Viêm dạ dày có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh viêm dạ dày

0
0
Viêm dạ dày có nguy hiểm không ?

Viêm dạ dày không phải là một căn bệnh xa lạ mà ngày nay đã xuất hiện rất phổ biến với mọi đối tượng và lứa tuổi. Bệnh không chỉ gây nên các triệu chứng khó chịu đối với bệnh nhân mà còn có thể để lại các biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị sớm. Bài viết dưới đây sẽ giải thích cho thắc mắc viêm dạ dày có nguy hiểm không giúp bạn có biện pháp phòng tránh đúng cách căn bệnh này.

Thông tin chung về bệnh viêm dạ dày

Khi niêm mạc dạ dày hình thành các tổn thương và lâu ngày sẽ gây ra hiện tượng sưng viêm, phát triển thành các vết loét thì sẽ gọi là bệnh viêm dạ dày. Bệnh được phân làm 2 loại như sau:

Viêm dạ dày mạn tính: là khi dạ dày bị viêm nhiễm với các tổn thương khu trú hoặc lan toả. Điều này có thể khiến niêm mạc dạ dày bị sưng viêm và bị tổn thương nghiêm trọng;

Viêm dạ dày cấp tính: là hiện tượng sưng tấy, viêm diễn ra bất chợt ở dạ dày. Những cơn đau có thể đến đột ngột và xảy ra trong khoảng thời gian ngắn.

Thông tin chung về bệnh viêm dạ dày
Thông tin chung về bệnh viêm dạ dày

Dạ dày là một trong những bộ phận có chức năng rất quan trọng đối với quá trình tiêu hoá. Khi bộ phận này bị tổn thương thì bệnh nhân sẽ đối mặt với nhiều vấn đề sức khoẻ làm ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác của cơ thể.

Theo thống kê của Hội Khoa học Tiêu hoá Việt Nam thì có đến 70% người Việt có nguy cơ mắc viêm dạ dày. Đặc biệt, trong số các bệnh lý đường tiêu hoá thì viêm dạ dày chiếm khoảng 26% và số ca bệnh đang có xu hướng trẻ hoá.

Dấu hiệu của viêm dạ dày

Dưới đây là các dấu hiệu của bệnh viêm dạ dày phải đặc biệt chú ý:

Cơn đau vùng thượng vị: bệnh nhân thường cảm thấy đau ở vùng bụng trên với các cấp độ khác nhau tuỳ theo mức độ bệnh.

Cơn đau có thể ập tới ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi;

Chán ăn, ăn không thấy ngon miệng, giảm cân đột ngột: chứng viêm loét dạ dày làm bệnh nhân cảm thấy khô miệng, buồn nôn, vị giác giảm sút nên ăn kém ngon miệng;

Dấu hiệu của viêm dạ dày
Dấu hiệu của viêm dạ dày

Rối loạn tiêu hoá: người bị viêm loét dạ dày dễ bị chứng tiêu chảy hoặc táo bón;

Buồn nôn hoặc nôn: chức năng của dạ dày bị suy giảm bởi tác động của các vết viêm loét, việc này sẽ làm bệnh nhân có cảm giác buồn nôn hay thậm chí là nôn mửa;

Mất ngủ.

Viêm dạ dày có nguy hiểm không ? Biến chứng của bệnh dạ dày

Nhiều người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng chủ quan, không chữa trị kịp thời khiến bệnh dễ tái phát. Tình trạng bệnh tái đi tái lại nhiều lần dễ dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng như:

Hẹp môn vị: Viêm loét dạ dày tá tràng kéo dài dễ dẫn tới phù nề niêm mạc, hình thành sẹo lồi gây tình trạng chít hẹp khiến thức ăn không thể di chuyển xuống môn vị, hành tá tràng. Khi bị hẹp môn vị, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau bụng, nôn mửa nhiều, dịch nôn có mùi hôi.

Khi hẹp môn vị tiến triển, người bệnh có triệu chứng đau bụng nhiều hơn với cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội. Đồng thời, việc nôn mửa cũng khiến người bệnh mất nước, mất cân đối điện giải, dễ dẫn tới buồn nôn và tiêu chảy. Nếu để nặng, bệnh nhân sẽ sụt cân nhanh, da dẻ xanh tái, người thường xuyên mệt mỏi;

Xuất huyết tiêu hoá: 15 – 20% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng đã bị xuất huyết tiêu hoá. Về cơ chế, khi tình trạng viêm loét tiến triển, vết loét sẽ ngày càng sâu, axit dạ dày càng gây tổn thương vết loét nặng thêm, gây vỡ các mô, mạch máu gây chảy máu vào ống tiêu hoá, dẫn tới tình trạng ói ra máu, đau bụng dữ dội vùng thắt lưng, cơn đau còn lan rộng khắp bụng, bụng chướng, vã mồ hôi,…

Biến chứng của viêm dạ dày
Biến chứng của viêm dạ dày

Trường hợp loét dạ dày, máu có thể chảy nhỏ giọt hoặc ồ ạt, người bệnh có thể đi ngoài ra phân đen (mùi hôi thối hoặc tanh nồng) hoặc phân màu đỏ tươi. Tình trạng xuất huyết tiêu hoá nghiêm trọng hoặc mất máu nặng có thể đe doạ tính mạng người bệnh;

Thủng dạ dày: Bệnh nhân bị biến chứng thủng dạ dày có biểu hiện đau bụng dữ dội đột ngột, bụng căng cứng, có dấu hiệu sốc, … Nếu không được cấp cứu kịp thời, thủng dạ dày có thể dẫn tới viêm phúc mạc, có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt, biến chứng này có thể xảy ra vô cùng đột ngột, làm bệnh nhân và người nhà không kịp phản ứng;

Ung thư dạ dày: Là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh lý viêm dạ dày – tá tràng và có tỷ lệ tử vong cao. Tỷ lệ ung thư hoá dạ dày gặp ở 5 – 10% bệnh nhân, đặc biệt những trường hợp tiền sử viêm loét trên 10 năm.

Trường hợp phát hiện ung thư dạ dày sớm, thời gian sống thêm 5 – 10 năm của bệnh nhân tương đối cao. Tuy nhiên, do dấu hiệu của bệnh thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với viêm dạ dày nên nhiều bệnh nhân chủ quan, thường điều trị bệnh khi đã chuyển sang giai đoạn muộn. Các dạng viêm loét tiền môn vị, môn vị, viêm loét bờ cong dạ dày, viêm loét hang vị dạ dày có tỷ lệ biến chứng ung thư dạ dày cao hơn hẳn.

Các biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng nêu trên thường rất nghiêm trọng, có thể phải can thiệp cấp cứu. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ các biến chứng trên, bệnh nhân nên đến bệnh viện gần nhất để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán xác định bệnh.

Phòng ngừa viêm dạ dày như thế nào ?

Phòng ngừa viêm dạ dày như thế nào ?
Phòng ngừa viêm dạ dày như thế nào ?

Thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, … là các biện pháp giúp ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng hiệu quả hơn, giúp giảm triệu chứng khó chịu của bệnh và ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Một số lưu ý giúp phòng bệnh hiệu quả gồm:

Thay đổi thói quen ăn uống: Mỗi người phải ăn chậm, nhai kĩ, ăn uống đúng giờ giấc và tránh bỏ bữa (đặc biệt là bữa sáng), không ăn uống sau 8 giờ tối, không ăn quá no hoặc để bụng quá đói, tránh ăn đồ quá chua, cay, nóng, mặn, đắng, ngọt, …

Đồng thời, các thức ăn nhanh, đóng hộp hoặc thức ăn nhiều chất béo, nhiều natri, rượu, bia, trà, cafe, thuốc lá, … cũng cần phải hạn chế. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm vitamin A, D, B12, K, canxi, sắt, kẽm, … từ trái cây, rau củ quả tươi, tinh bột dễ tiêu hoá, chất béo lành mạnh, … giúp trung hoà axit dạ dày hiệu quả hơn;

Thay đổi thói quen sinh hoạt: Mỗi người cũng nên duy trì thói quen nghỉ ngơi hợp lý, vận động đều đặn khoảng 30 phút/ngày, 5 lần/tuần để có sức khoẻ ổn định và tâm lý thoải mái. Duy trì thói quen sinh hoạt hợp lý, ăn ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, hạn chế stress, giữ gìn vệ sinh cá nhân, … cũng là bí kíp ngăn ngừa viêm loét dạ dày – tá tràng hữu hiệu;

Chú ý tới việc khám sức khoẻ: Cần tránh dùng các loại thuốc an thần, kháng sinh, thuốc giảm viêm, khi dùng các loại thuốc trên cũng nên hỏi ý kiến của bác sĩ nhằm tránh gây tác động tiêu cực lên niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, người bệnh nên tái khám đúng hẹn, đem theo các loại giấy tờ cần thiết và đơn thuốc đang dùng để bác sĩ đối chiếu, đưa ra lời khuyên phù hợp.

Chú ý tới việc khám sức khoẻ
Chú ý tới việc khám sức khoẻ

Các biến chứng của viêm dạ dày nếu xuất hiện sẽ vô cùng nghiêm trọng, do đó việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm dạ dày sớm là rất quan trọng. Nếu để bệnh tiến triển sang mãn tính sẽ gây trở ngại trong việc điều trị. Tóm lại, khi bạn có các triệu chứng của các bệnh lý tiêu hoá, dù là triệu chứng nhẹ thoáng qua, cần được đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá thăm khám, theo dõi, đưa ra các chỉ định phù hợp để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

>>>Bài viết tham khảo: 9 thói quen hại dạ dày ai cũng nên biết

0
0