Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa viêm màng não ở trẻ sơ sinh

0
0

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tỷ lệ tử vong khá cao nên ba mẹ cần đặc biệt lưu ý.

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh là gì?

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh được hiểu là do lớp màng bao bọc quanh não và hệ thần kinh cột sống bị nhiễm trùng. Có thể làm ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh gây ra những ảnh hưởng nặng nề, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Theo nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam bệnh viêm màng não khá phổ biến. Mỗi năm nước ta có khoảng 600 ca mắc viêm màng não, nếu không được điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong khá cao 8 đến 15%.

Sự khác biệt giữa nào thường và nào viêm
Sự khác biệt giữa não thường và não viêm

Nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ em

Viêm màng não ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phổ biến nhất vẫn là do virus, vi khuẩn, nấm.

Do vi khuẩn

Một số loại vi khuẩn gây ra viêm màng não ở trẻ em phải kể đến như: phế cầu khuẩn, vi khuẩn não mô cầu, vi khuẩn Listeria monocytogenes có trong các đồ ăn chế biến sẵn.

Do virus

Viêm màng não ở trẻ sơ sinh thường do virus enterovirus, virus cúm, quai bị, virus herpes HIV,… Được đánh giá ít nguy hiểm hơn do tác nhân vi khuẩn nhưng ba mẹ cũng nên đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị tốt nhất.

Do nấm

Cryptococcus là một loại nấm thường gặp nhất, xuất hiện chủ yếu ở những người có hệ miễn dịch suy giảm, bị HIV/AIDS và cũng là tác nhân gây ra viêm màng não mãn tính với các triệu chứng giống với viêm màng não cấp tính nhưng kéo dài hơn.

Nguyên nhân khác

Ngoài ra, còn có một số các tác nhân khác gây ra viêm màng não ở trẻ em, ngoài những tác nhân trên phải kể đến như: ký sinh trùng, hay do các phản ứng hóa học, dị ứng với thuốc và các bệnh lý khác như u hạt, ung thư,…

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm màng não

Dấu hiệu nhận biết viêm màng não ở trẻ

Có rất nhiều dấu hiệu viêm màng não ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên chúng thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường. Chính vì thế, cha mẹ và gia đình cần chú ý kỹ để có biện pháp xử lý kịp thời, khi thấy những dấu hiệu sau đây ở trẻ:

  • Sốt co giật ở trẻ em: Sốt là biểu hiện dễ nhận biết nhất ở trẻ. Ban đầu trẻ có thể sốt nhẹ, sau đó sốt cao từ từ hoặc đột ngột. Nguy hiểm hơn là sốt cao kèm co giật, đây là triệu chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nếu không xử lý kịp thời.
  • Bỏ bú, chán ăn: Đối với trẻ sơ sinh, trẻ thường bỏ bú hoặc bú kém. Ở nhiều trẻ còn xảy ra hiện tượng chán ăn, nôn trớ. Đây là dấu hiệu thứ hai cùng với sốt gây nên bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh.
  • Rối loạn ý thức: Đó là biểu hiện trẻ ngủ nhiều hơn bình thường và khó đánh thức dậy. Cùng với đó, trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, không thích vận động, không muốn được bế, trẻ hay cáu gắt và quấy khóc,… Đây cũng là những dấu hiệu bất thường có thể dẫn đến viêm màng não ở trẻ sơ sinh.
  • Thóp phồng: Đây là dấu hiệu khá dễ để quan sát. Khi thấy phần thóp sau gáy của trẻ có hiện tượng phập phồng hoặc căng phồng. Cha mẹ nên lưu tâm và cho trẻ đến bệnh viện để kiểm tra kịp thời.
  • Ngoài ra còn một số biểu hiện khác như: Cứng cổ, cổ khó cử động được, xuất huyết (ví dụ: chảy máu cam, chảy máu chân răng). Đây cũng chính là những dấu hiệu viêm màng não ở trẻ sơ sinh mà gia đình cần chú ý đến. 

Các dấu hiệu viêm màng não ở trẻ sơ sinh hầu như đều không xuất hiện cùng một lúc và cũng không xuất hiện tất cả ở cùng một trẻ. Chính vì thế, khi thấy có bất cứ dấu hiệu nào kể trên, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra, phát hiện và điều trị kịp thời.

Tránh trường hợp, để lâu ngày mà không phát hiện sớm, làm cho tình trạng bệnh viêm màng não trở nên nặng và trầm trọng, khó điều trị, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Những dấu hiệu nhận biết viêm màng não ở trẻ

Chẩn đoán viêm màng não ở trẻ sơ sinh bằng cách nào?

Khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ bị viêm màng não sẽ được chọc tủy sống và làm xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Tuy nhiên, sẽ tùy theo mức độ của bệnh mà trẻ có thể được chỉ định làm một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu: Lấy máu của trẻ để tiến hành xem xét có gì bất thường không.
  • Thăm dò cơ quan bị tổn thương: Chụp X-quang hoặc làm sinh thiết ở vùng cơ quan bị tổn thương để chẩn đoán.
  • Xét nghiệm dịch não tủy: Tìm kiếm tác nhân gây bệnh, đồng thời theo dõi được sự nhạy cảm của vi khuẩn với thuốc kháng sinh.
  • Phương pháp khác: Chụp MRI, chụp cắt lớp vi tính,…

Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh

Bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, thì rất có khả năng để lại những biến chứng nguy hiểm về sau này. Một số biến chứng của bệnh viêm màng não có thể xảy ra đó là:

  • Dây thần kinh sọ não bị tổn thương: Khi trẻ bị viêm màng não mủ có thể để lại biến chứng gây tổn thương các dây thần kinh sọ não số II, III, IV, VI, VII, VIII,…
  • Biến chứng áp xe não, áp xe màng cứng, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não.
  • Tắc nghẽn dịch não tủy, dày màng não gây cản trở lưu thông dịch não tủy, gây ra hội chứng não nước.
  • Biến chứng khác: Tùy vào từng nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ sơ sinh mà sẽ để lại những biến chứng khác nhau như: sốc độc tố (do vi khuẩn gây bệnh), xuất huyết phủ tạng (viêm màng não do màng não cầu hoặc nhiễm khuẩn huyết), viêm khớp, viêm thận, viêm phổi, viêm nội tâm mạc,…

Tử vong là hậu quả nghiêm trọng nhất khi mắc bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh nói riêng và trẻ em nói chung. Có nhiều nguyên nhân gây tử vong khi trẻ mắc bệnh viêm màng não. Trong đó, suy hô hấp, phù não nặng hay sốc không phục hồi có thể gây tử vong sớm.

Trường hợp sau khi điều trị viêm màng não, trẻ mắc các biến chứng nhiễm khuẩn nặng ở não và ngoài não (ví dụ: áp xe não, viêm thận, viêm phổi) cũng có thể gây tử vong cho trẻ đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, khi trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm màng não mủ nhưng được phát hiện và điều trị muộn, sẽ phải chịu những di chứng cụ thể sau đây:

  • Trẻ có thể bị khuyết tật ở một số giác quan như: mắt lác, điếc, câm, mù,…
  • Trẻ bị liệt: liệt 1 chi, liệt nửa người, liệt 2 chi dưới, tổn thương dây thần kinh sọ não,… Đây đều là những di chứng do tổn thương thần kinh khu trú gây nên khi trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm màng não mủ.
  • Một số di chứng khác như: trí nhớ kém, trí tuệ sa sút, rối loạn tâm thần, động kinh,…

Cách điều trị viêm màng não ở trẻ sơ sinh

Viêm màng não do virus

Nếu trẻ bị viêm màng não do virus thì thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng trong điều trị căn bệnh này. Việc điều trị sẽ kéo dài trong thời gian khá lâu, do đó các bé cần:

  • Dành thời gian nghỉ ngơi thật nhiều để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
  • Ba mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước để tránh cơ thể mất nước.
  • Tham khảo các sĩ về các loại thuốc giảm đau, hạ sốt với liều lượng phù hợp.

Ngoài ra, với viêm màng não do virus herpes, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng virus để điều trị bệnh.

Viêm màng não do vi khuẩn

Đối với những trẻ bị viêm màng não do vi khuẩn cần được điều trị với thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch để kiểm soát được bệnh và giảm nguy cơ tạo ra các biến chứng nguy hiểm. Nếu thời gian đầu chưa xác định được chủng vi khuẩn, có thể bác sĩ sẽ cho trẻ uống kháng sinh phổ rộng và điều chỉnh thuốc khi đã phát hiện được loại vi khuẩn gây bệnh.

Viêm màng não do nấm

Bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh do nấm, bác sĩ sẽ kết hợp thuốc điều trị nấm với thuốc kháng sinh để ngăn ngừa và điều trị. Tuy nhiên, do các loại thuốc điều trị nấm có thể gây tác dụng phụ nên bác sĩ chỉ kê thuốc khi xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Viêm màng não do các nguyên nhân khác

Với những trường hợp này, trẻ thường sẽ tự tự khỏi mà không cần điều trị. Nhưng để bệnh nhanh khỏi mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ thì bác sĩ có thể sẽ kê một số loại thuốc có chứa corticosteroid.

Phòng ngừa viêm màng não ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Dinh dưỡng

Tốt nhất nên ăn chín, uống sôi với tất cả các loại thực phẩm tươi sống. Không ăn các món ăn lên men từ thịt sống (ví dụ: nem chua), thịt hun khói. Cần phải rửa rau thật sạch với nước muối trước khi ăn (đối với các loại rau ăn sống). Không uống sữa chua và các sản phẩm làm từ sữa chua mà chưa được tiệt trùng khử khuẩn.

Bú sữa mẹ

Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau khi sinh và duy trì trong những tháng tiếp theo là vô cùng cần thiết để trẻ có một hệ miễn dịch tốt ngay từ khi sinh ra. Từ đó giúp ngăn ngừa bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh.

Tiêm chủng

Tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa nhiều căn bệnh. Mẹ bầu và trẻ sơ sinh cần thực hiện tiêm phòng cho trẻ đúng theo lịch từ bác sĩ. 

Vệ sinh sạch sẽ

Gia đình cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ từ ăn uống, tắm rửa, kể cả các vật dụng hàng ngày như: bình sữa, khăn mặt, quần áo, đồ chơi,… Đặc biệt là môi trường sống của trẻ cần được vệ sinh thông thoáng. Mục đích là để trẻ tránh tiếp xúc với vi khuẩn nhiều nhất có thể.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Đây là một trong những việc làm không thể thiếu để phòng ngừa và phát hiện kịp thời bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh. Gia đình nên đưa trẻ đến các cơ sở và bệnh viện nhi khoa uy tín để kiểm tra định kỳ thường xuyên.

Các cách phòng ngừa viêm màng não ở trẻ em

>>> 13 cách dạy con của người Nhật mà bố mẹ có thể áp dụng

0
0