Uống một chút rượu có thể sẽ giúp bạn tăng hứng thú và cảm giác muốn gần gũi, thân mật, hỗ trợ rất tốt cho ‘chuyện ấy’. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều rượu có thể sẽ phá vỡ cuộc ‘yêu’ của bạn. Vậy uống rượu thế nào để ‘chuyện ấy’ ngày valentine trọn vẹn?
Rượu ảnh hưởng đến tình dục như thế nào?
Ảnh hưởng của rượu đối với ham muốn tình dục rất đa dạng. Uống một chút rượu có thể khiến bạn cảm thấy tăng hứng thú muốn thân mật, gần gũi với bạn đời.
Khi mới uống rượu, nồng độ hormone giới tính, bao gồm testosterone và dopamine (loại hormone có thể có tác động đến ham muốn tình dục) tạm thời tăng lên. Đây là lý do tại sao một số người nghĩ rằng rượu có thể giúp thúc đẩy ham muốn tình dục. Tuy nhiên, sự gia tăng này không kéo dài lâu.
Trên thực tế, rượu có thể làm giảm mức dopamine, testosterone và giảm ham muốn tình dục. Uống quá nhiều rượu có thể làm hỏng cuộc yêu, thậm chí dẫn đến nhiều tác động tiêu cực khác đối với khả năng tình dục như rối loạn chức năng cương dương, ức chế khả năng đạt cực khoái.
Uống rượu thường xuyên cũng gây hại cho tuyến tụy, cơ quan chịu trách nhiệm giải phóng insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu. Khi chức năng tuyến tụy bị suy giảm có thể phá hoại khả năng chuyển hóa đường của cơ thể. Sự mất cân bằng lượng đường trong máu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các hormone còn lại, bao gồm cả hormone sinh dục.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người đàn ông nghiện rượu hoặc thường xuyên uống rượu đa phần đều bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng tinh trùng. Người nghiện rượu nặng thậm chí còn có thể bị rối loạn chức năng cương dương và không thể quan hệ tình dục thành công. Uống quá nhiều rượu trong thời gian dài có thể khiến suy giảm ham muốn tình dục.
Vậy uống rượu thế nào để ‘chuyện ấy’ ngày Valentine trọn vẹn?
Rõ ràng là rượu bia không chỉ gây hại cho gan, dạ dày, tim mạch, thần kinh… mà còn ảnh hưởng đến khả năng tình dục. Để đảm bảo sức khỏe và tận hưởng niềm vui trong đời sống tình dục trong dịp nghỉ Tết và ngày valentine đặc biệt, các chuyên gia khuyên mọi người nên lưu ý sử dụng rượu bia điều độ ở mức an toàn.
Đối với người mắc bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, gan nhiễm mỡ… nên kiêng hoặc hạn chế tối đa uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe.
Không nên uống rượu khi đói sẽ khiến máu hấp thụ rượu nhanh hơn. Nồng độ cồn trong máu được hấp thụ nhanh chóng sẽ gây ra nhiều tác dụng khó chịu như: nôn nao, nhức đầu, nôn mửa, mất kiểm soát suy nghĩ và hành vi có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm.
Không nên uống rượu trước khi đi ngủ. Nên ăn một bữa ăn nhẹ lành mạnh bao gồm protein hoặc carbs, uống nhiều nước có thể làm giảm tổng lượng rượu hấp thụ vào cơ thể và giúp cơ thể chuyển hóa chất này nhanh hơn.
Để phòng ngừa những ảnh hưởng tiêu cực của rượu đối với sức khỏe, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo tốt nhất là mọi người không nên uống rượu. Những người đã uống rượu nên hạn chế uống không quá 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly mỗi ngày đối với nữ giới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra một đơn vị uống chuẩn (ly tiêu chuẩn) chứa 10g cồn. Một ly tiêu chuẩn tương đương 1 chén rượu mạnh 30ml (40 độ); 1 ly rượu vang 100ml (13,5 độ); 1 cốc bia hơi 330ml, ¾ chai hoặc 1 lon bia 330ml.
>> Xem thêm: Bí quyết cải thiện sinh lý đàn ông