất thường đặc biệt với những người làm mẹ lần đầu tiên. Do đó, cần có sự đồng hành và chia sẻ của người thân để giảm bớt căng thẳng và trở nên lạc quan hơn.

4. Những xét nghiệm cần thực hiện khi thai nhi 12 tuần tuổi

Khi mẹ bầu mang thai ở tuần thứ 12 cũng cần lưu ý thực hiện đầy đủ các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ để dễ dàng theo dõi những bất thường của cả mẹ và thai nhi, để từ đó có sự can thiệp sớm.

  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện các bệnh lý liên quan đến tiểu đường thai kỳ, viêm gan B, thiếu máu và một số các bệnh truyền nhiễm khác.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Dựa trên nước tiểu có thể cho biết một số nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, tiền sản giật, các vấn đề về thận và một số bệnh lý lây qua đường tình dục.
  • Xét nghiệm Double test và NIPT: Giúp phát hiện sớm các nguy cơ bị dị tật bẩm sinh như hội chứng Down hay bất thường nhiễm sắc thể và hội chứng Patau.
  • Xét nghiệm Rubella IgM và IgG: Phát hiện kháng thể Rubella IgM và IgG gây các biểu hiện mù, điếc, tật não nhỏ, mắc bệnh tim bẩm sinh,…
  • Siêu âm 4D, 5D: Đo độ mờ của gáy, biết chính xác về các bất thường của thai nhi. Ngoài ra còn giúp biết được các chỉ số như cân nặng, chiều dài cơ thể, tuổi thai và dự đoán chính xác ngày dự sinh.

5. Cách chăm sóc mẹ bầu khi thai nhi được 12 tuần tuổi

Trong giai đoạn thai kỳ 12 tuần tuổi, mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau để chăm sóc mẹ bầu và thai nhi tốt nhất:

  • Mẹ bầu nên ăn nhiều các loại hoa quả để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cho cơ thể và thai nhi.
  • Bổ sung các thực phẩm chứa đạm, sắt và canxi cho bà bầu cũng như ăn nhiều rau xanh hơn. 
  • Ngoài ra, mẹ có thể bổ sung thuốc bổ cho bà bầu nhưng phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
  • Ăn các thực phẩm giàu choline sẽ hỗ trợ tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi.
  • Mẹ bầu nên tập các bài tập vùng cơ sàn chậu để giảm nhẹ các triệu chứng mang thai và phục hồi sau sinh nhanh.
  • Tiêm phòng cúm đầy đủ để tăng cường miễn dịch và phòng ngừa các bệnh cúm gây ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Khi thai nhi 12 tuần tuổi, mẹ có thể thai giáo cho thai nhi bằng app thai giáo, đọc sách thai giáo hay và cho thai nhi nghe nhạc thai giác 3 tháng đầu.

>>> Thai nhi 13 tuần phát triển như thế nào?

0
0