Một số biện pháp phòng bệnh tai mũi họng trong thời điểm nắng nóng như hiện nay được các chuyên gia khuyến cáo như uống đủ nước, hạn chế nước đá,… Cùng tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết bên dưới.
Số ca mắc tai mũi họng tăng cao khi trời nóng
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Tai Mũi Họng, một bệnh viện ở TPHCM cho biết, gần đây, mỗi ngày có trên 200 người đến nơi này khám các bệnh viêm mũi họng, tăng 25% so với trước Tết. Phần lớn các bệnh nhân bị viêm mũi họng cấp, viêm amidan, viêm mũi xoang.
Ngồi giữ mặt nạ cho con gái 10 tuổi đang được phun khí dung, chị M.T. (quê Quảng Nam) kể, những ngày về quê ăn Tết, nhiệt độ xung quanh nhà chị chỉ 19-22 độ C. Nhưng khi trở lại TPHCM, thời tiết lại nắng nóng 37-38 độ C liên tục.
Chỉ vài ngày trở lại thành phố, con chị đã bị đau họng, nghẹt mũi, ho đàm, sốt và mệt mỏi, khó chịu. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm mũi họng cấp. Bệnh nhi được hút mũi, phun khí dung và kê thêm thuốc điều trị hỗ trợ tại nhà.
Còn anh D. (29 tuổi, quê Thái Nguyên) cũng đến bệnh viện “cầu cứu” trong tình trạng sốt ho, đau họng, nghẹt mũi, khàn giọng kéo dài hơn một tuần. Chàng trai kể, ở miền Bắc nhiệt độ lạnh, rét buốt liên tục nhưng khi trở lại TPHCM, anh có cảm giác sốc nhiệt. Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm mũi xoang, viêm họng cấp.
>> Biện pháp phòng tránh say nắng, say nóng
Chuyên gia lý giải nguyên nhân dẫn đến tai mũi họng khi trời nắng nóng
Bác sĩ phân tích, thời tiết, độ ẩm không khí thay đổi là cơ hội cho vi khuẩn, virus hoạt động mạnh. Bên cạnh đó, nắng nóng oi bức cũng làm cho cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, sức đề kháng suy giảm, nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Hơn nữa, do thay đổi nhiệt độ từ lạnh sang nóng và chênh lệch mức nhiệt quá cao nên sức đề kháng cơ thể không kịp thích nghi, dẫn đến đường mũi họng – hệ thống phòng vệ đầu tiên – bị bệnh.
>> Những bệnh thường gặp mùa nắng nóng
Biện pháp phòng bệnh tai mũi họng khi trời nắng nóng
Trước tình trạng nhiều người mắc tai mũi họng trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, chuyên gia khyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh tai mũi họng như sau:
1. Không lạm dụng máy lạnh
Sử dụng máy lạnh liên tục ở nhiệt độ thấp (15-17 độ C) và không vệ sinh thường xuyên, khiến niêm mạc mũi họng khô, dễ mắc các bệnh như viêm họng, chảy máu cam, viêm mũi xoang.
Không sử dụng máy lạnh quá nhiều trong ngày, nên xen kẽ sử dụng quạt và máy lạnh, không để nhiệt độ quá thấp, nên bật khoảng 26-27 độ C. Gia đình nên đặt một chậu nước nhỏ hoặc dùng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm cho không khí.
Bạn cũng có thể đắp một chiếc chăn mỏng khi ngủ, không thay đổi nhiệt độ máy lạnh đột ngột, không vào phòng máy lạnh ngay sau khi đi ngoài trời nắng về. Vệ sinh máy lạnh thường xuyên (2-3 lần mỗi năm) để loại bỏ virus, vi khuẩn. Việc sử dụng máy lạnh hợp lý giúp phòng bệnh tai mũi họng hiệu quả trong thời điểm hiện nay.
2. Uống đủ nước giúp phòng bệnh tai mũi họng
Nhiệt độ môi trường tăng cao khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi dễ mất nước, mất điện giải, niêm mạc mũi họng khô gây các bệnh tai mũi họng mùa nắng. Người lớn nên uống ít nhất hai lít nước mỗi ngày, tăng thêm lượng nước nếu hoạt động nhiều ngoài trời. Trẻ em trên 10 kg nên uống ít nhất một lít nước mỗi ngày.
>> Thời điểm uống nước nào hiệu quả trong ngày?
3. Hạn chế uống đá, đồ ăn cay nóng
Nước quá lạnh, đồ cay nóng làm lớp nhầy bảo vệ niêm mạc cổ họng bị khô, đau rát, tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus xâm nhập gây viêm họng. Nên hạn chế thói quen xấu này, nhất là vào ngày nắng để phòng bệnh tai mũi họng.
>> Điều gì xảy ra khi uống đá thường xuyên
4. Hạn chế chất kích thích
Hút thuốc lá, uống rượu bia giải nhiệt khi trời nắng nóng khiến niêm mạc mũi họng khô rát, suy giảm chức năng miễn dịch. Để phòng ngừa các bệnh mũi họng khi trời nắng nóng, cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia.
5. Tăng cường sức đề kháng
Nắng nóng cũng giúp cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Sức đề kháng cùng hệ miễn dịch tốt để phản ứng nhạy bén với các tác nhân gây bệnh, nhờ đó cơ thể không mắc bệnh.
Để tăng cường sức đề kháng, nên vận động thể chất khoảng 30 phút mỗi ngày bằng các bài tập như đi bộ, đạp xe, chạy bộ, bơi lội, tập gym, yoga. Bổ sung trái cây, rau, củ quả…trong khẩu phần ăn hằng ngày.
6. Đeo khẩu trang và vệ sinh mũi họng hằng ngày
Việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà giúp phòng tránh vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể thông qua việc hít khói bụi từ xe cộ, khí thải.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh tai mũi họng, bạn nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh hằng ngày, việc này giúp làm sạch vùng mũi họng, hạn chế mắc các bệnh viêm họng, viêm đường hô hấp.
7. Bảo vệ tai khi đi bơi
Nhiều người đi bơi giải nhiệt khi trời nắng nóng nhưng không bảo vệ tai đúng cách gây viêm tai, để lâu có thể gây viêm tai giữa, biến chứng thủng màng nhĩ. Nếu đi bơi để giải nhiệt khi trời nắng nóng, cần đeo nút tai, giữ tai sạch và khô sau khi bơi, vệ sinh ráy tai đúng cách.
Nếu gặp các vấn đề về tai mũi họng kéo dài, bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị sớm.