Thai nhi 15 tuần là lúc con bước hẳn sang tam cá nguyệt thứ 2, bé sẽ có những phát triển rất nhanh và khá hoàn thiện về cơ thể. Lúc này, bé đã có thể nghe thấy được những gì mẹ nói và cảm nhận được những bài hát ru rồi đấy. Vậy hãy cùng tìm hiểu xem cụ thể sự phát triển của con sẽ diễn ra như thế nào?
1. Sự phát triển của thai nhi 15 tuần
Mức độ phát triển của thai nhi đã mạnh hơn so với tam cá nguyệt thứ nhất, lúc này bé có kích thước của một quả mơ, nặng khoảng 99 – 132g và có chiều dài từ đầu đến mông là 10.1cm.
Dựa vào hình ảnh siêu âm, các mẹ cũng có thể dễ dàng nhận thấy ngoại hình của thai nhi đã phát triển giống hình hài của một em bé. Đến tuần này thì đã có thể xác định rõ giới tính của em bé qua màn hình siêu âm. Tuy nhiên, về phần cấu trúc xương ở thời điểm này vẫn chưa thể nhìn thấy rõ. Bên cạnh đó, da đầu và tóc của em bé cũng đã dần hình thành
Sự phát triển nhanh và mạnh của các cơ giúp thai nhi có thể cử động tay, chân, bé bắt đầu có thể vặn mình cũng như bộc lộ cảm xúc trên khuôn mặt rõ hơn. Mặc dù thai nhi đã cử động mạnh mẽ hơn nhưng vì kích thước của em bé vẫn còn khá nhỏ nên mẹ bầu vẫn chưa có thể cảm nhận được những biểu hiện thai máy.
Em bé vẫn còn rất gầy, da kéo căng trên cơ thể bé nhỏ. Làn da vẫn còn mờ mờ trong, có thể nhìn thấy các mạch máu phía bên trong. Bạn có thể tự tính nhịp tim của em bé lúc này, bằng cách đo nhịp tim của mình (bấm mạch ở cổ tay), rồi nhân lên gấp đôi.
Răng sữa của bé lúc này cũng bắt đầu xây dựng nền tảng ở bên trong nướu, và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển răng miệng của bé sau này. Những lượng nhỏ fluoride có trong nước mà bạn đang uống mỗi ngày sẽ giúp hình thành lớp men trên những răng này, cũng như trên răng vĩnh viễn sau này của bé.
Bé đã hình thành phản xạ thị giác ở tuần thứ 15 này. Bé bắt đầu cảm nhận được ánh sáng chiếu xuyên qua thành bụng của mẹ và sẽ dần hoàn chỉnh các chức năng thị giác cho đến một thời gian ngắn sau sinh. Vị giác và khứu giác cũng bắt đầu phát triển, thai nhi 15 tuần cũng bắt đầu cảm nhận được một số mùi và vị thông qua nước ối.
Tập thở: Ở giai đoạn này, bé sẽ tập hít thở bằng cách luân chuyển nước ối từ mũi đến các phần khác của đường hô hấp trên, khởi động cho sự phát triển các phế nang (còn gọi là túi khí) trong phổi.
Các vân tay của bé cũng bắt đầu hình thành trong giai đoạn này. Không một ai có dấu vân tay trùng với nhau, và đó thật sự là những dấu hiệu độc đáo để phân biệt em bé của bạn với bất kỳ người nào khác.
2. Các chỉ số thai nhi 15 tuần
Ngoài cân nặng và chiều dài, mẹ cũng có thể cần chú ý thêm các chỉ số siêu âm thai nhi 15 tuần khác như:
- Chiều dài xương đùi của thai (FL): khoảng 17mm.
- Chiều dài đầu mông (CRL): khoảng 101 mm
- Đường kính lưỡng đỉnh: 29mm
- Chu vi bụng của bé (AC): khoảng 93mm.
- Chu vi đầu của thai nhi (HC): khoảng 111mm.
3. Cơ thể mẹ bầu khi mang thai ở tuần thứ 15
Cùng với sự phát triển của bé, cơ thể mẹ bầu cũng có nhiều thay đổi rõ rệt hơn so với các tuần thai trước. Khi thai nhi 15 tuần, tức bạn đã bước sang giai đoạn đầu của tam cá nguyệt thứ 2, do đó cơ thể bạn cũng trải qua một số thay đổi, cụ thể như:
Kích thước bụng lớn nhanh hơn
Khi thai nhi dần phát triển, lượng nước ối cũng tăng, do đó kích thước bụng bầu cũng tăng nhưng cũng không dễ nhận thấy khi quan sát từ bên ngoài, mẹ có thể sờ tay lên thành bụng để cảm nhận rõ sự thay đổi kích thước.
Tăng cân: Nếu để ý bạn sẽ thấy nhu cầu ăn uống của bản thân cũng tăng dần. Do đó, vào những tháng giữa của thai kỳ (tam cá nguyệt thứ 2), cân nặng của mẹ bầu thường tăng thêm khoảng 1,5 – 2,5kg mỗi tháng.
Khí hư tiết ra nhiều hơn
Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể thai phụ thường tăng cao, do đó mẹ bầu thường cảm nhận huyết trắng tiết ra nhiều hơn so với bình thường. Tuy nhiên, mẹ không nên quá lo lắng vì nhờ độ axit cao của dịch nhầy mà âm đạo sẽ được bảo vệ và ngăn cản sự phát triển của các vi khuẩn gây hại. Khi nhận thấy khí hư có biểu hiện bất thường vì sự thay đổi màu sắc của khí hư cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số tình trạng viêm nhiễm của đường sinh dục. Sau đây là một số biểu hiện các thai phụ cần lưu ý:
- Khí hư tiết ra kèm theo mùi hôi khó chịu.
- Mẹ bầu cảm thấy vùng kín bị ngứa, đau, rát hoặc ửng đỏ, sưng tấy.
- Kết cấu khí hư có sự thay đổi, chẳng hạn như dịch nhầy tạo thành từng mảng hoặc trở nên đặc quánh thành cục.
- Màu sắc khí hư có sự thay đổi rõ rệt: thông thường huyết trắng sẽ có màu trắng hơi ngà hay còn gọi là màu trắng đục. Tuy nhiên, nếu màu sắc khí hư chuyển sang xám, xanh vàng hoặc nâu thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm nhiễm âm đạo.
- Khi đi tiểu tiện, thai phụ có thể cảm thấy đau rát ở âm đạo.
Nhiệt độ cơ thể tăng cao
Khi mang thai 15 tuần, lượng máu lưu thông trong cơ thể bạn tăng lên rất nhiều nên có thể làm cho bạn cảm thấy nóng và da ửng đỏ, cho dù thời tiết có đang mát lạnh.
Giãn tĩnh mạch
Bạn cũng có thể nhận thấy các tĩnh mạch ở chân cũng xuất hiện rõ hơn, và chân sẽ bị đau nếu đứng lâu. Nếu bạn đã có con trước đó, và bạn đang bị thừa cân hoặc có tiền sử gia đình, bạn sẽ có thể dễ bị chứng giãn tĩnh mạch. Một số bà bầu cần phải mang vớ hỗ trợ để giúp máu quay trở ngược lên chân phía trên. Mỗi khi nằm, bạn hãy cố gắng để hai chân nâng lên cao hơn một chút, và hạn chế đứng khi có thể.
Đau dây thần kinh
Với một số bà bầu thì tình trạng đau dây thần kinh là rất đáng lo ngại. Dây thần kinh này chạy từ cột sống xuống mông và hết chiều dài chân. Khi trọng lượng của tử cung và thai nhi đè lên dây thần kinh này, bạn có thể cảm thấy như bị kim châm hoặc đau nhói ở phía dưới vùng mông hoặc chân. Nếu bị trường hợp này, bạn hãy cố gắng thay đổi tư thế và dùng nhiều gối khi ngủ sao cho bạn cảm thấy thoải mái nhất có thể
Hay quên
Khi mang thai, hàm lượng các hormone estrogen và progesterone trong não của mẹ bầu tăng lên khoảng 15 – 40 lần so với bình thường. Những hormone này ảnh hưởng đến nơ-ron thần kinh ở não bộ và có thể dẫn đến chứng hay quên.
Tóc ít rụng
Vào giai đoạn thai nhi tuần 15, tóc của bạn thường dày và đẹp. Thông thường, tóc luôn có chu kỳ phát triển và rụng, tuy nhiên, khi bạn mang thai thì tóc sẽ không rụng nhiều.
Móng tay dễ bị giòn
Móng tay của bạn lúc này có thể trông hơi lạ. Nhiều bà bầu thấy móng tay mình trở nên giòn hơn, yếu và dễ bong ra. Sơn trên chất làm cứng móng tay sẽ không có hại gì cho bạn hay em bé, chỉ cần bạn làm việc đó ở một nơi thoáng khí, vì như vậy bạn sẽ không phải hít vào mùi sơn với nồng độ đậm đặc.
4. Những lưu ý dành cho mẹ bầu
4.1. Mẹ bầu nên ăn gì?
Mang thai tuần 15, mẹ cần tiếp tự duy trì chế độ ăn uống đa dạng và khoa học theo tháp dinh dưỡng cho bà bầu, tiếp tự bổ sung sắt, acid folic và canxi cho bà bầu.
- Bổ sung trái cây, rau xanh và các món ăn bổ dưỡng cho bà bầu trong chế độ ăn hàng ngày.
- Uống đủ nước để cung cấp vitamin cho cơ thể và tránh táo bón.
- Nạp sữa và các sản phẩm từ sữa để bổ sung canxi cho sự phát triển xương của thai nhi.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu protein như thịt nạc, thịt bò, cá nhiều dầu, trứng,…
- Ăn trứng nấu chín kỹ để cung cấp cho cơ thể một số axit béo omega 3.
4.2. Cách vận động trong khi mang thai 15 tuần
Dưới đây là một số lưu ý khi vận động cho mẹ bầu 15 tuần:
- Để đảm bảo an toàn cho thai nhi 15 tuần, mẹ cần thay đổi chế độ tập luyện cho phù hợp. Các bài tập thể dục cho mẹ bầu nên nhẹ nhàng, cân bằng và thoải mái trong khi luyện tập.
- Mẹ hãy cố gắng thay đổi tư thế trong khi ngủ, kê nhiều gối sao cho tư thế cảm thấy thoải mái nhất để tránh gây áp lực lên dây thần kinh. Mẹ có thể ngủ với tư thế nằm nghiêng, dồn trọng tâm ngửa vào đầu gối.
- Khi ngồi, mẹ bầu hãy cố gắng kê cao chân bằng cách gác lên ghế hoặc dụng cụ để chân.
4.3. Duy trì các thói quen chăm sóc bản thân lành mạnh
Mẹ bầu nên dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân hơn khi mang thai tuần 15:
- Nghỉ ngơi nhiều và ngủ đủ giấc.
- Chăm sóc vệ sinh và rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa bệnh.
- Vệ sinh sạch bộ phận sinh dục trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Tắm nước ấm, sử dụng liệu pháp hương thơm, đi spa để giảm căng thẳng, loại bỏ suy nghĩ tiêu cực và ngủ ngon hơn.
4.4. Kiểm tra và xét nghiệm sàng lọc với thai nhi 15 tuần tuổi
Kiểm tra và xét nghiệm sàng lọc trước sinh là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe mẹ bầu và em bé.
Trong giai đoạn đầu của tam cá nguyệt thứ 2, mẹ có thể được yêu cầu xét nghiệm sàng lọc đa chất chỉ điểm (MMS). Đây là một loại xét nghiệm quan trọng nhằm kiểm tra khả năng dị tật thai nhi như nứt đốt sống, hội chứng Down, khuyết tật ống thần kinh hoặc một số rối loạn mang tính di truyền.
>>> Thai nhi 16 tuần phát triển như thế nào?