Thai nhi 11 tuần, em bé của bạn đã chính thức được gọi là bào thai với sự phát triển rõ nét của các cơ quan. Mẹ cũng xuất hiện nhiều những thay đổi đặc trưng như ốm nghén, táo bón trong tuần thai thứ 11. Cùng nhau tìm hiểu những sự thay đổi của mẹ và bé ở giai đoạn này để chuẩn bị sẵn sàng cho một thai kì khỏe mạnh bạn nhé.
1. Sự phát triển của thai nhi 11 tuần
Thai nhi 11 tuần tuổi sẽ có kích thước của một quả dâu tây với chiều dài đầu mông trong khoảng 4.1 – 4.5cm và cân nặng trung bình là 10g.
Bộ não và hệ thần kinh gần như đã phát triển xong. Các cơ và dây thần kinh hiện đang bắt đầu hoạt động cùng nhau nên em bé bắt đầu thực hiện những chuyển động nhỏ trong tử cung của bạn.
Tuần 11 của thai kỳ, cấu trúc tim thai đã có 4 vách ngăn, mặc dù chưa thật sự hoàn chỉnh. Nhịp tim thai nhi 11 tuần tuổi trung bình khoảng 120 – 140 lần/phút. Nhịp tim của bé đã giảm hơn so với nhịp tim ở tuần 9, tuần 10 trước đó.
Nếu như ở các tuần trước, tay chân của bé còn ở dạng mái chèo, thì sang đến tuần thứ 11 các ngón tay và ngón chân của bé đã xuất hiện. Đầu và phần thân của thai nhi phát triển hơn rất nhiều so với các tuần trước đó. Độ dài của phần đầu thai nhi 11 tuần bằng khoảng ½ chiều dài cơ thể.
Lúc này khuôn mặt của thai nhi cũng có khá nhiều thay đổi. Mí mắt của bé nhắm chặt, hai mắt của bé tách khá xa nhau trong khi khuôn mặt của bé có xu hướng rộng lên.
Tai của bé đã có hình dáng gần giống với tai của người trưởng thành. Trong mũi của thai nhi đã có đường khí đạo giúp hỗ trợ việc tự thở bằng mũi của bé ngay sau khi ra đời.
Để thích ứng với sự tăng trưởng này, các mạch máu trong nhau thai đang gia tăng cả về quy mô và số lượng để cung cấp cho bé thật nhiều chất dinh dưỡng.
Mặc dù cơ quan sinh sản của bé đang phát triển nhanh chóng, bộ phận sinh dục bên ngoài của bé sẽ chưa xuất hiện cho đến hết thai kỳ tuần 11 và chúng sẽ được phân biệt rõ ràng khi bé ở tuần tuổi thứ 14.
2. Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ ở tuần thai thứ 11
Theo các chuyên gia sản khoa, khi mang thai 11 tuần, cơ thể mẹ bầu thường có các thay đổi sau:
- Ốm nghén, buồn nôn và nôn thuyên giảm: Bây giờ mẹ sẽ cảm thấy mình có lại được một chút ít năng lượng và các triệu chứng buồn nôn có thể bắt đầu giảm bớt. Đừng lo lắng nếu việc buồn nôn làm cho bạn không thể ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh hoặc bạn vẫn chưa tăng cân nhiều (hầu hết phụ nữ chỉ tăng được 1–2,5kg trong suốt 3 tháng đầu thai kỳ, có khi lại đứng cân hoặc thậm chí giảm cân nặng). Cảm giác thèm ăn của bạn có thể sẽ sớm trở lại và từ lúc đó bạn sẽ bắt đầu tăng lên 0,5kg mỗi tuần.
- Vấn đề tiêu hóa: Mẹ bầu mang thai 11 tuần cũng có thể bị táo bón do hormone làm chậm tiêu hóa và có thể ợ nóng do hormone làm giãn van giữa dạ dày và thực quản.
- Sự thay đổi ở làn da – tóc: Da mặt bạn sẫm màu hoặc có các mảng màu nâu – hiện tượng này được gọi là nám da khi mang thai hoặc “mặt nạ thai kỳ”. Bên cạnh đó, làn da của mẹ bầu cũng trở nên nhờn hơn, nhiều đốm nâu hơn. Ở giai đoạn này của thai kỳ, đa số các mẹ bầu sẽ nhận thấy mái tóc trở nên dày và bóng hơn.
- Xuất hiện các cơn đau vùng bụng: Ở thời điểm này của thai kỳ, vòng bụng của bạn bắt đầu phình ra một chút, các cơ và dây chằng sẽ căng ra và điều này có thể khiến bạn cảm thấy bị đau quanh bụng. Nếu đau nhiều, hãy đi khám càng sớm càng tốt.
- Nhiệt độ cơ thể tăng cao: Cơ thể bạn hiện đang bơm máu nhiều hơn bình thường tới 50%. Lượng máu này để nuôi tử cung nhưng lại cũng có thể khiến bạn cảm thấy nóng, đổ mồ hôi và chóng mặt. Do đó, hãy sắp xếp thời gian để có những khoảng nghỉ ngơi hợp lý.
- Chuột rút: Khi mang thai 11 tuần, các mẹ bầu cũng có thể bị chuột rút ở chân. Cách giải quyết tình trạng này hiệu quả là hãy ăn nhiều thực phẩm giàu canxi hơn như sữa, sữa chua và phô mai. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng bạn vận động thể chất thường xuyên và đầy đủ cường độ nhẹ nhàng đều đặn hàng ngày hoặc ít nhất 3 lần/tuần.
Tâm trạng: Ở những tuần trước của thai kỳ, em bé được nuôi dưỡng bằng túi noãn hoàn, nhưng từ thời điểm này nhau thai sắp đảm nhận vai trò này. Nhau thai sẽ đảm nhiệm vai trò cung cấp dưỡng chất nuôi em bé và loại bỏ chất thải. Trong khi quá trình chuyển đổi diễn ra, các hormone liên quan có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và dễ xúc động, cảm xúc thay đổi.
3. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu ở tuần thứ 11
Có thể thấy rằng, sự phát triển của thai nhi ở tuần thứ 11 khá rõ nét. Và để sự phát triển của con ngày một tốt hơn, chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu là một yếu tố cần thiết:
- Vitamin B6: Giúp mẹ hạn chế tình trạng ốm nghén. Vitamin B6 có nhiều trong khoai tây, chuối, đậu, cà chua, gà, trứng,…
- Canxi, sắt: Giúp mẹ hạn chế tình trạng thiếu máu và sinh non. Canxi và sắt có nhiều trong sữa bầu, các chế phẩm từ sữa và các loại thịt đỏ.
- Chất xơ: Giúp mẹ tiêu hóa tốt hơn và phòng ngừa táo bón thai kỳ hiệu quả. Chất xơ có nhiều trong rau xanh và các loại hạt, ngũ cốc.
- Vitamin C: Giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cả mẹ và bé. Vitamin C có nhiều trong các loại hoa quả, đặc biệt là hoa quả có vị chua như: cam, quýt, kiwi, cherry,…
Sự phát triển của thai nhi phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng đầy đủ, vì vậy mẹ hãy cố gắng bổ sung thật nhiều dưỡng chất nhé!
>>> Thai nhi 12 tuần phát triển như thế nào?