Thai nhi 21 tuần được xem là thời điểm vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của trẻ. Giai đoạn này ghi nhận những phát triển về môi, mắt cũng như bé có thể cảm nhận tiếng nói của mẹ. Bố mẹ cần chú ý để bồi bổ thêm dưỡng chất cho con phát triển tốt nhất.
1. Sự phát triển của thai nhi 21 tuần
Từ trước thời điểm này, chiều dài thai nhi được đo từ đỉnh đầu đến cuối mông (hay còn gọi là chiều dài đầu mông), còn bây giờ chiều dài bé được bắt đầu từ đỉnh sọ cho đến gót chân, khoảng 24.7 cm và nặng khoảng 400 g ở tuần thứ 21.
Thai nhi 21 tuần tuổi đã ra dáng là 1 hình hài sơ sinh và đã có những phát triển vượt trội như:
- Lúc này, kích thước bụng bầu 5 tháng của mẹ đã to hơn, tương đương với 1 quả bóng rổ.
- Dần hình thành các chất quan trọng trong phổi để có thể hô hấp bình thường ngay khi lọt lòng.
- Khi siêu âm thai có thể thấy được các khoang tim và các mạch máu chính của tim thai nhi.
- Có thể nghe được âm thanh bên ngoài và phản ứng với những tiếng ồn lớn đột ngột. Xương cũng trở nên cứng cáp hơn.
- Có thể cử động được tất cả các cơ quan trên cơ thể và bắt đầu máy mạnh hơn.
- Ruột đã phát triển đầy đủ nhằm hấp thu các loại đường trong nước ối. Tuy nhiên, hầu hết các dưỡng chất được cung cấp thông qua nhau thai.
- Lá gan và lá lách của thai nhi 21 tuần bắt đầu hoạt động và sản xuất ra tế bào máu.
- Tủy xương phát triển đầy đủ để hình thành tế bào máu cho thai nhi.
Thai nhi 21 tuần tuổi bắt đầu đạp nhiều hơn và liên tục thay đổi vị trí trong bụng mẹ. Do đó, nhiều mẹ bầu thường lo lắng rằng liệu thai nhi đạp nhiều có sao không? Tuy nhiên, đây là điều hoàn toàn bình thường cho thấy thai nhi đang phát triển khỏe mạnh nên mẹ không cần lo lắng quá nhé!
Bên cạnh đó, thai nhi 21 tuần tuổi đã có thể cầm nắm, bú, nấc cụt. Đồng thời, vị giác của trẻ đã phát triển và có thể nếm được mùi vị của các loại thức ăn mà mẹ sử dụng. Đây cũng là một trong những thời điểm mẹ bầu dễ bị trầm cảm khi mang thai. Do đó, mẹ hãy cố gắng giữ cho tâm trạng thật thoải mái.
2. Các chỉ số thai nhi 21 tuần
Có nhiều thuật ngữ nói về chỉ số thai nhi. Dưới đây là các chữ viết tắt và các chỉ số quan trọng của thai nhi 21 tuần:
- GA ( Tuổi thai): 21 tuần.
- BPD (Đường kính lưỡng đỉnh): 44- 59 mm.
- FL (Chiều dài xương đùi của thai nhi): 32 – 41 mm.
- EFW (Cân nặng thai nhi ước tính): 331 – 546g.
- AC (Chu vi bụng): 147 – 196 mm.
- HG (Chu vi đầu): 178 – 221 mm.
- FT (Chiều dài bàn chân thai nhi): 26 mm.
3. Cơ thể mẹ như thế nào khi mang thai 21 tuần
Bụng của mẹ đã to lên nhiều hơn, thỉnh thoảng làm cho mẹ bị đau nhẹ quanh rốn, hông, bụng và bẹn. Tuy nhiên, mẹ không cần quá lo lắng vì đây không phải là hiện tượng bất thường, chỉ là do các cơ, da và dây chằng đang giãn ra mà thôi.
Khi mang thai ở tuần 21, mẹ có thể đau đầu nhiều hơn do tác động của hormone thai sản. Những gì mẹ cần làm lúc này là hãy thư giãn tâm trí và có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ, để được tư vấn các liệu pháp giảm đau đầu tự nhiên mà không phải dùng đến thuốc. Ngoài ra, dịch âm đạo sẽ tiết nhiều hơn với màu trắng hoặc trong, ở thể lỏng và không có mùi.
Lúc này, cân nặng có sự thay đổi lớn tạo nên áp lực với tử cung khiến lưu lượng máu tăng lên nhiều và gây ra hiện tượng giãn tĩnh mạch. Điều này là do thai nhi càng phát triển và tạo các áp lực cho tĩnh mạch ở chân, dẫn đến mẹ dễ bị sưng phù chân vào ban đêm. Các mẹ bầu không phải lo lắng nhiều vì đây là hiện tượng bình thường ở phụ nữ mang thai bởi nguyên nhân nồng độ máu thay đổi.
Cùng với đó, vết rạn da sẽ bắt đầu lộ diện trên bụng bởi da bụng phải giãn ra để tương ứng với kích thước của bé đang dần lớn lên. Vết rạn không chỉ có ở bụng mà còn xuất hiện ở vùng mông, đùi, hông và ngực. Chăm sóc da cũng cần được chú ý bởi da sẽ tiết ra dầu khiến chúng dễ bị sạm nám khi tiếp xúc với ánh mặt trời.
Lần đầu làm mẹ, khoảnh khắc hạnh phúc nhất là khi cảm nhận được cử động của con. Bé có thể xoay trở mình, chuyển động tay hoặc đạp vào bụng mẹ tạo ra nhiều cú hích sôi động. Giai đoạn này sự gắn kết giữa mẹ và bé được cảm nhận rõ hơn bởi những di chuyển của bé trong bụng. Một điều đáng lưu ý chính là mẹ bầu cần đi khám thai đều đặn để theo dõi sát sao tiến trình phát triển của bé có gặp bất thường hay không.
4. Những lưu ý dành cho mẹ bầu
Để bé có được sự phát triển hoàn hảo về mọi mặt mẹ bầu cần bổ sung thật nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Sắt là dưỡng chất không thể thiếu nhằm tạo ra hồng cầu cho bé. Vì vậy mẹ bầu nào cũng cần phải bổ sung sắt với các loại thực phẩm như thịt bò, thịt lợn, cá, các loại ngũ cốc chứa sắt, rau chân vịt,…
Đặc biệt, phụ nữ mang thai tuyệt đối không được dùng trà hoặc cà phê. Đây là những loại thức uống gây hạn chế khả năng hấp thụ và cung cấp axit của dạ dày. Tốt nhất là hãy uống thật nhiều nước mỗi ngày cũng như uống các loại nước trái cây như cam,… Và bổ sung thật nhiều rau xanh để bồi bổ vitamin B cho cơ thể.
Mẹ bầu hãy cố gắng giữ tinh thần thoải mái trong thai kỳ, bởi căng thẳng quá mức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Mẹ có thể tham gia hoạt động thường ngày như đọc sách, nghe nhạc hoặc ngồi thiền. Ngoài ra, mẹ cũng phải quan tâm đến sức khỏe thể chất. Hãy rèn luyện sự dẻo dai cho cơ thể bằng cách tập yoga hoặc kegel. Bên cạnh đó, mẹ có thể đi bộ nhẹ nhàng sau mỗi bữa ăn, vừa thúc đẩy quá trình trao đổi chất, vừa cải thiện tinh thần thoải mái.
Mẹ nên đến bệnh viện và tiến hành siêu âm 4D (từ tuần 20 – 22) để theo dõi sức khỏe của thai nhi. Đây cũng là thời điểm mẹ trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng không bình thường, cũng như thực hiện một số xét nghiệm để đánh giá sức khỏe tổng thể:
• Đo cân nặng và huyết áp. Mẹ cũng có thể nhờ bác sĩ kiểm tra cân nặng của thai 21 tuần là bao nhiêu, có đáp ứng bảng cân nặng chuẩn không.
• Xét nghiệm nước tiểu để đo lường chỉ số đạm và chỉ số đường huyết.
• Kiểm tra nhịp tim của thai nhi 21 tuần.
• Đo kích thước tử cung bằng cách sờ bên ngoài, để đánh giá tử cung tương quan thế nào khi đến ngày sinh nở.
• Kiểm tra triệu chứng giãn tĩnh mạch ở chân.
>>> Thai nhi 22 tuần phát triển như thế nào?