Sưng tay chân là dấu hiệu bệnh nguy hiểm nào?

1
0
Sưng tay chân là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm

Sưng tay chân có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm cần phát hiện và can thiệp sớm, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Tay chân sưng phù là bệnh gì?

Sưng phù tay chân là tình trạng sưng phồng lên do lượng dịch bên trong mô dưới da tại vùng đó bị dư thừa và mắc kẹt. Lượng dịch thừa này thoát ra từ các mao mạch bị tổn thương, nên gây chảy rò rỉ và giải phóng dịch vào các mô cơ quan và khoảng giữa các tế bào. Ngoài ra phù có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể như là mí mắt, hai má, mắt cá chân, bụng.

Biểu hiện bị sưng tay chân

Tùy vào nguyên nhân và căn bệnh gây phù và vị trí bị phù cụ thể, người bệnh sẽ có biểu hiện phù nề đa dạng. Trong đó, sưng căng và đau nhức là hai biểu hiện chính và phổ biến nhất. Ngoài ra có thể xuất hiện thêm các biểu hiện dưới đây:

Biểu hiện của sưng tay chân
Biểu hiện của sưng tay chân
  • Da tay chân sưng, căng lên và có màu sáng chói hơn.
  • Dùng ngón tay ấn nhẹ thấy da bị lõm mềm vào trong, phải mất khoảng vài giây mới quay về trạng thái ban đầu.
  • Sưng ở bọng mắt, mặt hoặc mắt cá chân.
  • Đau nhức các khớp tay chân 
  • Kèm tăng hoặc giảm cân bất thường 
  • Quan sát tĩnh mạch ở tay chân sẽ thấy hiện rõ và đầy đủ hơn bình thường.
  • Người bị phù tay chân có nhịp tim và huyết áp cao hơn bình thường.
  • Đau đầu, rối loạn thị giác, hay quên.
  • Đau bụng, buồn nôn, nôn, thay đổi thói quen đại tiện.

Dấu hiệu sưng tay chân cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm

Với triệu chứng sưng ở ngón tay và ngón chân, người bệnh không được chủ quan vì đó có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe sau:

  • Bệnh thận: Thận đóng vai trò quan trọng với chức năng cân bằng chất lỏng và loại bỏ chất thải khỏi cơ thể. Khi cơ thể đang mắc bệnh thận thì chức năng thận sẽ bị suy yếu, gây ứ nước trong cơ thể và dẫn đến phù nề một số nơi, trong đó có bàn tay và bàn chân. Những dấu hiệu khác của bệnh thận là tiểu ít, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, ói mửa và tiểu ra máu.
  • Bệnh gan: Gan khi có bệnh sẽ làm giảm sản xuất các loại protein giúp cân bằng lượng chất lỏng trong máu. Chất lỏng sau đó sẽ rò rỉ vào các mô và gây phù nề, đặc biệt là ở bụng và chân. 
  • Suy tim: Khi một hoặc cả hai buồng tâm thất của tim bị suy yếu sức co bóp sẽ không thể bơm máu đúng lưu lượng cần thiết làm máu và dịch có thể tích tụ ở các chi và gây phù tay chân.
  • Dấu hiệu sưng tay chân trong giai đoạn thai kỳ: Phụ nữ khi mang thai, cơ thể sẽ có nhiều cơ chế gây tiết ra các hormone kích thích giữ lại ion natri và nước nhiều hơn bình thường. Do đó tăng khả năng làm các vùng mặt, tay, chân, bàn chân bị phù và sưng hơn người bình thường. Ngoài ra, tử cung phát triển to lớn nhanh chóng sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới và tắc nghẽn các tĩnh mạch đùi tăng thêm tình trạng phù chân. 
  • Bệnh đái tháo đường: Các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường lâu năm không kiểm soát tốt gồm tim mạch, suy thận cấp, suy tế bào gan, bệnh lý tăng tiêu thụ protein và một số loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến tình trạng cơ thể bị sưng tay chân và sưng phồng võng mạc.
  • Dị ứng cũng có thể gây sưng tay chân: Một số người bị dị ứng hoặc phản vệ với một số loại thực phẩm, phấn hoa, côn trùng hoặc đồ mỹ phẩm. Sưng phù nặng ở mặt và tay chân là dấu hiệu của sốc phản vệ khi tiếp xúc với kháng nguyên gây dị ứng. Nếu phù tay chân kết hợp với sưng ở vùng cổ họng có thể gây ngạt thở, nguy hiểm đến tính mạng.
  • Tắc nghẽn mạch máu: Bất kỳ sự tắc nghẽn động – tĩnh mạch nào ở tay chân bao gồm các bệnh giãn tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu, khối u chèn ép, phù mạch bạch huyết ở cẳng chân đều có thể gây cản trở đáng kể sự lưu thông của dòng máu và tạo ra áp lực lên tĩnh mạch, gây thoát dịch vào khoang kẽ và khiến chân bị phù.
Sưng tay chân có thể là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm
Sưng tay chân có thể là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác có thể gây sưng tay chân như:

  • Ngồi, nằm, đứng một tư thế không thay đổi quá lâu, trong một thời gian dài có thể gây phù tay chân tạm thời. 
  • Bị bỏng, nhiễm trùng nặng hoặc viêm ở các mô dưới da sẽ gây ra phản ứng tiết dịch vào khoảng kẽ tế bào và gây phù tay chân hay toàn thân. 
  • Sự thay đổi đột ngột của nồng độ hormone trong các giai đoạn của người phụ nữ như tiền kinh nguyệt, kinh nguyệt và mãn kinh đều có thể gây ứ dịch cơ thể và dẫn đến phù tay chân.
  • Các bệnh lý rối loạn hormone như bệnh tuyến giáp, hoặc dùng thuốc hormone như thuốc estrogen cũng đều gây tích tụ nước, ứ dịch, khiến toàn thân bị phù tay chân.

Khi nào sưng tay chân nên đến gặp bác sĩ?

Có nên đến gặp bác sĩ khi bị sưng tay chân không?
Có nên đến gặp bác sĩ khi bị sưng tay chân không?

Nếu bạn bị sưng tay chân kèm theo các triệu chứng sau thì cần đến thăm khám bác sĩ ngay để được làm các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời:

  • Thở nhanh nông, thở hơi ngắn, khó thở, đau tức vùng ngực. Đây có thể là dấu hiệu của phù phổi sung huyết, người bệnh cần được xử trí điều trị kịp thời nếu không có thể tử vong nhanh chóng. 
  • Chân đau và sưng cả khi không hoạt động, tình trạng này càng nặng nếu thấy da chân bị bầm tím, hoại tử. Một dấu hiệu có giá trị tiên đoán cao của chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.

Có rất nhiều nguyên nhân bệnh lý khiến cơ thể bạn bị sưng phù tay chân. Do đó, người bệnh cần theo dõi quan tâm, phát hiện biểu hiện phù và đến thăm khám bác sĩ càng sớm nếu bị phù tay chân trong thời gian dài, hoặc kèm các triệu chứng nguy hiểm như khó thở, đau ngực, bầm tím da. 

1
0