Thai nhi 14 tuần phát triển như thế nào?

0
0

Thai nhi 14 tuần tuổi là thời điểm đánh dấu việc thai nhi chuyển sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2. Thời điểm này cũng là lúc nhiều mẹ bầu đã hết hiện tượng nôn nghén, vì thế mà cơ thể cũng đã bớt mệt mỏi. Đồng thời thai nhi trong bụng cũng có những thay đổi và phát triển mới.

1. Sự phát triển của thai nhi 14 tuần

Thai nhi 14 tuần phát triển như thế nào?
Thai nhi 14 tuần phát triển như thế nào?

Ở tuần thai thứ 14, kích thước chiều dài tính từ đầu đến mông của bé dài khoảng 8,6 cm, với cân nặng bằng cỡ trái chanh vàng, khoảng chừng 57g.

Lúc này bé cũng đã có thể cử động miệng và nuốt từng ngụm nhỏ nước ối. Bé đang duy trì việc di chuyển nước ối thông qua mũi và đường hô hấp trên, giúp các túi khí sơ khai trong phổi bắt đầu phát triển.

Lá lách và gan đã biết tạo hồng cầu, tạo mật, thận đã lọc được nước tiểu và thải ra nước ối. Thành bụng đang dần dày lên để bảo vệ các phủ tạng trong cơ thể bé.

Cổ của bé cũng được định hình rõ ràng, dài hơn và giữ được đầu thẳng hơn, không còn nằm sát bả vai như trước, chi dưới cũng phát triển khá nhiều. Đôi mắt đã phát triển đầy đủ nhưng mí mắt vẫn khép chặt. Tuy nhiên, bé vẫn cảm nhận được ánh sáng chiếu vào bụng bầu.

Chân và tay của bé dài ra, lớp da bắt đầu mọc lông để giữ ấm cơ thể bé. Khi nào lớp mỡ hình thành dưới da thì lông sẽ rụng đi trước khi bé ra đời.

Xương tai trong đã được hình thành và dịch chuyển từ vùng cổ lên vùng đầu. Bé yêu đã có thể lắng nghe và phản ứng được với các âm thanh truyền từ bên ngoài vào. Xương trong cơ thể bắt đầu cứng cáp hơn, tương ứng với lượng canxi được cung cấp từ mẹ.

Các tĩnh mạch lớn của dây rốn sẽ cung cấp chất dinh dưỡng và lượng máu giàu oxy cho em bé. Ngoài ra còn có hai động mạch nhỏ có nhiệm vụ mang chất thải và carbon dioxide từ cơ thể nhỏ bé của thai nhi đến nhau thai. Sau đó nhau thai sẽ xử lý chất thải

Ở thời điểm này, bộ phận sinh dục của bé đã phát triển đầy đủ nhưng vẫn khá khó khăn để phát hiện qua hình ảnh siêu âm. Ngoài ra, thai nhi 14 tuần tuổi cũng bắt đầu sản xuất hormone tuyến giáp bởi lúc này tuyến giáp của bé đã trưởng thành.

2. Các chỉ số thai nhi 14 tuần

Ngoài các chỉ số về chiều dài và cân nặng, mẹ bầu có thể tham khảo một vài chỉ số sau của thai nhi 14 tuần:

  • Chiều dài đầu mông (CRL): 87 mm
  • Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 28mm.
  • Chiều dài xương đùi (FL): 15mm.
  • Chu vi đầu (HC): 98mm
  • Chu vi vòng bụng (AC): 81mm

3. Cơ thể mẹ bầu khi mang thai tuần thứ 14

Cơ thể mẹ bầu như thế nào khi thai nhi 14 tuần?

Tăng dịch tiết âm đạo: Đôi khi, bạn sẽ thấy vùng kín trở nên ẩm ướt hơn và tiết ra chất dịch màu trắng đục, có thể đây là cách cơ thể ngăn chặn sự phát triển của các loại vi khuẩn có hại. Nếu chất dịch không gây ngứa ngáy hoặc có mùi khó chịu, bạn không cần quá quan tâm đến nó. Hãy giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ để tránh nguy cơ nhiễm trùng cho vùng nhạy cảm.

Cơ thể mẹ sẽ có thể nhanh chóng nhận thấy một đường sẫm màu kéo dài từ trung tâm bụng xuống phía dưới. Ngực sẽ tiếp tục to ra nhưng không mềm như trước, quầng vú to và sậm màu hơn.

Triệu chứng nghén: cơ thể của các mẹ đã dần thích ứng được sự xuất hiện của thai nhi trong buồng tử cung cho nên phần lớn mẹ bầu sẽ giảm bớt hoặc hết hẳn các triệu chứng ốm nghén khó chịu trong giai đoạn 3 tháng đầu trước đó. Tuy nhiên, đối với một số ít mẹ bầu, tình trạng buồn nôn, ốm nghén vẫn tiếp tục diễn ra.

Nghẹt mũi: nồng độ cao nội tiết tố estrogen và progesterone làm tăng lượng máu tới lớp màng nhày ở mũi, gây nên tình trạng này. Hãy thử sử dụng máy phun sương làm ẩm khi ngủ để giảm bớt khó chịu.

Cân nặng: Trong giai đoạn này mẹ sẽ lên cân và trái ngược với thời kỳ nghén ngẩm, mẹ bắt đầu thèm ăn và ăn nhiều hơn do sự phát triển nhanh chóng của em bé đã tiêu hao khá nhiều năng lượng của cơ thể mẹ. Do đó mẹ cần phải bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu hơn

Vấn đề tiêu hóa: Nhiều mẹ bầu có cảm giác ngon miệng hơn khi ăn. Nhưng bên cạnh đó, không ít mẹ bầu gặp phải tình trạng táo bón, ợ nóng, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng. Để ngăn ngừa điều này, bạn nên nên uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vận động thể chất đầy đủ.

4. Những xét nghiệm mẹ bầu cần biết

Khi thai nhi 14 tuần, mẹ sẽ được kiểm tra:

  • Cân nặng và huyết áp
  • Lượng đường và protein trong nước tiểu
  • Làm tầm soát lệch bội và xét nghiệm tổng quát nếu trước đó chưa làm.
  • Đo nhịp tim của thai nhi
  • Bàn tay và bàn chân của mẹ có bị sưng hay giãn tĩnh mạch hay không

Ngoài ra, bạn cũng nên nói bác sĩ biết về các triệu chứng đã trải qua, đặc biệt là những triệu chứng không bình thường để đảm bảo 1 thai kỳ khỏe mạnh.

>>> Thai nhi 15 tuần phát triển như thế nào?

0
0