Năm nào cũng vậy, mỗi dịp nghỉ lễ lớn là người người chen chúc, vật vã trên đường về quê suốt nhiều giờ liền.
Giật mình tỉnh giấc sau hai tiếng ngủ trên xe, Minh Phượng nhận ra mới đi được 10 km từ Mỹ Đình ra bến xe Nước Ngầm, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chiều 26/4.
Cô gái 23 tuổi nói mỗi lần về quê ở Hà Tĩnh trước những dịp lễ như này luôn vất vả “như đánh trận”. Dịp 30/4 năm ngoái, Phượng không mua được vé xe giường nằm, đành ngồi ké ở lối đi. Chen chúc, vật vã trên đường về quê tận 8 tiếng Phượng mới về đến nhà trong khi bình thường chỉ mất khoảng 5 tiếng.
Năm nay cô xin nghỉ cả buổi chiều 26/4 để lên xe sớm nhưng mọi chuyện không khả quan hơn. 14h chiều, Phượng lên xe trung chuyển ra bến Nước Ngầm. Ngày thường cô đi mất 30 phút nhưng nay kéo dài hơn hai tiếng bởi tuyến trên cao và dưới thấp đường Vành đai 3 ùn tắc nặng.
Hơn bốn giờ chiều, xe khách mới rời bến. Phượng mừng thầm vì tưởng thoát khỏi nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ xe sẽ đi nhanh hơn. Nhưng chiếc xe “bò” từng mét trên đường, nhiều thời điểm đứng im một chỗ cả chục phút khiến cô bất lực.
Chiếc xe cà giật liên tục do tắc khiến Phượng choáng váng. Xung quanh cô là tiếng trẻ nhỏ quấy khóc cùng chuông điện thoại của người nhà hành khách liên tục kêu, tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn. Cô nói mệt đến mức tưởng như mình đã kiệt sức.
Phượng nhẩm tính, cứ tình hình này thì 10 tiếng nữa mới về đến nhà bởi tài xế nói đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa mới hết tắc.
Muốn về sớm thăm bố mẹ, Quỳnh Trang, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đặt xe limousine chuyến 19h ngày 26/4 về Hải Phòng, ngay khi tan làm. Cô gái 28 tuổi giải thích đặt loại xe này vì không bắt khách dọc đường, thời gian chạy khoảng 1,5 tiếng.
Nhưng mọi việc không như dự tính của Trang. Quá 19h mà xe trung chuyển vẫn chưa đến đón cô tại nhà riêng. Tài xế gọi báo “tắc mọi nẻo, khách chờ thêm ít nhất 30-60 phút”. Nhân viên tổng đài cũng thông báo giờ xuất phát của Trang chuyển lên 20h, thậm chí muộn hơn.
Cô kể đợt 2/9 năm ngoái mất bốn tiếng mới về đến nhà. Năm nay tài xế cảnh báo còn muộn hơn bởi tất cả các cầu dẫn ra ngoài thành phố đều tắc. Sợ bố mẹ chờ, cô đành gọi nhắc cả nhà nên ngủ trước bởi áng chừng đến nửa đêm mới về, dù quãng đường di chuyển chỉ 100 km.
Anh Sơn, tài xế xe trung chuyển cho hãng limousine chuyên tuyến Hải Phòng – Hà Nội, cho biết tình trạng đón trả khách chậm hơn một, hai tiếng bắt đầu từ trưa 26/4, bởi nội thành ùn tắc diện rộng.
“Tôi cũng muốn đến đón khách đúng giờ nhưng chắc chỉ có mọc cánh mới kịp”, anh Sơn nói. Theo kinh nghiệm của anh, tình trạng ùn tắc, đón khách chậm sẽ kéo dài từ chiều 26/4 đến hết ngày 27/4 do nhu cầu về quê lớn. Toàn bộ vé xe của hãng này đã kín người đặt chuyến từ 5 giờ sáng đến 22h.
từ chiều 26/4, hàng nghìn người dân đang rời Hà Nội, TP HCM để về quê, các cửa ngõ tại thành phố đều ùn tắc dài nhiều km. Tình trạng này bắt đầu từ 16h và cao điểm sau 18h khi người dân tan làm, bắt đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài 5 ngày.
Không chỉ đường bộ, nhiều hành khách đi máy bay cũng nói “kiệt sức” khi các chuyến bay liên tục lùi giờ cất cánh.
Hoàng Nhật ở TP Thủ Đức, TP HCM đã ra sân bay Tân Sơn Nhất từ chiều 26/4 nhưng chờ hơn bốn tiếng vẫn chưa được lên máy bay. Cô gái 26 tuổi quê Hà Tĩnh cho biết ngoài mua vé cao gấp hai, ba lần, việc bắt taxi đi lại ở sân bay cũng mất hơn cả tiếng đồng hồ vì quá tải. “Cứ nghĩ bay là nhanh nhưng cái kết không tưởng”, Nhật cho hay.
Còn với Minh Phượng, hơn 23h tối 26/4 xe khách mới đi được hơn 200 km, cô nói chắc phải 1-2h sáng mới về đến nhà.
“Hơn 10 tiếng để di chuyển 300 km. Tôi tưởng mình phải vào đến Đà Nẵng luôn rồi”, Phượng than. Cô nói sẽ cân nhắc về việc ở lại thành phố vào các kỳ nghỉ tiếp theo.
Giải quyết xong công việc, Thái An, 23 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết đang lập nhóm chạy xe máy về Thái Bình vào 1h sáng 27/4. An nói chạy đêm đường thoáng, tránh ùn tắc và đã duy trì việc này hơn ba năm.
“Thay vì mất bốn tiếng trên xe khách, giờ tôi chỉ tốn hơn hai tiếng lại đỡ mệt mỏi hơn nhiều”, An nói.
>> Nắng nóng gay gắt bao phủ khắp cả nước