Những ngày cuối năm, người thu mua phế liệu trở nên bận rộn hơn, nhiều người đến tận từng hẻm nhỏ để gom hàng. Nhờ vậy, thu nhập từ việc mua bán đồng nát dịp cuối năm cũng cao hơn so với ngày bình thường.
Mua bán phế liệu dịp cuối năm
Tháng 12 là thời kỳ bận rộn và có thu nhập cao nhất đối với những người làm nghề thu mua phế liệu ở Khánh Hòa. Do mọi người chuẩn bị cho Tết, gia đình đều thực hiện việc thu dọn và vệ sinh, tạo ra nhiều loại phế liệu như nhựa, giấy, báo cũ, thùng carton… để bán.
Gắn với nghề thu mua phế liệu gần 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh (Vĩnh Ngọc, Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết: “Từ tháng 2 đến tháng 11 thì tôi chỉ đi mua phế liệu từ sáng sớm đến khoảng 17 giờ chiều, còn những ngày giáp Tết thì tôi đi mua đến 23 giờ đêm. Tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập cao, trung bình mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 600 ngàn đồng, ngày cao nhất được 1 triệu đồng”.
Cũng giống bà Thanh, gần 10 ngày nay, ngày nào chị Lê Thị Hậu cũng rong ruổi trên chiếc xe đạp với lỉnh kỉnh túi, bao bì, cân…để đi mua phế liệu. Những ngõ ngách tại một số phường của TP. Nha Trang như Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải, Vạn Thạnh…ngày nào chị cũng đảo qua kèm tiếng rao “ai phế liệu bán đi”. Chị Hậu chia sẻ, giáp Tết đi mua phế liệu không chỉ thu nhập cao mà còn có thể tận dụng một số đồ cũ của người dân bán như nồi cơm điện, quạt điện mang về sửa chữa lại có thể dùng tạm.
Suốt 5 năm qua, năm nào cũng đi mua phế liệu ở TP. Nha Trang đến chiều 28 Tết mới nghỉ, chị Trần Thị Phụng chia sẻ: “Có khi làm nửa năm mới bằng vài tuần giáp Tết vì thời điểm này một số người mua phế liệu về quê ăn Tết sớm vì quê ở xa, chúng tôi ở gần nên tranh thủ đi thu mua. Có hôm đến mua phế liệu xong còn phụ giúp gia chủ dọn nhà nên được trả thêm tiền”.
Thu nhập hàng chục triệu nhờ mua bán phế liệu dịp cuối năm
Anh Lê Văn Hải, cùng vợ, làm nghề mua phế liệu ở Ninh Ích, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Trong tháng 12 âm lịch, họ kiếm được khoảng 40 triệu đồng, giúp mua sắm quần áo mới cho con cái và đồ đạc gia đình.
“Dịp giáp Tết năm ngoái, số tiền lời từ việc mua phế liệu đủ cho tôi mua được 2 chiếc giường mới, 1 cái xe đạp điện. Đặc biệt, dịp giáp Tết mình đến tận nhà mua phế liệu, các gia chủ cũng không chặt chẽ về giá, nói mua giá nào, họ bán giá đó. Có năm, tôi còn mua được gần 10 cái quạt, màn hình ti vi hỏng…về đi sửa rồi bán lại cho xóm lao động nghèo sử dụng”, anh Lê Văn Hải tâm tình.
Năm nào cũng bán vài tạ phế liệu dịp giáp Tết, bà Võ Mỹ (Vĩnh Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, có người đến tận nhà thu mua rất thuận tiện, mình thu gom, dọn dẹp chưa kịp thì họ sẵn sàng vào giúp. Sau đó thì mình hỗ trợ thêm họ ít tiền ăn Tết là ai cũng cảm thấy rất vui.
Ông Trần Thành và một số chủ vựa phế liệu ở Khánh Hòa cũng chia sẻ, các vựa phế liệu thường đến ngày 29 Tết mới kết thúc việc thua mua, lượng phế liệu nhập về được chuyển đến các nhà máy tái chế ngay. Đồng thời, kết thúc năm cũ, bao giờ các chủ vựa phế liệu cũng ‘lì xì’ một khoản tiền cho những người chuyên đi đến các gia đình, ngõ hẻm thu mua về bán cho vựa với mong muốn ai cũng có một cái Tết ấm cúng.