Ba mẹ cần làm gì để bảo vệ con trong thế giới mạng?
Đứng trước thời đại công nghệ 4.0, mặc dù không thể phủ nhận những lợi ích mà Internet mang lại, nhưng trên thế giới mạng vẫn có nhiều mặt trái đáng lo ngại. Một thống kê của UNICEF cho biết, có đến 1/3 thanh thiếu niên từng là nạn nhân của vấn nạn bắt nạt trên mạng (bị đe dọa, nhục mạ, tấn công tinh thần qua mạng xã hội, tin nhắn…). Trong số đó nhiều em đã từng bỏ học, thậm chí còn nghĩ tới việc tự tử mà cha mẹ không hề hay biết.
Ngoài ra thế giới ảo còn tồn tại vô số mối nguy cơ rình rập các bé như web “đen”, tin tức “bẩn”, nạn xâm phạm thông tin cá nhân và dụ dỗ trẻ vị thành niên qua mạng… Nếu trẻ không được trang bị các kiến thức và kỹ năng để tự mình chọn lọc và phòng vệ, các em rất dễ trở thành nạn nhân của cái xấu, cái ác trên mạng.
Bắt nạt trên mạng (Cyber-bullying)
Thanh thiếu niên bị chửi bới, lăng nhục, bị xâm phạm hình ảnh cá nhân, bị lan truyền tin đồn giả mạo về bản thân, bị phát tán video xấu… tức các em đang là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Về cơ bản bắt nạt trên mạng vẫn giống bắt nạt thông thường hay bạo lực học đường, nhưng cần lưu ý rằng nạn nhân của bắt nạt trên mạng thường không biết danh tính của kẻ bắt nạt mình, hoặc vì sao những kẻ đó lại nhắm vào họ.
Lúc này sự quấy rối còn làm tổn hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bé hơn khi nội dung làm phiền nạn nhân có thể lan tỏa và chia sẻ lớn hơn rất nhiều. Sau khi đã hiểu bắt nạt trên mạng là gì các em biết cách tìm đến sự giúp đỡ khi không may là nạn nhân, hoặc tránh vô tình trở thành một kẻ bắt nạt. Trẻ cũng sẽ biết giúp đỡ bạn bè khi chứng kiến họ bị bắt nạt trên mạng.
Bảo vệ sự riêng tư trên mạng
Các bé rất dễ bị lộ các thông tin riêng tư khi tham gia mạng xã hội, các diễn đàn online… Đồng thời trở thành những “con mồi ngon” cho kẻ lừa đảo, dụ dỗ. Do vậy các bậc phụ huynh cần nói rõ cho con em mình hiểu rằng mọi thứ chúng làm hay nói trên mạng đều để lại “dấu vết” cá nhân. Thế nên các bé phải cẩn thận với mọi thứ đang chia sẻ lên mạng.
Nhận biết các trang tin “trá hình”
Ngày nay có rất nhiều trang tin được đội lốt dưới vẻ ngoài đáng tin cậy. Song sau khi truy cập chúng ta sẽ được dẫn tới các địa chỉ xấu và chứa nhiều nguy cơ. Do đó trước khi truy cập vào bất cứ trang nào chúng ta cũng cần biết cách kiểm tra độ tin cậy của nó, đồng thời nếu cảm thấy nghi ngờ thì có thể tham khảo ý kiến của người lớn.
Phải ứng xử thế nào với những video “nóng”, web “đen”
Khi phát triển giới tính, trẻ cũng trở nên tò mò hơn về những vấn đề tình dục. Lúc ấy các em có thể tìm đến internet như một công cụ để giải tỏa những thắc mắc của mình. Một nghiên cứu năm 2017 đã cho biết rằng, độ tuổi trung bình thanh thiếu niên lần đầu tiếp xúc với nội dung “nóng” là 13 tuổi, và nhỏ nhất là 5 tuổi.
Tốt nhất, phụ huynh nên giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm, cần giúp bé hiểu rằng khi có thắc mắc về giới tính và tình dục, các con nên tìm đến một người lớn mà mình cảm thấy thoải mái để trò chuyện về chủ đề này, thay vì tìm đến những trang web xấu có nội dung sai lệch. Hơn nữa các bé cũng phải biết cách tránh xa và từ chối những nội dung khiến bản thân cảm thấy ghê sợ, khó chịu.
Cám dỗ qua mạng
Có những kẻ xấu lợi dụng môi trường tương tác, kết bạn qua mạng để tiếp cận bé với mục đích xấu như khai thác hình ảnh, cám dỗ tình dục hoặc bắt cóc. Trẻ cần hiểu được các chiêu trò mà chúng thường sử dụng, biết thận trọng hơn khi tiếp xúc với người lạ trên mạng. Đồng thời con cũng phải biết cách từ chối và thoát ra khi bị rơi vào tình huống xấu, đồng thời nếu cảm thấy nghi ngờ thì hãy chia sẻ với một người lớn đáng tin cậy.
Đứng yên hay giúp đỡ?
Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có thể giúp đỡ lẫn nhau để tránh khỏi các nguy cơ, trở thành những công dân thông minh và an toàn trên thế giới ảo. Bởi các em có thể ngần ngại và không chia sẻ thế giới mạng của mình với người lớn, nhưng rất dễ dàng kết nối và chia sẻ với những người cùng lứa.
Thông qua đó, hy vọng các phụ huynh và thầy cô dạy bé biết cách làm sao để giúp đỡ khi thấy một người bạn của mình là nạn nhân của một mối nguy trên mạng như: Bày tỏ sự cảm thông khi bạn mình bị bắt nạt, nói chuyện riêng khi thấy bạn mình gặp vấn đề, hay giúp bạn tìm đến sự giúp đỡ của người lớn đáng tin cậy.
>>> Cách dạy trẻ tự kỷ tốt nhất: Gợi ý để ba mẹ luôn đồng hành cùng con