Khi thai nhi 33 tuần tuổi, chiều dài của thai nhi gần như ổn định, cân nặng tiếp tục tăng lên, xương phát triển cứng cáp hơn, não được thu nhỏ lại, thị giác và hệ thống miễn dịch tiếp tục hoàn thiện. Vậy sự phát triển của thai nhi ở tuần này có gì đáng chú ý? Cơ thể mẹ bầu sẽ cảm thấy như thế nào và mẹ cần lưu ý những gì?
1. Sự phát triển của thai nhi 33 tuần
Ở mốc thai 33 tuần, tức là tháng thứ 8 của thai kỳ, cân nặng trẻ lúc này là khoảng 2,1 kg và chiều cao rơi vào khoảng 43 cm, khá gần với chiều dài mà bé được sinh ra. Vì vậy, bé không còn nhiều chỗ để di chuyển trong bụng mẹ, đồng thời nuốt nhiều nước ối và đi tiểu theo đó.
Thai nhi đang bắt đầu phản ứng rõ rệt như đứa trẻ sơ sinh. Nhạy cảm với ánh sáng xuyên qua thành bụng ngày càng mỏng hơn của mẹ, đôi mắt buồn ngủ khi trời tối và lóe sáng khi trời sáng. Đây là những bài học đầu tiên của bé về việc học hỏi sự khác biệt giữa đêm và ngày, một sự khác biệt mà rõ ràng là rất quan trọng khi bé ra khỏi bụng mẹ.
Vẫn đóng một vai trò quan trọng là nước ối bao quanh em bé. Nước ối giúp nhiệt độ của bé ấm hơn 1 độ C so với nhiệt độ cơ thể mẹ, vì vậy nó có tác dụng giữ cho em bé luôn ấm áp cho đến ngày chào đời. Đến lúc này, nước ối đang dần nhiều hơn trong bụng mẹ, tạo ra một lớp đệm giữa mẹ và bé.
Mặc dù có cảm giác như em bé đã muốn ra ngoài, nhưng cơ thể vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Cơ thể bé lúc này vẫn đang bận rộn phát triển hệ thống miễn dịch độc lập, phần lớn nhờ vào các kháng thể mà mẹ cung cấp qua nhau thai.
Các cơ quan khác nhau của bé hoạt động bình thường, nhưng hệ tiêu hóa và phổi vẫn cần một vài tuần để hoàn chỉnh các chức năng. Vào cuối tháng thứ 8 của thai kỳ, phổi sẽ được cung cấp đầy đủ chất surfactant để bé có thể thở ngoài trời mà không cần đến sự hỗ trợ hô hấp.
Trong tuần này, xương ở bé tiếp tục phát triển cứng cáp hơn. Tuy nhiên, hộp sọ vẫn mềm mại và linh hoạt vì lúc này não bé cần được nén nhẹ để chuẩn bị sẵn sàng được sinh ra ngoài. Vẫn sẽ có những điểm mềm trong hộp sọ của em bé trong vài năm đầu tiên sau sinh để cho phép bộ não tiếp tục phát triển.
2. Các chỉ số thai nhi 33 tuần
Ngoài cân nặng và sự phát triển của thai nhi 33 tuần, mẹ bầu cũng cần quan tâm đến các chỉ số quan trọng của thai nhi như:
- Chu vi đầu của thai nhi (HC): 290 – 326mm, trung bình là 308mm
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 77 – 88mm, trung bình là 83mm
- Chu vi bụng của bé (AC): 254 – 334mm, trung bình là 299mm
- Chiều dài xương đùi của thai nhi (FL): 58 – 70mm, trung bình là 63mm
- Cân nặng thai nhi ước tính (EFW): 1794g – 2530g, trung bình là 2162g.
- Chiều dài bàn chân thai nhi (FT): 45,54 – 52,46mm, trung bình 49mm.
3. Cơ thể mẹ ở tuần thứ 33 thai kỳ
Chuyển động mạnh của thai nhi
Mẹ bầu có thể kiểm tra chuyển động thai 2 lần/ngày – vào buổi sáng và buổi tối. Kiểm tra đồng hồ và bắt đầu đếm từng lần lắc, lăn, đá và vỗ của bé. Nếu bạn cảm thấy có nhiều chuyển động, hãy ăn nhẹ hoặc uống nước trái cây, nằm nghỉ ngơi vì có thể em bé đang cần bổ sung thêm năng lượng.
Giãn tĩnh mạch
Nếu mẹ bầu lo lắng rằng chứng giãn tĩnh mạch làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây đau thì có thể yên tâm. Vì nếu bạn không có biểu hiện này trước khi bạn có thai, nó sẽ biến mất ngay sau khi bạn sinh con.
Đau dây chằng tròn
Nếu bụng đau khi thay đổi vị trí hoặc thức dậy đột ngột, thai phụ có thể bị đau dây chằng tròn. Bạn không cần lo lắng nhiều nếu nó chỉ xảy ra thỉnh thoảng, không có cơn sốt, ớn lạnh hay chảy máu khi đau, thì không có gì phải lo lắng.
Thai nhi 33 tuần, dưới tác động của các hormone chuẩn bị cho cơ thể khi sinh con, các dây chằng bị giãn ra và linh hoạt hơn. Sự nới lỏng dây chằng này, kết hợp với trọng lượng của bụng và sự thay đổi cân bằng của cơ thể, có thể dẫn đến đau ở mu, tử cung và đôi khi xuống xương sườn. Những cử động của em bé dẫn đến tình trạng đau thắt lưng, nặng chân,…
Thay đổi móng tay
Hormone thai kỳ có thể làm móng mọc nhanh hơn nhưng cũng có thể khiến chúng trở nên giòn. Nếu móng tay bị giòn, hãy thử bổ sung nhiều biotin trong chế độ ăn uống của bạn (chuối, bơ, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt) và thử viên nang gelatin, an toàn trong thai kỳ.
Mệt mỏi và khó thở
Thai nhi 33 tuần trở nên lớn hơn và lấp đầy bụng của mẹ, khiến mẹ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Mẹ có thể cảm thấy bản thân nặng nề từ việc tìm kiếm tìm một chỗ ngồi thích hợp tới việc ngủ cũng trở thành một thách thức lớn. Các cử chỉ, cử động khó khăn hơn và điều này sẽ khiến mẹ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi.
Bụng đang phát triển to lên có thể làm ảnh hưởng đến phổi của các mẹ bầu. Nó khó chịu với mẹ hơn là bé. Cách để cải thiện là giữ tư thế thẳng để làm tăng khả năng cung cấp oxy cho phổi.
Não thai kỳ
Bộ não sương mù (chứng hay quên) đó có thể được gây ra bởi giới tính bé. Phụ nữ mang thai con gái thường hay quên hơn con trai.
Braxton Hicks co thắt
Những cơn co thắt này thường được cảm nhận bởi những bà mẹ đã trải qua một lần mang thai. Ngay cả ở cường độ cao nhất thì việc thay đổi tư thế (từ ngồi sang nằm, từ nằm xuống đi lại) thường sẽ khiến cơn co thắt biến mất.
4. Những lưu ý dành cho mẹ bầu
Thai nhi 33 tuần, mẹ cần phải thực hiện lần khám tư vấn tiền sản bắt buộc tháng thứ 8. Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ thực hiện các bước kiểm tra thông thường: đo huyết áp, đo chiều cao, đánh giá tình trạng cân nặng của mẹ.
Trong quá trình tư vấn này, bác sĩ sẽ xem xét kết quả chẩn đoán siêu âm trước đó và khám lâm sàng để hướng dẫn mẹ bầu kế hoạch chăm sóc thai kỳ ở những tuần tiếp theo cũng như định hướng sinh thường hay sinh mổ. Đa số là sinh thường, tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định (có tiền sử sinh mổ, xương chậu quá nhỏ, u xơ tử cung, rau tiền đạo,…), cần phải lên lịch mổ.
Thai nhi 33 tuần em bé sẽ có ít chỗ để di chuyển hơn, tuy nhiên khi cử động, mẹ vẫn có thể nhận biết được. Trong trường hợp mẹ không cảm nhận được sự di chuyển của bé trong cả ngày, đừng ngần ngại, hãy đến phòng cấp cứu phụ sản để kiểm tra và chắc chắn rằng mọi thứ đều ổn.
Các mẹ tiếp tục duy trì các bài tập cột sống, xương chậu giúp quá trình sinh sản diễn ra suôn sẻ.
>>> Thai nhi 34 tuần phát triển như thế nào?