Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong gan dư thừa quá nhiều, gây ảnh hưởng đến chức năng của gan. Ở những người nghiện rượu, người bị béo phì… có nguy cơ cao bị bệnh gan nhiễm mỡ.
1. Đông y có chữa được bệnh gan nhiễm mỡ không?
Hiện nay, để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ người ta thường sử dụng phương pháp Đông y hoặc Tây y. Mỗi phương pháp có những ưu và nhược điểm riêng song đều giúp cải thiện chức năng gan, tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Các bài thuốc Đông y có ưu điểm là thành phần thảo dược tự nhiên nên không gây tác dụng phụ. Ngoài ra, chúng giúp quá trình đào thải thuốc ra ngoài dễ dàng hơn, an toàn hơn, bảo vệ chức năng gan tốt hơn. Các bài thuốc có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giảm áp lực và tăng cường chức năng gan.
Tuy nhiên, chữa trị gan nhiễm mỡ bằng phương pháp Đông y phải có sự kiên trì, sử dụng trong thời gian dài mới có tác dụng. Đồng thời, thuốc chỉ phù hợp với bệnh ở giai đoạn đầu. Nếu bệnh đã diễn biến nặng cần kết hợp phương pháp Tây y để có hiệu quả tốt nhất.
2. Cách xử trí khi bị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ ít khi có các triệu chứng rõ ràng. Những biểu hiện đầu tiên thường chỉ là bụng ấm ách và hơi khó chịu. Trên lâm sàng, bác sĩ có thể khám thấy gan của bạn hơi to ra một chút. Khi lượng mỡ trong gan quá nhiều sẽ gây nên tình trạng viêm gan. Lúc đó, các triệu chứng chính sẽ là chán ăn, sụt cân, đau bụng hoặc mệt mỏi nhiều và vàng da.
Gan nhiễm mỡ có thể phát hiện được thông qua thăm khám lâm sàng và qua các xét nghiệm, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ.
Chẩn đoán hình ảnh có thể phát hiện gan nhiễm mỡ, nhưng chưa đánh giá được đầy đủ chức năng gan và nhiều tổn thương khác.
3. Cách chăm sóc bệnh gan nhiễm mỡ tại nhà
Ngoài việc thực hiện chỉ định của bác sĩ, thăm khám sức khỏe định kỳ, tiêm ngừa vaccine, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh viêm gan. Nếu mắc các bệnh lý gan khác, cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tại nhà cần có lối sống khoa học, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tăng cường chất xơ và protein tốt, hạn chế chất béo như hạn chế đồ ăn chiên rán, giảm ăn tinh bột và đường. Kiểm soát lượng cholesterol và đường máu.
Tăng cường luyện tập thể dục thể thao với cường độ thích hợp giúp kiểm soát và duy trì cân nặng lành mạnh.
Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, người bệnh gan nhiễm mỡ cần lưu ý:
- Nên ăn các loại rau củ quả chứa nhiều chất chống oxy hoá, giàu chất xơ, có tác dụng giảm cholesterol, rất tốt cho người bệnh gan nhiễm mỡ. Dùng dầu thực vật như dầu mè, đậu nành… có chứa các axit béo không no, làm giảm cholesterol.
- Tăng khẩu phần cá. Đây là nguồn cung cấp protein ít chất béo, giàu axit omega – 3, rất tốt cho sức khỏe giúp giảm nồng độ cholesterol, giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ và ung thư.
- Cần bỏ rượu, bia và các loại thức uống có cồn. Nhóm thức uống này là một trong những tác nhân chính gây suy giảm chức năng và tổn thương tế bào gan.
- Cần hạn chế sử dụng mỡ động vật. Tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng, da động vật, lòng đỏ trứng…
- Giảm khẩu phần thịt đỏ như thịt bò, thịt heo… vì nhóm thực phẩm này chứa nhiều protein và buộc gan phải làm việc nhiều hơn để chuyển hóa.
4. Bệnh gan nhiễm mỡ có chữa khỏi không?
Gan nhiễm mỡ thường không gây ra các tổn thương gan vĩnh viễn, đây là một điều may mắn. Lá gan của chúng ta có khả năng tự hồi phục nên nếu điều trị tốt tiểu đường, mỡ máu cao hay béo phì, hoàn toàn có thể đảo ngược quá trình nhiễm mỡ của gan. Còn nếu hay uống rượu thì ở một mức độ nào đấy, việc ngừng rượu sẽ giúp hỗ trợ điều trị bệnh. Sinh thiết là phương pháp chẩn đoán và xác định nguyên nhân của gan nhiễm mỡ, từ đó có được hướng điều trị tốt nhất.
5. Lưu ý những người béo phì, đái tháo đường, người từ 55 tuổi trở lên…
Bệnh gan nhiễm mỡ thường xảy ra ở người từ độ tuổi trung niên trở lên. Người sử dụng nhiều rượu bia có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ, nhất là người uống nhiều rượu trong một thời gian dài. Ở những người nghiện rượu, phụ nữ và người bị béo phì có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ cao hơn.
Gan nhiễm mỡ không do rượu phổ biến hơn ở những người đã mắc một số tình trạng như:
- Béo phì.
- Tiền đái tháo đường và đái tháo đường.
- Tăng huyết áp.
- Rối loạn lipid máu với cholesterol cao, triglyceride cao.
- Hội chứng chuyển hóa.
- Giảm cân nhanh.
- Nhiễm virus viêm gan.
- Sử dụng một số loại thuốc như corticosteroid, thuốc điều trị ung thư…
Các nghiên cứu cho thấy khoảng 1/3 – 2/3 những người bị đái tháo đường loại 2, 75% người thừa cân và hơn 90% người bị béo phì nặng cũng mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Tỷ lệ béo phì, đái tháo đường, mỡ máu và tăng huyết áp gia tăng cũng kéo theo tỷ lệ người mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu tăng lên.
>>> Chỉ số Glucose trong máu có ý nghĩa như thế nào?