Thiên tai năm 2024 sẽ rất khốc liệt

1
0

Dự báo thiên tai năm 2024 sẽ rất khốc liệt. Nắng nóng sẽ đến sớm hơn, kéo theo đó là nguy cơ thiếu nước ở cả 3 miền, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, bão, áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông có thể sẽ nhiều hơn…

Năm 2023 xác lập nhiều kỷ lục bất thường về khí hậu

Ngày 12/01/2024, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã chính thức thông báo rằng năm 2023 đã trở thành năm nóng nhất trên toàn cầu trong suốt 174 năm qua. Sử dụng sáu bộ dữ liệu quốc tế hàng đầu để theo dõi biến động nhiệt độ toàn cầu, WMO đã hợp nhất các thông tin và cho thấy rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 tăng lên khoảng 1,45 độ C so với mức trung bình của giai đoạn tiền công nghiệp (1850-1900).

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, đã nhấn mạnh rằng tình trạng tăng nhiệt độ chung trên toàn cầu cũng được thể hiện tại Việt Nam, nơi nhiệt độ trung bình trên toàn quốc cao hơn khoảng 1,09 độ C so với trung bình nhiều năm. Năm 2023 được ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao thứ hai trong chuỗi dữ liệu quan trắc, với năm 2019 là năm có nhiệt độ trung bình trên toàn quốc vượt quá trung bình nhiều năm là 1,21°C. Đáng chú ý, hầu hết các tháng trong năm đều ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối trong lịch sử cùng thời kỳ, đặc biệt là các tháng 5 và 6/2023.

Trong năm 2023, trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 8 xoáy thuận nhiệt đới, trong đó có 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông ít hơn trung bình nhiều năm. Đáng lưu ý, trong năm 2023 các cơn bão hầu như không đổ bộ trực tiếp nên không gây gió mạnh trong đất liền. Tuy nhiên những kỷ lục khác được xác lập cho thấy sự bất thường của thời tiết, biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng.

Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, năm 2023 trên cả nước xảy ra 22 đợt mưa lớn trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Đáng chú ý, đã xuất hiện nhiều trận mưa cực đoan thời đoạn ngắn với lượng mưa 24h có nơi trên 800mm ở khu vực miền Trung. Thừa Thiên Huế là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt lũ này. Mực nước tại tại các trạm Kim Long và Phú Ốc đều trên BĐ3 và thống kê cho thấy đây là mực nước lớn nhất trong 10 năm gần đây và lớn thứ 5 trong khoảng 30 năm gần đây.

Năm 2023 ghi nhận 20 đợt nắng nóng, là năm xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng nhất kể từ năm 2017, vượt quá trung bình nhiều năm khoảng 5 đợt. Tại Tương Dương (Nghệ An), nhiệt độ lên đến kỷ lục 44,2°C vào ngày 07/5/2023, vượt qua giá trị trước đó là 43,4°C tại Hương Khê (Hà Tĩnh) vào ngày 20/4/2019.

Trong năm 2023, có 24 đợt không khí lạnh, ít hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 29-30 đợt). Tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) vào ngày 22/12/2023, nhiệt độ thấp nhất đạt -2,5 độ C, là giá trị thấp nhất trong tháng 12 từ năm 2012 đến nay theo số liệu ghi nhận tại địa điểm này.

Năm 2023 ghi nhận nhiều kỷ lục về nhiệt độ, lượng mưa,...
Năm 2023 ghi nhận nhiều kỷ lục về nhiệt độ, lượng mưa,…

Thiên tai năm 2024 sẽ rất phức tạp

Dự báo về tình hình thiên tai năm 2024, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết từ ngày 20/1/2024, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của khối không khí lạnh trong đợt Đông 2023-2024. Các địa phương này đã ghi nhận rét hại trên diện rộng, đặc biệt là ở vùng núi cao phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh nơi đã xảy ra hiện tượng băng giá. Dự kiến đợt rét đậm, rét hại này có thể kéo dài đến ngày 28/1, với nhiệt độ thấp nhất ghi nhận tại Mẫu Sơn là -2,9 độ C vào đêm 23 và rạng sáng 24/1/2024.

Dự báo cho biết hiện tượng El Nino sẽ kéo dài từ giữa năm 2023 đến tháng 4/2024 với xác suất trên 90%. Sau đó, El Nino dự kiến sẽ suy yếu, có khoảng 60% cơ hội chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn từ tháng 5-7/2024, và khoảng 50-60% khả năng chuyển sang La Nina vào cuối năm 2024. Với diễn biến như vậy, năm 2024 cần lưu ý đến hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Có khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông sẽ tăng lên. Nắng nóng tại Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ có thể xuất hiện sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Sau đợt không khí lạnh mạnh cuối tháng 1/2024, dự báo cho biết không khí lạnh sẽ hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm, làm giảm khả năng xuất hiện rét đậm và rét hại trong tháng 02-3/2024 so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, đặc biệt là trong tháng 02/2024, có thể gây rét đậm, rét hại và nguy cơ băng tuyết ở vùng núi cao Bắc Bộ. Mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ trong mùa Đông Xuân 2023-2024 có thể xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Cảnh báo về nguy cơ thiếu nước trong nửa đầu năm ở các khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Hiện tượng El Nino kéo dài và tác động cho đến tháng 4/2024
Hiện tượng El Nino kéo dài và tác động cho đến tháng 4/2024

Chuyên gia nhận định xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không khốc liệt như năm 2015-2016, 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 02-3/2024 (từ 08-13/02, từ 22-27/02, từ 18/3-25/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2024 (từ 08-13/3, từ 22-27/3, từ 07-12/4, từ 21-26/4).

Trước tình hình thời tiết phức tạp, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã chỉ đạo các đơn vị liên quan liên tục theo dõi và truyền đầy đủ số liệu đo đạc tự động, đặc biệt là sử dụng radar, vệ tinh phân giải cao và mạng lưới quan trắc mưa tự động để cảnh báo chi tiết về nguy cơ mưa lớn, lũ quét, và sạt lở đất tới từng khu vực nhỏ, huyện, xã, và vùng trọng điểm có nguy cơ cao.

Ngoài ra, năm nay sẽ có sự tăng cường cảnh báo trực tuyến và đẩy mạnh chuyển đổi số để cung cấp thông tin về thiên tai đến cộng đồng. Trang thông tin cảnh báo nguy cơ sạt lở đất sẽ được cập nhật hàng giờ, và đồng thời, sẽ thử nghiệm cảnh báo điểm nguy cơ sạt lở thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.

1
0