Dự phòng lây nhiễm giang mai giúp người bệnh sớm phát hiện và có khả năng điều trị kịp thời. Đây là căn bệnh phổ biến và thường thấy gặp ở người nhiễm HIV.
Vì sao người nhiễm HIV thường mắc bệnh giang mai?
Giang mai là bệnh do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây ra. Tỉ lệ lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục lên tới 90%. Ngoài ra còn có thể lây truyền do tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai qua các vết xước trên da, niêm mạc; lây từ mẹ sang con do xoắn khuẩn giang mai xâm nhập máu thai nhi qua rau thai và lây truyền do truyền máu hay qua các dụng cụ tiêm, chích bị nhiễm bệnh.
Thống kê hàng năm của Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh giang mai chiếm khoảng 2 – 5% tổng số các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Chính vì vậy, dự phòng lây nhiễm giang mai là việc làm cần thiết để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Theo PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai: Giang mai và HIV đều là bệnh lây truyền qua đường tình dục rất mạnh, do đó vấn đề đồng nhiễm là hoàn toàn rất dễ xảy ra. Đa số các cách quan hệ tình dục (đường âm đạo, hậu môn hay miệng) đều là nguyên nhân lây truyền bệnh giang mai. Tỉ lệ đồng nhiễm HIV và giang mai ở người có quan hệ tình dục đồng tính; quan hệ tình dục không an toàn (có nhiều bạn tình, không sử dụng bao cao su…) là rất cao.
Hay nói cách khác “giang mai và HIV là bạn đồng hành của nhau”. Tức là khi nhiễm HIV có nguy cơ cao đồng nhiễm giang mai và ngược lại. Tỉ lệ đồng nhiễm HIV và giang mai thường cao hơn so với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Người mắc giang mai do các vết loét ở đường sinh dục, càng dễ lây nhiễm HIV hơn.
Biện pháp dự phòng lây nhiễm giang mai và HIV
PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc cho biết, khi biết đường lây nhiễm của hai bệnh này, thì vấn đề dự phòng tốt nhất là cắt đứt con đường lây truyền.
Đến nay, mặc dù chưa có cách nào điều trị khỏi hẳn HIV, nhưng lại có thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), nên có thể dự phòng để không bị lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, với giang mai lại chưa có thuốc dự phòng. Do vậy, cách tốt nhất dự phòng lây nhiễm giang mai và HIV là quan hệ tình dục an toàn, chỉ có một bạn tình hoặc một vợ một chồng. Trường hợp quan hệ tình dục với người không biết rõ, cần sử dụng bao cao su đúng cách.
Đối với người có biểu hiện bệnh giang mai cần xét nghiệm HIV và ngược lại. Khi mắc giang mai có thể tăng cường việc lây nhiễm HIV thông qua việc tăng tỷ lệ loét bộ phận sinh dục. Phát hiện và điều trị giang mai có thể giúp giảm lây nhiễm HIV.
Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ, nên xét nghiệm HIV đồng thời với xét nghiệm sàng lọc giang mai cũng như các bệnh truyền nhiễm khác định kỳ là rất cần thiết để loại trừ. Trường hợp bị mắc bệnh sẽ được điều trị sớm để tránh các biến chứng và có các biện pháp phòng tránh để lây truyền bệnh sang cho người khác.
>> Người nhiễm HIV nên ăn và nên tránh các loại thực phẩm nào?