Người phụ nữ bị tiểu đường phải cắt cụt cả 2 chân vì tự điều trị trẹo chân

0
0

Người phụ nữ bị tiểu đường phải cắt cụt cả 2 chân là bà L.T.M (55 tuổi), Bà M. bị tai nạn sinh hoạt khiến chân trái bị trẹo. Mặc dù mắc bệnh tiểu đường nhưng vì nghĩ rằng vết thương nhẹ, bà M. không đi khám mà mua thuốc tự điều trị, kết quả phải cắt cụt hai chân vì biến chứng.

Cắt cụt hai chân vì chủ quan

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa nhiễm khuẩn tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết bệnh viện mới tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân phải cắt bỏ hai chân do ngại đi khám đã tự ý dùng thuốc.

Bác sĩ Thiệu cho hay bà M. có tiền sử mắc bệnh tiểu đường. Qua khai thác tiền sử, bà M. cho hay trước khi vào viện 1 tháng, bà bị trẹo chân trái nhưng do không quá đau và đúng dịp giáp Tết nên ngại đến viện khám. Bà tự mua thuốc về tiêm vào chân dù không biết thuốc tên gì.

“Bệnh nhân không rõ dùng thuốc tên gì. Sau gần một tuần tự điều trị tại nhà, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng viêm mô bào, hoại tử toàn bộ hai cẳng chân. Bệnh nhân có chỉ định cắt cụt cả hai chi”, bác sĩ Thiệu thông tin.

Theo bác sĩ Thiệu, đây là trường hợp đáng tiếc vì bệnh nhân chủ quan, tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc dẫn đến biến chứng. Việc tự ý điều trị, dùng thuốc rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vì thế, bệnh nhân khi có dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay.

Cẩn trọng biến chứng do đái tháo đường

Bác sĩ Lâm Mỹ Hạnh, phó khoa đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho biết thêm người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao xuất hiện một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng như tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh…

Bác sĩ Hạnh nêu một trong những biến chứng hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường lâu năm là các biến chứng thần kinh tự động, biến chứng thần kinh ngoại vi… có thể biểu hiện dưới dạng các bất thường về tiêu hóa, sinh dục (rối loạn cương dương…), dị cảm và mất cảm giác ở đầu ngón chân, tay.

“Rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân, dẫn đến không nhận biết được các vết thương ở giai đoạn sớm, làm vết thương lan rộng gây nhiễm trùng và hoại tử ngọn chi, nên phải tháo khớp và cắt cụt chi”, bác sĩ Hạnh cho hay.

Theo bác sĩ Hạnh, biến chứng nghiêm trọng gây ra tử vong nhiều nhất ở bệnh nhân đái tháo đường là biến chứng tim mạch như bệnh động mạch vành (nhồi máu cơ tim), bệnh mạch máu não (đột quỵ).

Huyết áp cao, mỡ máu tăng cao, kiểm soát đường huyết kém và nhiều yếu tố nguy cơ khác cộng gộp làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.

Một số biến chứng khác như tổn thương các mạch máu nhỏ ở cầu thận dẫn đến suy thận. 

Bệnh nhân đái tháo đường nếu không được phát hiện và điều trị theo dõi đúng cách có thể dẫn tới suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo.

Ngoài ra còn có thể gặp các biến chứng mắt, do mức đường máu cao liên tục không kiểm soát tốt là nguyên nhân chính gây ra biến chứng võng mạc.

Bác sĩ Mỹ Hạnh cũng khuyến cáo người dân đã mắc đái tháo đường cần phải đi khám và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tuyệt đối không dùng bất cứ loại thuốc gì không rõ nguồn gốc hoặc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra để kiểm soát đường huyết cần quản lý chế độ ăn và tăng cường vận động thể dục thể thao. Khi có bất cứ vấn đề sức khỏe gì cần phải đi khám sớm.

>>> 93 ngày giành giật sự sống bé gái sinh non ở tuần thứ 24, nặng 550 gram

0
0