Khả năng trẻ em bị rối loạn tiền đình cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân. Trong mọi trường hợp, cha mẹ cần kịp thời nhận diện rối loạn tiền đình ở trẻ em để bệnh không ảnh hưởng đến học tập cũng như cuộc sống của trẻ.
Mặc dù bệnh rối loạn tiền đình thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi có bệnh nền. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh này, thậm chí là trẻ em cũng bị bệnh. Dù là người lớn hay trẻ nhỏ thì khi bị rối loạn tiền đình, cuộc sống cũng đều bị ảnh hưởng đáng kể.
1. Tại sao trẻ em bị rối loạn tiền đình?
Trẻ em bị rối loạn tiền đình có thể là do các nguyên nhân sau:
- Trẻ mắc một số bệnh lý như viêm tai giữa, bệnh tim mạch, thiếu máu, viêm màng não, chấn thương đầu, … Rối loạn tiền đình có thể là một trong những biến chứng, hậu quả mà các bệnh lý này để lại hoặc do uống thuốc điều trị trong thời gian dài gây ra.
- Mặc dù chưa có nhiều bằng chứng nghiên cứu khẳng định rối loạn tiền đình là bệnh di truyền, tuy nhiên rối loạn tiền đình ở trẻ em một phần có thể do chịu ảnh hưởng từ mẹ. Trong giai đoạn thai kỳ, nếu người mẹ thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, hoặc bị bệnh mãn tính và dùng thuốc điều trị kéo dài, rất có thể sức khỏe của trẻ sau khi sinh ra cũng bị ảnh hưởng, trong đó có chứng rối loạn tiền đình.
- Trẻ gặp phải các vấn đề về tâm lý như áp lực trong gia đình (cha mẹ ly hôn, chung sống không hạnh phúc…) hoặc việc học (bài vở, thi cử, mối quan hệ thầy cô và bạn bè…) cũng có thể khiến trẻ em bị rối loạn tiền đình.
- Ngoài các yếu tố nêu trên, một số yếu tố như môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm tiếng ồn, thiếu ánh sáng, trẻ ít vận động do bị suy giảm thính lực,… cũng có thể làm tăng nguy cơ hoặc gây ra bệnh rối loạn tiền đình.
2. Bệnh rối loạn tiền đình ở trẻ em ảnh hưởng như thế nào?
Mặc dù không gây nguy hiểm đối với tính mạng nhưng bệnh rối loạn tiền đình ở trẻ em ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Bệnh có thể chỉ xuất hiện trong vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài trong nhiều ngày và khiến cho sinh hoạt, học tập của trẻ bị đảo lộn, cụ thể như:
- Trẻ có thể bị té ngã do hoa mắt, chóng mặt, không giữ được thăng bằng khi bị rối loạn tiền đình. Triệu chứng này đặc biệt nguy hiểm nếu xuất hiện vào lúc trẻ đang đi lại hoặc tham gia giao thông.
- Trẻ em bị rối loạn tiền đình có thể ghi nhớ không tốt và ảnh hưởng đến việc học của trẻ.
- Khi bị rối loạn tiền đình, trẻ cũng gặp không ít khó khăn trong việc tham gia các hoạt động thể chất, nhất là những động tác đứng lên hoặc ngồi xuống, chạy đường dài.
- Bệnh rối loạn tiền đình ở trẻ em khiến cho khả năng định hướng của trẻ không tốt, do đó, nếu trẻ tự di chuyển một mình trên đường có thể gặp những rủi ro, biến cố như đi lạc.
- Một số trẻ quen với triệu chứng đau đầu, choáng váng khi bị rối loạn tiền đình, khi đó trẻ có thể không thông báo cho cha mẹ hoặc người lớn biết để xử lý, khiến cho bệnh tiến triển nặng hơn trong những giai đoạn sau và gây khó khăn hơn trong việc điều trị.
3. Nhận diện rối loạn tiền đình ở trẻ em
Với những tác hại và nguy hiểm nêu trên, trẻ em bị rối loạn tiền đình cần được nhận diện sớm để kịp thời điều trị. Tuy nhiên, đây là việc rất khó khăn bởi những triệu chứng thông thường của bệnh rối loạn tiền đình như đau đầu, chóng mặt,… cũng là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý khác như thiếu máu não,…
Theo các bác sĩ và chuyên gia, dưới đây là những dấu hiệu giúp nhận diện rối loạn tiền đình ở trẻ em:
- Hay bị chóng mặt, đau đầu, choáng váng, nhất là vào buổi sáng, lúc mới ngủ dậy.
- Hay cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực, thở gấp, nhất là sau khi hoạt động gắng sức.
- Không làm chủ được tư thế, khó giữ được thăng bằng do triệu chứng hoa mắt kèm theo chóng mặt, nhất là sau khi ngồi xuống rồi đứng lên, khi thực hiện động tác xoay người.
- Trẻ em bị rối loạn tiền đình có biểu hiện chóng mặt, choáng, đau đầu thường kèm theo buồn nôn, nôn, run rẩy tay chân, ù tai, suy giảm thính lực và thị lực, thậm chí trẻ có thể bị ngất xỉu.
- Nếu đang trong độ tuổi đến trường, trẻ em bị rối loạn tiền đình có thể học hành chậm chạp, mau quên, khó tập trung, dẫn đến kết quả học tập kém hoặc đột ngột giảm sút.
Đặc biệt, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần chú ý những triệu chứng của rối loạn tiền đình ở trẻ em có thể xuất hiện thường xuyên hơn, hay lặp đi lặp lại. Nếu như trẻ còn quá nhỏ sẽ gây khó khăn cho cha mẹ vì trẻ chưa thể diễn đạt được các triệu chứng hay tình trạng sức khỏe mà mình đang gặp phải.
4. Công cụ chẩn đoán rối loạn tiền đình ở trẻ em
Hiện nay, nhiều phòng khám, cơ sở y tế và bệnh viện đã đưa vào sử dụng các công cụ, thiết bị giúp chẩn đoán rối loạn tiền đình ở trẻ em, kết hợp với thăm khám lâm sàng và tiền sử bệnh nhân. Các phương pháp, công cụ chẩn đoán rối loạn tiền đình gồm:
- Siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống để tìm kiếm xác định mảng xơ vữa trong động mạch, bóc tách động mạch bị hẹp và gây tắc mạch.
- Chụp MRI hoặc CT-Scanner sọ não để tìm kiếm những tổn thương trong não bộ u góc cầu tiểu não.
- Hệ thống ghi và phân tích rung giật nhãn cầu bằng kích thích nhiệt hay còn gọi là ảnh động nhãn đồ (VNG) để kiểm tra và phát hiện những bất thường trong chuyển động mắt, từ đó đưa ra chẩn đoán nguyên nhân gây rối loạn hoặc tổn thương cơ quan tiền đình.
Các bác sĩ cũng đưa ra khuyến nghị, để kịp thời nhận diện trẻ em bị rối loạn tiền đình, phụ huynh nên đưa trẻ thăm khám khi có những biểu hiện như sau:
- Chóng mặt kèm theo buồn nôn, đau đầu kéo dài (trên 10 phút).
- Thường xuyên mất thăng bằng, hay té ngã.
- Chuyển động mắt của trẻ không bình thường, trẻ gặp khó khăn hoặc không thể định hướng tốt trong bóng tối.
Rối loạn tiền đình ở trẻ em ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ, nhất là trẻ trong độ tuổi đi học. Vì vậy, khi thấy trẻ thường xuyên có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, dễ té ngã,… cha mẹ cần theo dõi và kịp thời đưa trẻ thăm khám.
>>> Rối loạn tiền đình có dễ đột quỵ không?