Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em dễ dẫn tới nhiễm trùng thận và một số biến chứng nguy hiểm khác nếu trẻ không được điều trị sớm. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng bệnh, cách điều trị cũng như phương pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ.
1. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em
Vi khuẩn ở da và phân xâm nhập và tấn công đường tiết niệu, gây ra tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau, trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em có thể kể đến như:
– Hẹp bao quy đầu ở các bé trai: Khi xảy ra tình trạng này, nước tiểu thường bị ứ đọng lại và khiến cho vi khuẩn có cơ hội phát triển, sinh sôi và gây bệnh.
– Dị tật bẩm sinh ở các cơ quan trong hệ tiết niệu dẫn đến ứ nước tiểu và từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
– Tình trạng suy giảm miễn dịch của trẻ cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc phải những bệnh về nhiễm khuẩn, trong đó bao gồm nhiễm khuẩn đường hô hấp và nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
– Trẻ bị sỏi niệu quản, sỏi bàng quang,… cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiểu.
– Trẻ chưa biết cách vệ sinh vùng kín cũng dễ dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Thường gặp nhất là những trường hợp bé gái có thói quen vệ sinh vùng kín bằng cách lau từ sau ra trước.
– Trẻ uống ít nước và thường xuyên nhịn tiểu.
2. Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em và một số triệu chứng thường gặp
Việc nhận biết sớm triệu chứng bệnh để đưa trẻ đi khám và chữa bệnh kịp thời là yếu tố rất quan trọng để tăng hiệu quả điều trị bệnh:
– Đối với những trẻ lớn: Bệnh thường gây ra một số biểu hiện như đau bụng dưới, đau lưng hay đau một bên hông, trẻ đi tiểu nhiều lần và thường tiểu gấp, có lẫn máu trong nước tiểu. Khi bị mất kiểm soát bàng quang, trẻ có thể đái dầm.
– Đối với trẻ nhỏ: Những biểu hiện bệnh thường không rõ ràng và khó nhận biết. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám khi thấy trẻ có những biểu hiện như thường xuyên quấy khóc, sốt, bỏ bú,…
– Một số triệu chứng khác:
+ Trẻ bị đau, nóng rát khi đi tiểu.
+ Nước tiểu có màu đục hoặc có mùi hôi.
+ Trẻ thường xuyên đi tiểu gấp nhưng lượng tiểu mỗi lần rất ít, đôi khi chỉ vài giọt.
+Buồn nôn hoặc nôn.
+ Tiêu chảy.
+ Sốt.
Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng như áp xe thận, suy giảm chức năng thận, sưng thận, nhiễm trùng huyết và thậm chí gây tử vong.
3. Cách điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ
Tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em thường được điều trị bằng các loại kháng sinh. Các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho trẻ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và loại vi khuẩn gây bệnh.
Mẹ cho trẻ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
– Với những trường hợp nhiễm trùng không quá nghiêm trọng, trẻ chỉ cần điều trị bằng kháng sinh đường uống tại nhà. Trong quá trình điều trị tại nhà cho trẻ, mẹ cần lưu ý những vấn đề như sau:
+ Cho trẻ uống thuốc đúng giờ và đúng liều lượng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
+ Cho trẻ uống đủ nước và bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng để giúp trẻ nâng cao sức đề kháng.
+ Hướng dẫn cho trẻ vệ sinh vùng kín đúng cách.
+ Theo dõi các biểu hiện của trẻ. Nếu xảy ra bất thường thì mẹ cần liên hệ sớm với bác sĩ điều trị. Nếu những biểu hiện sốt cao, quấy khóc, nôn, thay đổi lượng nước tiểu,… thì mẹ nên đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước mỗi ngày
+ Tái khám theo lịch hẹn.
– Nếu mức độ nhiễm trùng nặng, trẻ cần nhập viện để truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Mẹ cần đưa trẻ đến nhập viện sớm nếu:
+ Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
+ Trẻ liên tục sốt cao, khó cắt sốt.
+ Trẻ không thể dùng thuốc uống, nôn mửa thường xuyên, bị mất nước,…
4. Phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em bằng cách nào?
Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
– Hạn chế cho trẻ tắm bồn. Nguyên nhân là vì khi tắm bồn, vi khuẩn và xà phòng rất dễ xâm nhập vào niệu đạo và gây bệnh.
– Không nên mắc quần áo và đồ lót quá chật. Nên ưu tiên lựa chọn chất lượng vải thấm hút tốt.
– Cho trẻ uống đủ nước.
– Không nên cho trẻ uống đồ uống có chứa caffeine để tránh làm kích ứng bàng quang.
– Đối với trẻ nhỏ, mẹ cần chú ý thay tã cho trẻ. Đối với trẻ lớn, mẹ cần dạy trẻ cách vệ sinh vùng kín, nên lau từ trước ra sau, nhất là sau khi đi đại tiện.
– Khuyên trẻ không nên nhịn tiểu.
>>> Viêm niệu đạo điều trị ra sao?
>>> Dấu hiệu bệnh nam khoa từ triệu chứng tiểu đêm nhiều lần