Đàn ông bị bạo lực gia đình có thể trầm cảm, rối loạn căng thẳng, dẫn đến hành vi lạm dụng chất gây nghiện, thậm chí có ý định tự sát.
Tìm hiểu về hành vi bạo lực gia đình
Theo định nghĩa của đường dây nóng Bạo lực gia đình Quốc gia Mỹ, lạm dụng hoặc bạo lực là “kiểu hành vi được một người sử dụng để duy trì quyền lực và sự kiểm soát đối với người bạn đời hoặc người yêu”. Như vậy, việc lạm dụng không phân biệt giới tính. Nam và nữ giới đều có thể sử dụng nó như một thứ vũ khí đối với đối tác của mình trong mối quan hệ tình cảm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết đàn ông có thể bị phụ nữ lạm dụng ở mọi hình thức, kể cả thể xác. Cứ 7 nam giới thì có một người cho biết đã từng bị bạo lực thể xác nghiêm trọng từ bạn đời. Đường dây nóng Bạo lực gia đình Quốc gia báo cáo 13% cuộc gọi họ nhận được là đàn ông.
Một phân tích tổng hợp chỉ ra rằng “phụ nữ có nhiều khả năng sử dụng một hoặc nhiều hành vi xâm hại thể chất hơn nam giới, họ cũng có hành vi này một cách thường xuyên”. Trong khi đó nam giới có khả năng gây thương tích nhiều hơn.
Đàn ông bị bạo lực gia đình ngày càng tăng
So với năm 2022, số liệu thống kê cho thấy đàn ông bị bạo lực gia đình có dấu hiệu gia tăng với 565 trường hợp trong năm 2023, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Báo cáo cho thấy năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ (năm 2002 hơn 4.400 vụ). Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.
Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ 2.600, nam 565. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, song tỷ lệ đàn ông bị bạo lực gia đình có dấu hiệu tăng. Gần 3.000 người có hành vi bạo lực gia đình đã bị góp ý, phê bình, xử phạt hành chính và 129 người bị xử lý hình sự.
Đàn ông bị bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng đến tâm lý như thế nào?
Bạo lực gia đình tác động tiêu cực đến đời sống của nạn nhân, cả về thể chất lẫn tinh thần. Đàn ông bị bạo lực gia đình thường bị trầm cảm, tăng huyết áp, tự ti, mất ngủ, chất thương, căng thẳng sau sang chấn, thậm chí nghĩ đến việc tự sát.
Một số người sử dụng các biện pháp cực đoan để đối phó với rối loạn tâm lý, chẳng hạn nghiên công việc hoặc lạm dụng chất gây nghiện, chất kích thích.
Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ phổ biến của bạo lực gia đình đối với nam giới. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Psychology of Men & Masculinity chỉ ra rằng sự kỳ thị, né tránh xung quanh vấn đề này khiến đàn ông bị tổn thương, lạm dụng ngày càng nhiều. Khoảng 8% nam giới cho biết đã bị bạn đời hiện tại hoặc trước đây tấn công tình dục hoặc thể xác, theo Khảo sát Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ Mỹ, năm 2023.
Phân tích chuyên sâu chỉ ra rằng các nạn nhân bị căng thẳng sau sang chấn (PTSD) ở mức độ ngang với phụ nữ. Người mắc PTSD có thể bị giật mình, khó chịu, trải qua ký ức đau thương, suy giảm trí nhớ ngắn hạn, cáu kỉnh, trầm cảm cùng nhiều triệu chứng khác.
Thống kê cho thấy cứ 4 đàn ông Mỹ thì một người phải chịu một số hình thức bạo lực gia đình. Mỗi năm, khoảng 699.000 đàn ông bị bạo lực gia đình bởi người bạn gái hoặc vợ bạo lực thể xác. Nạn nhân nam thường ít trình báo bạo lực, khiến việc xác định quy mô thực sự của vấn đề trở nên khó khăn. Thống kê của Impact Family Service chỉ ra rằng một nửa số nạn nhân nam không nói với ai họ từng bị bạo lực gia đình.
Còn tại Việt Nam, so với năm 2022, số nạn nhân là đàn ông bị bạo lực gia đình năm 2023 có dấu hiệu gia tăng với 565 trường hợp, theo Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
>> Thường xuyên tức giận ảnh hưởng đến sức khỏe không?