Thai nhi 20 tuần phát triển như thế nào?

0
0

Thai nhi 20 tuần tuổi đồng nghĩa với việc mẹ đã đi được một nửa hành trình mang thai rồi đấy! Điều thú vị là lúc này, những chiếc răng nhỏ của bé đang bắt đầu hình thành và hiện tại bạn vẫn đang trong giai đoạn thoải mái nhất của thai kỳ và bé cưng của bạn thì vẫn đang lớn lên từng ngày trong bụng.

1. Sự phát triển của thai nhi 20 tuần

Thai nhi 20 tuần phát triển như thế nào?
Thai nhi 20 tuần phát triển như thế nào?

So với thai nhi 19 tuần tuổi thì ở tuần này kích thước của bé đã lớn hơn rất nhiều. Cụ thể, bé nặng khoảng 280gr và dài khoảng 16,5cm, tương đường với một trái xoài.

Ở tuần thứ 20 của thai kỳ, mặc dù bộ phận sinh dục bên ngoài vẫn đang hình thành nhưng mẹ vẫn có thể biết được giới tính của bé thông qua kết quả siêu âm ở tuần thứ 18 đến 22:

  • Nếu thai nhi là bé gái, thời điểm này tử cung của bé đã được hình thành, đồng thời ống âm đạo bắt đầu phát triển. Số lượng trứng trong buồng trứng đạt cực đại khoảng 7 triệu quả, con số này sẽ giảm dần khi sinh và cho đến suốt cuộc đời.
  • Bé trai: Nếu thai nhi là bé trai, mẹ có thể nhìn thấy hình ảnh dương vật qua siêu âm, inh hoàn vẫn nằm trong ổ bụng, chuẩn bị di chuyển đến vùng bẹn. Tuy nhiên, tinh hoàn thường không xuống bìu cho đến tam cá nguyệt thứ ba.

Ngoài phát triển hệ sinh sản, thai nhi 20 tuần khỏe mạnh còn phát triển các đặc điểm như:

  • Được bao phủ bởi lớp sáp trắng vernix để bảo vệ da bé khỏi nước ối. Bên dưới lớp sáp, da bé sẽ dày lên và hình thành nhiều lớp. Một trong số những lớp đó chứa các đường kẻ về sau sẽ tạo nên nét riêng của dấu vân tay, bàn tay và chân.
  • Tóc, móng, lông mày và mi đã bắt đầu xuất hiện.
  • Tim đập với tốc độ 120 – 160 nhịp mỗi phút
  • Các tuyến mồ hôi bắt đầu hình thành, bắt đầu thải ra phân su màu xanh đậm hoặc đen
  • Chân bé dường như đã duỗi thẳng, có thể thực hiên được các động tác nhào lộn, chuyển động đạp và huých trong bụng mẹ.
  • Thính giác dù chưa phát triển hoàn thiện nhưng thai nhi đã có thể nghe những âm thanh như tiếng tim đạp, nhạc thai giáo hoặc là giọng nói của ba mẹ.

Thời điểm hiện tại bé đã bắt đầu “giao tiếp” với mẹ thông qua những cử động tay, chân, nhào lộn…. Đây là dấu hiệu cho thấy bé đã chuyển sang giai đoạn phát triển quan trọng của não bộ. Từ thời điểm này đến cuối thai kỳ, não sẽ tăng gấp 6 lần về kích thước lẫn khối lượng, tế bào não hình thành những kết nối phức tạp, tốc độ hoàn thiện về cấu trúc và chức năng cũng sẽ nhanh hơn.

Tế bào thần kinh cũng sẽ bắt đầu chuyên biệt hóa cho 5 giác quan (vị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác và thị giác).

2. Các chỉ số thai nhi 20 tuần

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ (American Pregnancy Association – APA) công bố, dưới đây là các chỉ số chuẩn trong tuần thứ 20 mẹ cần lưu ý:

  • Chỉ số đường kính lưỡng đỉnh (BPD): từ 40 – 52mm, trung bình là 46mm.
  • Chiều dài xương đùi của thai nhi (FL): từ 30 – 36mm, trung bình là 31mm.
  • Chu vi bụng của bé (AC): từ 139 – 179mm, trung bình là 159mm.
  • Chu vi đầu của thai nhi (HC): từ 167 – 187mm, trung bình là 177mm.
  • Cân nặng thai nhi ước tính (EFW): từ 257g – 387g, trung bình là 331g.

3. Những thay đổi của mẹ khi thai nhi 20 tuần

Không chỉ tìm hiểu về việc thai nhi 20 tuần nặng bao nhiêu hay phát triển như thế nào, nhiều mẹ bầu cũng quan tâm đến những thay đổi của cơ thể khi mang thai ở tam cá nguyệt thứ hai.

3.1. Thay đổi về cơ thể

Tháng thứ 5 của thai kỳ được coi là giai đoạn thoải mái với mẹ bầu vì cơ thể cũng chưa quá nặng nề và tình trạng nghén cũng không còn nữa. Tuy nhiên, cơ thể mẹ vẫn có những sự thay đổi có thể nhìn thấy rõ như:

  • Mẹ bầu có thể bị mụn trong tuần thứ 20 của thai kỳ do nội tiết thay đổi hoặc có thể do ăn các loại thức ăn chứa dầu mỡ, cay nóng. Trong trường hợp này, mẹ tuyệt đối không dùng bất kỳ thuốc trị mụn dạng uống hay ngoài da khi chưa có sự cho phép của bác sĩ, vì có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
  • Trong giai đoạn này, các mẹ cũng có nguy cơ cao bị giãn tĩnh mạch do sự phát triển nhanh chóng của thai nhi làm gia tăng áp lực lên mạch máu ở chân mẹ, nhất là với các mẹ có người trong gia đình bị giãn tĩnh mạch. 
  • Sự thay đổi có thể cảm nhận rõ ràng đó là móng tay của mẹ khỏe hơn và tóc mọc nhanh , dày hơn bình thường. Nguyên nhân là vì các hormone thai kỳ đã kích thích sự gia tăng tuần hoàn và bổ sung nguồn dinh dưỡng cho tóc, móng phát triển.
  • Mẹ bầu có thể gặp vấn đề về ợ nóng, khó tiêu ở tháng thứ 5. Lý do là vì tác động của nội tiết tố giới tính duy trì thai gây giãn các dây chằng ở khung xương chậu và giãn cơ thành ruột, cản trở cho hoạt động của hệ tiêu hóa.
  • Khi thai nhi 20 tuần, mẹ bầu có thể gặp triệu chứng khó thở do dung tích phổi thu lại. 
  • Chứng táo bón trong giai đoạn này cũng biểu hiện rõ ràng với tần suất dày đặc hơn. Để phòng trường hợp này các mẹ cần bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ và uống nhiều nước.
  • Chân và mắt cá chân cũng có dấu hiệu sưng lên do cơ thể đang tích nước gấp đôi bình thường. Đặc biệt xảy ra cả hiện tượng phù nề chân nếu mẹ bầu thường xuyên đứng lâu.
  • Khi thai nhi 20 tuần, tử cung phát triển và mở rộng gây ra áp lực lên thành bụng khiến rốn trở nên phẳng hoặc thậm chí lồi ra ngoài.

3.2. Thay đổi về cảm xúc

Mẹ bầu có nguy cơ bị đãng trí cao hơn khi thai nhi 20 tuần tuổi. Các mẹ dễ bực bội, cáu gắt hơn do thay đổi nội tiết. Cách để quản lý cảm xúc tốt nhất lúc này đó là nghỉ ngơi, đừng quá khắt khe với bản thân mà hãy luôn nghĩ theo chiều hướng tích cực và lành mạnh.

4. Mẹ cần lưu ý những gì?

Đi khám thai ở tuần 20 là cách để xem bé đang phát triển như thế nào và bảo đảm rằng tất cả mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Siêu âm vào ba tháng giữa của thai kỳ cũng giúp bác sĩ biết rõ tình hình sức khỏe tổng thể của bé và việc mang thai của bạn.

Ở thời điểm này, bác sĩ có thể xem xét chọc ối nếu các xét nghiệm tầm soát đã thực hiện cho thấy có vấn đề bất thường về thai nhi. Khi chọc ối, một mẫu dịch ối sẽ được lấy từ vị trí quanh bé. Mẫu này sẽ được kiểm tra để xem bé có bất thường về di truyền, chẳng hạn như hội chứng Down hay không.

>>> Thai nhi 21 tuần phát triển như thế nào?

0
0