Nhiều bậc phụ huynh có thói quen so sánh con mình với người khác hoặc đôi khi là với anh chị em của bé. Cha mẹ xem đây là một chiêu “khích tướng” hiệu quả giúp con tiến bộ hơn khi nhận ra điểm yếu của bản thân. Tuy nhiên, với những đứa trẻ đang lớn với tâm hồn nhạy cảm, khi bị so sánh đồng nghĩa với việc cha mẹ không ghi nhận năng lực và giá trị của chúng, từ đó gây phản tác dụng và nhiều hậu quả khác.
Vậy cùng tìm hiểu lý do vì sao không nên so sánh con mình với con người khác để có cách khích lệ con phù hợp hơn và tránh mắc phải sai lầm trong cách nuôi dạy con, cha mẹ nhé!
1. Tại sao cha mẹ hay so sánh con mình với người khác?
Việc so sánh con mình với người khác của nhiều bậc phụ huynh đôi khi chỉ là vô tình hoặc do thói quen giao tiếp. Tuy nhiên, sự vô tình của cha mẹ lại có thể gây ra những tổn thương tinh thần nặng nề cho những đứa con của họ. Một số bậc cha mẹ cố tình dùng chiêu so sánh để kích thích trẻ có tâm lý hơn thua và cố gắng để vượt qua người mà cha mẹ đang đánh giá cao hơn mình. Đây vốn là chiêu “khích tướng”, có thể hiệu quả trong một vài trường hợp nhưng cũng là “con dao hai lưỡi” vì có thể phản tác dụng bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, đáng nói nhất là không ít bậc phụ huynh ngày nay bị áp lực thành tích. Họ luôn muốn con mình tốt hơn nữa và cần phải xếp thứ hạng cao hơn bè bạn cùng trang lứa. Đây chính là trường hợp đáng ngại nhất vì cùng với việc so sánh là tâm lý bực tức, không hài lòng và đôi khi là phủ nhận mọi sự nỗ lực của con.
Một số phụ huynh so sánh con mình với người khác xuất phát từ tâm lý so sánh bản thân với người khác. Họ không muốn những bậc phụ huynh khác hơn mình. Họ luôn muốn tự hào trong các buổi họp phụ huynh khi con mình luôn được biểu dương, luôn trong top đầu.
2. Tác động tiêu cực của việc so sánh con mình với người khác
Theo các chuyên gia tâm lý, việc cha mẹ so sánh con mình với người khác có thể tác động tiêu cực lên đứa trẻ. Những ảnh hưởng mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra nhất như:
2.1. Đứa trẻ khi bị so sánh sẽ thấy buồn bã, giảm lòng tự trọng
Khi cha mẹ đánh giá người khác cao hơn con mình, đứa trẻ sẽ thấy sự cố gắng của mình không được cha mẹ ghi nhận. Con sẽ thấy buồn, giảm lòng tự trọng. Lâu dần, trẻ sẽ bắt đầu tin là mình thực sự yếu kém, bản thân không có năng lực và hình thành tâm lý thiếu tự tin vào bản thân.
2.2. So sánh có thể khiến con bạn bất cần
Một lý do khác để các bậc cha mẹ không nên so sánh con mình với người khác đó chính là việc bị so sánh liên tục có thể tạo tâm lý bất cần ở trẻ. Khi trẻ đã nỗ lực nhưng không được ghi nhận, trẻ sẽ nghĩ sự cố gắng của mình là vô nghĩa. Và phản ứng thường gặp là trẻ sẽ bất cần, không muốn phấn đấu nữa vì dù sao mình cũng không thể làm hài lòng cha mẹ.
2.3. Trẻ chịu áp lực tâm lý nặng nề
Một đứa trẻ sẽ cảm thấy gánh nặng tâm lý nếu liên tục bị so sánh. Trẻ sẽ luôn phải gồng mình lên để cố gắng hết sức nhằm đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ. Việc này sẽ khiến con lo lắng, mất ngủ hay gây ra những rối loạn tâm lý hoặc thậm chí là trầm cảm. Khi sức khỏe tinh thần giảm sút thì sức khỏe thể chất hay kết quả học tập của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Hãy ngồi lại và nói chuyện với nhau, tìm hiểu xem vì sao thành tích của con chưa được tốt cũng như tìm ra giải pháp hiệu quả và phù hợp.
2.4. Trẻ mất đi tuổi thơ ngắn ngủi vì học quá nhiều
Một số trẻ vì mong muốn được cha mẹ ghi nhận nên lao vào học một cách không kiểm soát. Trẻ không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn và đánh mất đi khoảng thời gian tuổi thơ tươi đẹp nhưng ngắn ngủi. Trẻ cũng không có thời gian để khám phá thế giới xung quanh và trau dồi các kỹ năng sống khác. Khi đó, dù có trở thành một đứa trẻ có thành tích học tập cao nhưng trẻ vẫn không có cơ hội để rèn luyện kỹ năng sống.
2.5. So sánh giữa những đứa con trong gia đình sẽ gây đố kỵ
Nếu bạn đem con ra so sánh với nhau thì thay vì ngưỡng mộ anh chị em giỏi hơn, trẻ sẽ bắt đầu bí mật nuôi dưỡng suy nghĩ ganh ghét. Trẻ có thể cho rằng cha mẹ đang thiên vị và dẫn đến tổn thương tâm lý của trẻ sâu sắc, từ đó sẽ nảy sinh đố kỵ. Trẻ sẽ hình thành sự ganh ghét dẫn đến hành động tiêu cực, thái độ không đúng chẳng hạn như trêu chọc, mỉa mai và thậm chí là đánh nhau.
2.6. Tạo khoảng cách giữa cha mẹ và con cái
Trẻ khi bị so sánh sẽ tổn thương tinh thần, ban đầu có thể chỉ là buồn bã và giận dỗi cha mẹ nhưng sau đó sẽ là thái độ tiêu cực chống đối lại bạn. Từ đó bé sẽ tạo khoảng cách với gia đình, xa lánh cha mẹ, con cũng cảm thấy cô đơn, lạc lõng hơn. Điều này làm sứt mẻ tình cảm gia đình. Khi trẻ không được sống trong gia đình vui vẻ và hạnh phúc, cảm xúc tiêu cục có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng về tâm lý, sự phát triển tính cách và hành vi của con về sau
3. Thay vì so sánh con mình với người khác, cha mẹ nên làm gì?
Rõ ràng, các bậc phụ huynh không nên so sánh con mình với người khác vì những lý do như đã nói ở trên. Theo các chuyên gia tâm lý, thay vì so sánh, cha mẹ nên làm những việc sau:
- Luôn ghi nhận và đánh giá cao mọi nỗ lực cũng như sự cố gắng của con dù là nhỏ nhất để con có cảm giác tự tin hơn, tạo động lực phấn đấu nhiều hơn nữa.
- Thay vì so sánh, cha mẹ nên hướng dẫn con biết cách đặt mục tiêu và hỗ trợ, tạo điều kiện để con đạt được mục tiêu đó.
- Khuyến khích trẻ khắc phục điểm yếu: Có thẻ trẻ chưa nhận ra khuyết điểm của mình, bé luôn muốn được người lớn hướng dẫn và giúp đỡ. Vì thế, thay vì chỉ trích và so sánh, bạn nên bình tĩnh phân tích giúp con biết con nên làm gì và làm như thế nào với điều kiện là hãy sử dụng từ ngữ, thái độ tích cực nhất.
- Cha mẹ nên kỳ vọng vào con cái để tạo niềm tin và thái độ tích cực cho con nhưng sự kỳ vọng cần thực tế. Nếu con có khả năng về ngôn ngữ, bạn không thể ép con học chơi cờ khi chúng không thích… Mọi sự kỳ vọng đều cần căn cứ vào năng lực, sở thích và thế mạnh của con.
Tóm lại, cha mẹ không nên so sánh con mình với người khác. Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ, tìm hiểu sự phát triển tâm lý theo lứa tuổi để biết cách giao tiếp với con một cách hiệu quả nhất bạn nhé!
>>> Cách dạy con ngoan: Những điều cần tránh