Ăn gì giúp nhanh hồi phục sau ngộ độc thực phẩm?

1
0
Ăn gì giúp nhanh hồi phục sau khi bị ngộ độc thực phẩm

Cả gia đình tôi vừa trải qua đợt ngộ độc thực phẩm, nên ăn gì để cơ thể nhanh hồi phục, tăng cường sức khỏe? (Ngân, 40 tuổi, TP HCM)

Triệu chứng khi bị ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thức ăn (trúng thực) có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể 1-2 ngày sau khi hệ tiêu hóa tiêu thụ hết thực phẩm. Một số trường hợp có thể nghĩ đến ngộ độc khi:

  • Có những biểu hiện khác thường sau khi ăn uống một loại thực phẩm nào đó.
  • Những người cùng ăn chung một loại thực phẩm có biểu hiện giống nhau, trong khi những người không ăn loại thực phẩm đó không có biểu hiện gì.
  • Gặp những triệu chứng ngộ độc thực phẩm đặc trưng như đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy.
  • Thực phẩm vừa ăn uống có mùi vị lạ, ôi thiu, thậm chí có thể có giun sán.
Ngộ độc thực phẩm gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và đau đớn
Ngộ độc thực phẩm gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và đau đớn

Tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:

  • Ngộ độc do vi sinh vật: Các loại vi khuẩn, virus hoặc các độc tố từ vi sinh vật là một trong những nguyên nhân ngộ độc thực phẩm. Trường hợp này, người bệnh sẽ có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; các biểu hiện mất nước như khát nước, khô môi; hoặc nhiễm trùng gây sốt, liên tục vã mồ hôi.
  • Ngộ độc do thực phẩm nhiễm hóa chất: Người bệnh có những triệu chứng khá phức tạp, không chỉ ở hệ tiêu hóa mà còn xuất hiện bất thường ở các cơ quan khác như đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường, trụy mạch…
  • Ngộ độc do thực phẩm chứa độc tố tự nhiên: Các thực phẩm vốn chứa sẵn độc tố như sắn, măng, cá nóc, cóc… nếu không được chế biến đúng cách khi ăn vào sẽ gây nên những triệu chứng bất thường.

>> Các loại thực phẩm không nên kết hợp với nhau để tránh gây nguy hiểm khi ăn

Nguyên nhân nào dẫn đến ngộ độc thực phẩm

Dưới đây là một số tác nhân gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm:

Một số nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm
Một số nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm
  • Vi khuẩn Salmonella (vi khuẩn gây bệnh thương hàn) gây các triệu chứng buồn nôn, nhức đầu, choáng váng, sốt và tiêu chảy.
  • Độc tố tụ cầu Staphylococcus có trong sữa, thịt gia cầm chưa nấu chín gây chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mạch đập nhanh, tiêu chảy.
  • Độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum trong thịt cá bị ươn, ôi thiu, phá hủy hệ thần kinh trung ương và hành tủy, gây tử vong.
  • Độc tố vi nấm Aflatoxin trên các loại hạt như lạc, đậu nành, hướng dương, điều, ngô; các loại bột từ những hạt này khi bị nấm mốc.
  • Các loại virus viêm gan A (HAV) và Norwalk trong thực phẩm như rau sống, thức ăn chế biến nguội; các loại nhuyễn thể như sò, ốc, hến sống ở vùng nước bẩn.
  • Sán lá gan nhỏ trong các món ăn chế biến từ gỏi cá sống, cá nướng, ốc chưa luộc chín.
  • Các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân, selenium lẫn trong thực phẩm.
  • Tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật.
  • Các chất phụ gia, chất bảo quản thực phẩm không được phép sử dụng, hoặc dùng quá liều lượng, quá thời hạn…

Ăn gì giúp nhanh hồi phục sau khi bị ngộ độc thực phẩm?

Sau ngộ độc thực phẩm, sức khỏe người bệnh thường suy kiệt và ăn uống không ngon miệng. Do đó, chú ý lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu, dễ hấp thu, tránh tạo thêm gánh nặng cho hệ đường ruột.

Nên ăn chín, uống sôi, không ăn thực phẩm quá nhiều đạm hoặc nhiều dầu mỡ, chất béo vì hệ vi sinh đường ruột chưa phục hồi được như cũ và cơ thể cũng chưa hấp thu được lượng đạm lớn.

Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, cần cân nhắc lựa chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa
Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, cần cân nhắc lựa chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa

Đồng thời, bổ sung nước, chú ý dùng các loại nước sạch, hợp vệ sinh như nước đun sôi, nước đóng chai. Tránh sử dụng các loại thức uống có chứa chất kích thích như bia rượu, cà phê…

Do cơ thể đã mất nhiều chất lỏng, dinh dưỡng và chất điện giải, người bệnh cần được bổ sung dinh dưỡng và nước cho cơ thể bằng súp, cháo loãng, nước canh hay nước hầm, các loại trái cây dễ tiêu như chuối, táo…

Ngoài ra, sau khi ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng chán ăn, khó tiêu. Để khắc phục triệu chứng này, nên sử dụng một số chế phẩm giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột như men tiêu hóa, sữa chua. Trong sữa chua chứa một lượng lớn vi khuẩn đường ruột có lợi, giúp cải thiện và tăng cường tiêu hóa, đồng thời kích thích sự thèm ăn, giúp ăn ngon miệng hơn, khắc phục chứng chán ăn. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc trường hợp không dung nạp sữa, không ăn được sữa chua thì có thể dùng các chế phẩm khác thay thế.

Hiện nay liên tiếp có rất nhiều tình trạng ngộ độc thực phẩm ở nhiều nơi do vệ sinh không đảm bảo, mỗi người cần chú ý lựa chọn nơi ăn uống sạch sẽ để tránh gặp tình trạng này, nhận biết các triệu chứng và biết cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm cũng là những kiến thức cần biết.

>> Tin tức liên quan:

Cơm, mì, nui trước cổng trường khiến 12 học sinh ở Nha Trang ngộ độc

Cấp cứu nữ sinh hôn mê do ngộ độc thuốc an thần

1
0