Thai nhi 9 tuần phát triển như thế nào?

0
0

Mẹ bầu đang trong tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ và thai nhi 9 tuần chỉ lớn bằng quả nho. Lúc này, thai nhi đã bắt đầu có đầy đủ các bộ phận và càng ngày càng có hình dáng một em bé.

1. Sự phát triển của thai nhi 9 tuần

Thai nhi 9 tuần có kích thước như quả nho
Thai nhi 9 tuần có kích thước bằng quả nho

Ở tuần thai thứ 9, em bé sẽ không đơn thuần chỉ là một phôi thai mà bé đã là một cơ thể sống và đang dần hoàn thiện các chức năng của mình để chào đời.

Thai nhi lúc này nặng gần 7g, chiều dài từ đỉnh đầu đến mông khoảng 2,5-3 cm. Mẹ bầu có thể hình dung thai nhi có kích thước khoảng bằng quả nho, trong khi tử cung của mẹ đã phình to bằng quả bưởi.

Trán của em bé sẽ bớt dồ, và mắt sẽ nằm ở khoảng giữa khuôn mặt. Ngón tay và ngón chân mới đây thôi còn dính vào nhau như chân vịt, thì giờ đã tách hẳn ra thành từng ngón riêng biệt.

Cơ thể em bé cũng không còn cuộn tròn như trước mà bắt đầu duỗi dần ra. Mới trước đó, em bé nằm như hình chữ C, thì giờ đã thẳng hơn một chút, chỉ trừ hai chân vẫn còn co lên ngang hông.

Thai nhi 9 tuần đã bắt đầu xuất hiện núm vú trên ngực. Hai tai của bé mới trước đó còn ở thấp tận dưới cổ, bây giờ đã nằm đúng chỗ.

Đuôi cột sống của bé đã co rút lại và gần như biến mất vào tuần thứ 9. Ngược lại, đầu của bé đã dần phát triển và khá lớn so với phần còn lại của cơ thể. Lúc này, phần đầu của bé nặng khoảng 3g. Một dấu hiệu thai nhi 9 tuần phát triển bình thường khác là chóp mũi nhỏ xíu lúc này đã phát triển và có thể được nhìn thấy trong phim chụp khi siêu âm. Phần da trên mắt bé cũng đang bắt đầu hình thành mí mắt. Mẹ sẽ có thể nhìn thấy mí mắt bé rõ ràng hơn khi đi siêu âm thai trong vài tuần tới.

Hệ thống tiêu hóa của bé tiếp tục phát triển, ruột phát triển dài hơn và hậu môn của bé dần hình thành. Nếu bé của bạn là con gái, đây chính là thời điểm mà buồng trứng bắt đầu hình thành. Khi ra đời, em bé sẽ có đầy đủ số trứng mà một người phụ nữ mang trong mình suốt cả cuộc đời. Cơ quan sinh dục ngoài cũng bắt đầu thành hình, dù chỉ mới bé xíu xiu.

Bởi cơ bắp đã phát triển nên bé có thể thực hiện một số cử động đầu tiên trong tuần thai thứ 9. Tuy vậy, mẹ không thể cảm nhận được những cử động ấy của thai nhi 9 tuần một cách trực tiếp qua bụng mà chỉ có thể nhìn thấy khi đi siêu âm mà thôi.

2. Những thay đổi ở mẹ bầu khi mang thai tuần thứ 9

Mệt mỏi: Ở tuần thai này, mẹ bầu sẽ vẫn cảm thấy mệt mỏi. Cơ thể của mẹ đang nỗ lực hình thành nhau thai để cung cấp dinh dưỡng cho bé và điều này sẽ mất rất nhiều sức lực. Hơn nữa, tốc độ chuyển hoá và lượng hoóc-môn đang tăng cao, dẫn đến việc giảm huyết áp và đường huyết, gây nên cảm giác mệt mỏi trầm trọng. Cảm giác mệt mỏi này sẽ giảm dần khi nhau thai được hình thành một cách hoàn thiện.

Thường xuyên đi tiểu: Bạn có thể phải đi tiểu rất nhiều lần trong ngày và đây là một hiện tượng thường gặp. Hoóc-môn hCG tăng lượng máu được đưa đến thận và làm tăng chức năng lọc cặn bã của thận, do vậy bạn sẽ cảm thấy mình phải đi tiểu nhiều hơn. Việc thai nhi đang phát triển và chèn ép vào bàng quang cũng có thể làm giảm khả năng chứa tiểu.

Cảm giác đau và khó chịu ở ngực: Khi mang thai, ngực của bạn sẽ dần to lên và tạo ra cảm giác đau hoặc khó chịu do cơ thể bạn đang chuẩn bị tạo ra sữa cho em bé. Cảm giác đau sẽ giảm nhiều sau thai kỳ đầu và ngực bạn sẽ trở lại bình thường sau quá trình sinh đẻ.

Ngoài ra, các hiện tượng đầy hơi và táo bón sẽ tiếp tục như ở tuần thai trước. Hãy tiếp tục nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, ngủ nhiều hơn để đảm bảo sức khoẻ.

3. Những lưu ý dành cho mẹ khi thai nhi 9 tuần tuổi

3 tháng đầu là thời điểm nhạy cảm nhất trong suốt thai kỳ. Để mẹ và bé được khỏe mạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý:

  • Hiểu rõ dấu hiệu sớm khi mang thaingộ độc thai nghénra máu trong thai kỳ.
  • Khám thai lần đầu kịp thời, đúng và đủ, tránh khám quá sớm/ quá muộn.
  • Sàng lọc dị tật thai nhi tuần thứ 12 phát hiện những dị tật thai nhi nguy hiểm có thể can thiệp sớm.
  • Phân biệt chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo bệnh lý để can thiệp giữ thai kịp thời.
  • Sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh những rủi ro nguy hiểm trước và trong khi sinh.

Những xét nghiệm nào mẹ cần biết khi mang thai 9 tuần?

Nhiễm khuẩn âm đạo là một bệnh nhiễm trùng đường sinh dục gây ra bởi sự phát triển quá mức của vi khuẩn “cư trú” tại âm đạo. Nếu bị nhiễm khuẩn, mẹ bầu có thể nhận thấy có chất váng mỏng màu trắng hoặc xám, có mùi hôi hoặc tanh tiết ra từ âm đạo. Dịch tiết này thường xuất hiện sau khi quan hệ tình dục. Mẹ cũng có thể bị kích ứng hay ngứa quanh âm đạo và âm hộ. Theo các chuyên gia sức khỏe, có ít nhất một nửa số phụ nữ bị nhiễm khuẩn âm đạo sẽ không có bất cứ triệu chứng nào.

Nhiễm khuẩn âm đạo sẽ làm tăng nguy cơ sinh non và vỡ non màng ối bao quanh em bé. Vậy nên nếu mẹ có những triệu chứng của nhiễm khuẩn âm đạo hoặc có nguy cơ sinh non, hãy hợp tác với bác sĩ để được chữa trị hiệu quả.

>>> Thai nhi 10 tuần phát triển như thế nào?

0
0