Bệnh nhân nam, 39 tuổi, trở về từ Angola, bị sốt rét ngoại lai do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium Falciparum.
Bác sĩ H’Nuen Hđơk, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhân bị sốt rét ngoại lai do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium Falciparum từ Angola. Đây là trường hợp đầu tiên năm 2024 nhiễm sốt rét ngoại lai.
Bệnh nhân L.D.H. (nam, 39 tuổi, ngụ xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đi làm việc tại Angola về Việt Nam được 2 ngày thì có dấu hiệu sốt, rét run, vã mồ hôi.
Do nghĩ bị sốt siêu vi nên bệnh nhân tự đi truyền nước và tiêm thuốc ở một phòng khám tư nhân nhưng vẫn không có dấu hiệu hạ sốt. Sau đó, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vào ngày 25/3/2024 với chẩn đoán sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium Falciparum thể thông thường có dấu hiệu cảnh báo sốt rét ác tính.
Hiện tại, Khoa Truyền nhiễm vẫn đang điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế là dùng thuốc kháng sốt rét đặc hiệu và thuốc chống lây lan. Ca bệnh này hiện đang được theo dõi ký sinh trùng sốt rét hằng ngày để xem mức độ đáp ứng thuốc.
Trước đó, bệnh nhân cũng đã bị sốt rét 2 lần tại Angola và đã được điều trị khỏi bệnh. Đây là lần thứ 3 bệnh nhân mắc sốt rét.
“Sốt rét là bệnh được chữa khỏi hoàn toàn nếu dùng đúng thuốc, đủ liều và không bị muỗi truyền bệnh đốt lại. Nếu bị sốt rét mà người bệnh không uống thuốc đúng và đủ liều sẽ xuất hiện lại các triệu chứng bệnh sốt rét từ đó gây ra sốt rét kháng thuốc. Do đó, khi thấy các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt rét cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được lấy lam máu, thử test để chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ H’Nuen Hđơk khuyến cáo.
>>> Bé gái 5 tuổi được phát hiện viêm cơ tim tối cấp sau vài ngày sốt nhẹ