Hiện tượng quầng mặt trời xuất hiện ở nhiều nơi như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Thuận… trưa 21/5.
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, đây là hiện tượng quang học còn gọi là quầng 22 độ của Mặt Trời xảy ra trong khí quyển Trái Đất ở khu vực gần đĩa sáng Mặt Trời hoặc Mặt Trăng. Lúc này, thời tiết rất khô, ít hơi nước, trên tầng cao của khí quyển chỉ có mật độ thấp các hạt băng (nước đá). Ánh sáng từ Mặt Trời hoặc Mặt Trăng (do Mặt Trời chiếu) khi đi vào khí quyển xuyên qua các tinh thể có dạng lục giác này bị khúc xạ, gây nên hiện tượng giống như khi đi qua một thấu kính phân kì, tạo thành một vòng sáng trắng có bán kính khoảng 22 độ (độ rộng đường kính 44 độ) quanh đĩa sáng.
Theo ông Sơn, hiện tượng này không phải ngẫu nhiên mà cần có những điều kiện nhất định của khí quyển, khi không khí khô và tầng cao có chứa nhiều tinh thể băng. Tùy vào đặc điểm thời tiết từng vùng và từng thời điểm, hiện tượng này có thể kéo dài từ vài phút tới vài giờ, thậm chí vài ngày cũng không phải là chuyện quá hiếm.
Quầng Mặt trời hoặc Mặt trăng thường là dấu hiệu dự báo sắp có mưa. Do quầng hào quang cần tinh thể băng để hình thành, tinh thể băng thường xuất hiện trong những đám mây ti ở độ cao lớn. Tuy nhiên, không phải mọi đám mây ti đều đi kèm bão. Một số quầng hào quang chỉ đơn thuần là tín hiệu cho thấy lượng nước ở tầng thượng quyển gia tăng.
Hiện tượng kỳ thú này còn được ghi nhận ở các tỉnh Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Ninh…
Chiều 20/5, ở các huyện Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc (Đồng Nai), người dân cũng thích thú khi thấy hiện tượng hào quang rực rỡ xuất hiện trên bầu trời. Theo những hình ảnh ghi lại, Mặt Trời được bao quanh bởi một quầng sáng nhiều màu sắc kỳ ảo, tạo nên khung cảnh đẹp mắt.
>>> Con đường hoa kèn hồng nổi tiếng nhất miền Tây