Thai nhi 13 tuần là mốc đánh dấu những thay đổi rõ rệt về sự phát triển của bé. Đây cũng là lúc triệu chứng ốm nghén giảm dần, cơ thể mẹ trở nên khỏe khoắn hơn. Vậy sự thay đổi đó diễn ra như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Sự phát triển của thai nhi 13 tuần
Bước sang tuần thứ 13 của thai kỳ, thai nhi đã lớn gần bằng quả đậu Hà Lan, cân nặng khoảng 21.3g và chiều dài trung bình khoảng 7.72cm. Cơ thể bé lúc này dài hơn và không còn uốn cong như trước nữa.
Mắt và tai của thai nhi đã được lộ rõ nhưng phần mí mắt vẫn khép chặt để bảo vệ cho đôi mắt còn trong giai đoạn phát triển. Đây cũng là thời điểm thai nhi hình thành 3 xương nhỏ ở tai và bé đã có thể nghe được âm thanh bên ngoài bụng mẹ. Vì thế, bắt đầu từ thời điểm này mẹ hãy trò chuyện, cho con nghe nhạc để tăng gắn kết và giúp bé phát triển thính giác tốt nhất.
Xung thần kinh não dần phát triển, vì vậy, cơ mặt của thai nhi có nhiều nét hơn như nheo mắt, cau mày, nhăn mặt…
Tay và chân: mô xương ở phần chân, tay và đầu của thai nhi đã phát triển hơn nhiều. Qua siêu âm có thể nhận thấy chiều dài cánh tay bé khá cân đối so với toàn thân. Bé cũng đã biết đá và cong tay lại.
Mặc dù mẹ không thể cảm nhận được các hoạt động chân tay của bé nhưng so với thời điểm trước đó thì thai nhi đã linh hoạt hơn rất nhiều. Không những thế, thai nhi 13 tuần cũng đã có vân tay ở ngón tay và đây chính là dấu vân tay đi theo bé trong suốt cuộc đời.
Khi bước vào mốc 13 tuần, toàn thân thai nhi đã được bao phủ bởi một lớp lông tơ mịn. Gan của bé bắt đầu bước vào quá trình tạo mật và lá lách cũng đã tham gia vào quá trình sinh ra hồng cầu. Hệ tiêu hóa cũng đang dần hoàn thiện.
Bên cạnh đó, các mạch máu và các cơ quan nội tạng của thai nhi cũng được nhìn rõ ràng qua da của thai nhi. Một đặc điểm quan trọng khác cũng xuất hiện trong thời điểm này, đây cũng là dấu hiệu thai nhi 13 tuần khỏe mạnh, đó là thai nhi bắt đầu hoạt động uống nước ối và bài xuất nước tiểu, quá trình này tạo thành chu kỳ. Cùng với đó, phân su cũng bắt đầu được hình thành. Phân su có màu đen, dính và tồn tại trong đại tràng của thai nhi, cha mẹ có thể nhìn thấy khi trẻ đi ngoài lần đầu tiên sau khi trẻ chào đời.
2. Các chỉ số thai nhi 13 tuần
Ngoài quan tâm đến chiều dài và cân nặng của bé, mẹ có thể tham khảo thêm một vài chỉ số của thai nhi 13 tuần dưới đây:
- Chiều dài đầu mông (CRL): 74 mm
- Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 25mm
- Chiều dài xương đùi (FL): 11mm
- Chu vi đầu (HC): 84mm
- Chu vi vòng bụng (AC): 69mm
3. Sự thay đổi của mẹ khi mang thai 13 tuần
Khi bước vào giai đoạn thai nhi 13 tuần tuổi, các mẹ có thể cảm nhận được bụng mình đã to hơn. Lúc này cơ thể mẹ đã có những thay đổi về thể chất và cảm xúc như:
Về thể chất
Cơ thể mẹ bầu sẽ có những thay đổi về thể chất như:
- Trong tuần thứ 13 của thai kỳ, mẹ có thể bị sổ mũi hoặc chảy máu mũi do các tĩnh mạch căng lên. Các mẹ không nên quá lo lắng, chỉ cần nghỉ ngơi máu sẽ ngừng chảy.
- Vùng ngực và núm vú sẽ nhạy cảm hơn, thường xuyên đau nhức khi thai nhi 13 tuần. Các mẹ nên chọn áo ngực phù hợp để cảm thấy thoải mái hơn.
- Dịch tiết âm đạo sẽ ra nhiều và thường xuyên hơn. Dịch âm đạo có màu trắng đục, loãng và đôi khi có mùi nhẹ. Điều này là do lượng estrogen và lượng máu gây áp lực lên vùng xương chậu. Nếu các mẹ có bất kỳ dấu hiệu lạ hay vấn đề về dịch tiết âm đạo, hãy thảo luận với bác sĩ.
- Cơ thể mẹ bầu bớt mệt mỏi: Lúc này, cơ thể mẹ bầu sau khi trải qua 3 tháng đầu thai kỳ đã trở nên thích nghi hơn với việc mang thai, vì vậy sự mệt mỏi của mẹ bầu giảm bớt.
- Thay đổi về khẩu vị: Vào thời điểm này, khẩu vị của mẹ bầu có thể có nhiều thay đổi so với trước khi mang thai. Các mẹ cũng không nên quá ép bản thân ăn những món ăn mình sợ vì nghĩ chúng tốt cho sức khỏe mẹ và bé. Các mẹ hãy cố gắng chọn những món ăn mình cảm thấy yêu thích và tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Trào ngược dạ dày – thực quản: Khi mang thai, mẹ bầu thường xuyên gặp tình trạng trào ngược dạ dày thực quản gây nên cảm giác khó chịu, bỏng rát ở ngực. Để hạn chế tình trạng này, các mẹ bầu cần tránh những đồ ăn thức uống dễ làm khởi phát cơn chuyển dạ như rượu bia, cafein, cam chanh, đồ cay nóng…
- Táo bón: Dưới sự thay đổi của nội tiết tố cũng như chế độ ăn uống, mẹ bầu thường xuyên gặp phải tình trạng táo bón. Để cải thiện tình trạng này, mẹ bầu nên tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, rau củ quả, trái cây…
- Chóng mặt: Trong quá trình mang thai, mẹ bầu có thể gặp tình trạng chóng mặt. Để hạn chế tình trạng này, mẹ bầu cần tránh thay đổi tư thế quá nhanh, khi cảm thấy chóng mặt, hãy nhanh chóng nằm xuống hay ngồi cúi đầu giữa 2 gối.
Về cảm xúc
- Trong thời gian này, các mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn với mọi thứ xung quanh. Mẹ bầu hãy tận hưởng bằng cách thư giãn với các tư thế yoga, massage hoặc tập thể dục dưới nước.
- Khi thai nhi 13 tuần, áp lực máu tăng lên ở khu vực xương chậu làm các mẹ có nhu cầu về tình dục. Trong trường hợp này, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về việc quan hệ trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Kiêng cữ tình dục trong giai đoạn này là cần thiết để tránh nguy cơ sinh non và sảy thai.
4. Mẹ bầu cần lưu ý những gì để có thai kì khỏe mạnh
Để theo dõi sự phát triển của thai, giúp thai trải qua quãng thời gian 9 tháng 10 ngày an toàn nhất có thể, thai phụ cần:
- Tầm soát một số dị tật cho thai bằng việc siêu âm 4D vào các mốc quan trọng.
- Tầm soát tiểu đường thai kỳ, tránh gây những biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé.
- Kiểm soát cân nặng hợp lý tùy theo thể trạng trước khi mang thai của mẹ.
- Nắm được các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là các dấu hiệu dọa sinh non nhất là trên những mẹ bầu đa thai, mẹ bầu có tiền sử sinh non hay sảy thai để có biện pháp xử trí giữ thai kịp thời.
- Khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của các bác sĩ chuyên khoa.
>>> Thai nhi 14 tuần phát triển như thế nào?