Thai nhi 30 tuần phát triển như thế nào?

0
0

Khi thai nhi 30 tuần tuổi, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến ngày dự sinh của bé. Nếu đây là em bé đầu lòng, mẹ có lẽ sẽ cảm thấy vừa hào hứng vừa xen lẫn một chút lo lắng. Lần đầu làm mẹ đồng nghĩa với việc đón nhận những thay đổi lớn trong đời. Cho dù mẹ có lên kế hoạch kỹ đến mấy, đâu đó vẫn sẽ có những khoảng cách lớn so với thực tế. Sau đây là những lưu ý cho mẹ về sự phát triển của thai nhi 30 tuần và một số thay đổi trong cơ thể mẹ bầu mà mẹ cần biết.

1. Sự phát triển của thai nhi 30 tuần

Ở tuần thứ 30 của thai kỳ, bé bắt đầu tăng cân rất nhanh để chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ, thai nhi tăng khoảng 230g mỗi tuần nhằm đảm bảo sự phát triển của các hệ cơ quan. Ngoài ra, lớp mỡ dưới da có chức năng giúp bé giữ ấm sau khi sinh sẽ phát triển và làm cơ thể bé đầy đặn hơn.

Bé có thể thường xuyên bị nấc cụt. Tình trạng này phổ biến trong ba tháng cuối thai kỳ. Mẹ có thể cảm thấy được điều này bởi nó sẽ tạo nên sự co giật nhịp nhàng trong tử cung. Các nghiên cứu cho thấy rằng thai nhi nấc cụt trong khoảng 10 tuần trước khi sinh sẽ kích thích và đóng một phần quan trọng trong sự phát triển não bộ của bé. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng cảm nhận được dấu hiệu này hay không phải tất cả thai nhi đều có nấc cụt, nên các mẹ bầu cũng đừng quá lo lắng nếu không thấy hiện tượng này ở em bé của mình nhé.

Thai nhi 30 tuần vẫn rất non tháng. Tuy nhiên, nếu chào đời ở giai đoạn này, bé vẫn có cơ hội sống sót với sự chăm sóc đặc biệt. Tỷ lệ sống sót nếu sinh sau 30 tuần cao tới 98%.

Dấu hiệu thai nhi 30 tuần tuổi khỏe mạnh chính là bắt đầu phân biệt được những thứ xung quanh như ánh sáng và bóng tối. Mẹ đừng quá lo lắng nếu trong tuần thai này thai nhi ít vận động hơn nhưng đây là điều hoàn toàn bình thường do không gian quanh bào thai hạn chế hơn. Thính lực của thai nhi đang phát triển hoàn thiện nên mẹ có thể thấy thai nhi cử động phản ứng lại một số tiếng động lớn từ bên ngoài.

Cùng với sự phát triển của thai nhi tuần 30, lượng nước ối cũng sẽ bị giảm đi, đây chính là một dấu hiệu của sự phát triển bình thường. Lúc này, thai nhi đang ở tư thế đầu hướng xuống và bé yêu sẽ có xu hướng hạ xuống sâu hơn nữa vào khung chậu của mẹ trong vài tuần sắp tới.

2. Các chỉ số thai nhi 30 tuần

Thai nhi tuần 30 có kích thước bằng khoảng một quả bí đỏ cỡ vừa, nặng khoảng 1.313 – 1.753 kg và sẽ tiếp tục tăng thêm cân. Cụ thể, chỉ số thai nhi 30 tuần:

  • Chiều dài từ đầu đến mông khoảng 39.9 cm
  • Chiều dài xương đùi khoảng 56mm
  • Đường kính lưỡi đỉnh khoảng 76mm.
Siêu âm cho mẹ biết được các chỉ số thai nhi 30 tuần

Tuy nhiên, các thông số trên chỉ mang tính chất tương đối, tùy thuộc vào tốc độ tăng trưởng của mỗi thai, bảng tham chiếu các thông số của mỗi máy siêu âm, các bác sĩ siêu âm sẽ đo đạc và đánh giá, tư vấn chính xác về các thông số này cho em bé nhà mình nhé.

3. Các triệu chứng mẹ bầu có thể gặp ở tuần thứ 30

Mang thai 30 tuần tuổi mẹ sẽ thấy tóc dày hơn, ngưng dài ra và ít rụng hơn. Nhưng vài tháng sau sinh thì ngược lại, tóc mẹ sẽ mỏng đi và rụng nhanh hơn. Ngoài ra, trong tuần thai thứ 30 mẹ sẽ thấy mệt mỏi hơn và đặc biệt xuất hiện thêm nhiều triệu chứng khó chịu khác như:

3.1. Khó ngủ

Mẹ sẽ thấy mệt hơn bình thường và khó vào giấc ngủ hơn, nên mẹ hãy thử nhiều tư thế ngủ khác nhau để lựa chọn tư thế ngủ thoải mái và phù hợp nhất. Nếu mất ngủ nghiêm trọng khiến mẹ mệt mỏi, khó chịu hãy đến bác sĩ ngay nhé.

3.2. Đau lưng 

Đau lưng là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ mà mẹ bầu nào cũng gặp phải. Thường vào tam cá nguyệt thứ ba triệu chứng đau lưng sẽ nặng hơn và khiến mẹ nằm hay xoay người cũng khó khăn hơn.

3.3. Chuột rút

Cơ thể mẹ đang phải chịu quá nhiều sức ép do thai nhi đang lớn dần lên, lúc này tất cả các cơ như hệ xương, bắp, mạch máu, hóc môn đang phải làm việc cho hai người một lúc. Do đó, mẹ hãy cố uống nhiều nước và nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể thoải mái hơn. Nếu tình trạng chuột rút thường xuyên hơn và không có dấu hiệu thuyên giảm mẹ hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được cho lời khuyên và hướng dẫn cách khắc phục.

3.4. Tâm trạng hay thay đổi

Mẹ bầu thay đổi tâm trạng không có gì lạ, do mẹ phải lo lắng nhiều điều trong cùng lúc, mẹ đang mệt mỏi hơn do khối lượng tăng thêm. Nếu tâm trạng thay đổi nhưng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày và chất lượng giấc ngủ hãy đến gặp bác sĩ nhé. Do có rất nhiều mẹ bầu bị trầm cảm cả trong và sau thai kỳ nên hãy chia sẻ với bác sĩ những điều mẹ cảm thấy để được tư vấn cách kiểm soát tâm trạng.

3.5. Chân lớn hơn

Bàn chân lớn hơn nên nhiều mẹ bầu còn tăng cả một cỡ giày trong suốt thai kỳ, hãy đầu tư vào một đôi giày hoặc dép chất lượng để giúp mẹ thoải mái di chuyển đến khi sinh và cần chăm sóc bàn chân cẩn thận.

Ngoài ra, thai nhi 30 tuần tuổi, mẹ có thể cảm thấy khó thở do nguyên nhân chính là tử cung của mẹ ngày càng mở rộng và chèn ép lên tất cả các cơ quan nội tạng khác đặc biệt là phổi để tạo ra không gian đủ cho bé phát triển. Nếu khó thở xảy ra thường xuyên hơn mẹ hãy đến gặp bác sĩ để khắc phục sớm tình trạng này.

4. Những lưu ý và xét nghiệm cần thiết cho mẹ bầu khi thai nhi 30 tuần.

Từ lúc thai nhi 30 tuần cho đến tuần 36, mẹ cần kiểm tra tiền sản 2 tuần một lần. Sau tuần 36 là mỗi tuần một lần cho đến khi bé ra đời. Bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp, nước tiểu, đo mạch bụng, cân nặng của mẹ và hỏi mẹ về bất kỳ triệu chứng nào mà mẹ đang gặp phải.

Bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng cách đo kích thước tử cung của mẹ bầu. Khi thai nhi 30 tuần, mẹ bầu có thể cảm thấy khó thở. Mẹ nên trao đổi với bác sĩ nếu việc khó thở thường xuyên xảy ra.

Mẹ không nên sử dụng bất cứ loại thuốc ngủ nào khi chưa được bác sĩ cho phép. Không có bất cứ loại thuốc ngủ nào là an toàn cho mẹ bầu.

Đối với một số mẹ bầu bị hội chứng ống cổ tay, có thể khắc phục bằng cách hạn chế các hoạt động đòi hỏi tay lặp đi lặp lại như làm đồ thủ công hay gõ máy vi tính. Mẹ cũng có thể nẹp cổ tay để giúp giảm áp lực lên các dây thần kinh. Nếu tình hình nặng hơn, hãy đến gặp bác sĩ để được chữa trị.

Mẹ cũng đừng quên loại bỏ nguy cơ mắc liên cầu khuẩn nhóm B bằng cách thực hiện các xét nghiệm. Mẹ bầu đã từng xét nghiệm dương tính với liên cầu khuẩn nhóm B sẽ được điều trị kháng sinh khi chuyển dạ để giữ cho thai nhi an toàn.

>>> Thai nhi 31 tuần phát triển như thế nào?

0
0