Thai nhi 25 tuần phát triển như thế nào?

0
0

Khi thai nhi 25 tuần tuổi cũng là lúc em bé trong bụng mẹ bắt đầu trở nên năng động hơn. Mẹ bầu cũng sẽ cảm nhận được những thay đổi nhất định về thai nhi và cả về sức khỏe và tinh thần của mình. Hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu thai nhi 25 tuần phát triển như thế nào và mẹ bầu cần lưu ý những gì trong giai đoạn này.

1. Sự phát triển của thai nhi 25 tuần

Thai nhi 25 tuần tuổi có kích thước tương đương một bắp ngô
Thai nhi 25 tuần tuổi có kích thước tương đương với 1 bắp ngô

Vào tuần thai thứ 25, thai nhi sẽ nặng khoảng 756 gram, dài tầm 33.7 cm, kích thước tương đương với một quả bắp ngô. Vì thai 25 tuần còn khá nhỏ nên em bé vẫn xoay chuyển khá tự do trong bọc ói, chưa thể định hình được ngôi thai chuẩn bị cho tư thế chào đời.

Ở thời điểm này, bé đang bắt đầu tích mỡ, khiến da bé mượt mà và nhìn bé mũm mĩm hơn. Với một số bé phát triển tóc sớm thì ở tuần thai này, màu và chất tóc của bé bắt đầu hiện rõ, các dấu nếp gấp ở lòng bàn tay cùng với dấu vân tay dần hiện ra. Các phản xạ của bé cũng đang phát triển. Nhờ sự xuất hiện của các mạch máu nhỏ trên da giúp tăng cường lưu lượng máu di chuyển dưới da sẽ giúp bé trông hồng hào hơn.

Thai nhi 25 tuần tuổi rất thích nhảy múa và nô đùa trong bụng mẹ, bé cũng có thể nghe được giọng nói của mẹ và các âm thanh khác. Không chỉ thính giác mà các giác quan khác của bé cũng đang phát triển. Điển hình là các tế bào que và tế bào nón thụ cảm thị giác đã được hình thành, giúp bé cảm nhận được ánh sáng dù mí mắt vẫn đóng kín. Khứu giác, phổi và phế quản của bé dần hoàn thiện và phát triển để sẵn sàng cho việc hít thở khi bé chào đời.

Khả năng cảm nhận thăng bằng của thai nhi cũng được kích hoạt ở tuần thai thứ 25, giúp bé biết phân biệt hướng di chuyển lên xuống trong tử cung mẹ, động tác cầm nắm tay của bé cũng linh hoạt hơn trước.

2. Các chỉ số thai nhi 25 tuần

Lúc này các bé đã có sự phát triển gần như đầy đủ các bộ phận trên cơ thể. Dưới đây là một số chỉ số đánh giá về sự phát triển của thai nhi 25 tuần mà ba mẹ có thể tham khảo:

  • Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): chỉ số đường kính lưỡng đỉnh trung bình là 64 mm.
  • Chiều dài xương đùi thai nhi (FL): chiều dài xương đùi thai nhi 25 tuần tuổi trung bình là 44 mm.
  • Khối lượng thai nhi (EFW): khối lượng trung bình là 660g.
  • Chiều dài đầu chân (CRL): chiều dài đầu chân của trung bình là 34.6 mm.
  • Chiều dài bàn chân thai nhi (FT): chiều dài bàn chân trung bình khoảng 46 mm.
  • Chu vi đầu trung bình (HC):  chu vi đầu là 232 mm.
  • Chu vi bụng trung bình (AC): trung bình là 219 mm.

3. Cơ thể mẹ bầu khi mang thai 25 tuần

Cân nặng của mẹ sẽ tăng lên và xuất hiện các triệu chứng mới khác khiến mẹ sẽ thấy mệt mỏi hơn các tuần thai trước, lúc này kích thước tử cung đã lớn bằng một quả bóng đá. Trung bình một mẹ bầu sẽ tăng khoảng 10 – 12kg trong suốt thai kỳ, thậm chí là 11 – 18kg nếu mang song thai. Nhiều thai phụ mới bắt đầu tăng cân ở giai đoạn này, nhưng miễn là cân nặng tăng hợp lý thì những dao động này là hoàn toàn bình thường.

Nhiều phụ nữ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi hơn vào giai đoạn cuối quý thứ hai của thai kỳ, bụng mẹ cũng lớn hơn, khiến mẹ cảm giác bụng trệ xuống, kèm một số triệu chứng như:

  • Tóc dày hơn: do nội tiết thay đổi trong thời gian mang bầu gây ức chế quá trình rụng tóc của mẹ;
  • Hội chứng chân không yên: là khi chân có cảm giác kiến bò hay châm chích ở bàn tay, đùi hoặc cánh tay trong lúc ngủ hay nghỉ ngơi và mẹ thường phải hoạt động chân liên tục để xua đi cảm giác này. Nguyên nhân gây nên hiện tượng này vẫn chưa được làm rõ nhưng có sự liên quan tới tình trạng thiếu hụt folate, sắt và thay đổi nội tiết tố của cơ thể mẹ. Tuy nhiên mẹ cũng đừng quá lo vì hội chứng này sẽ tự biến mất sau khi sinh khoảng 4 tuần.
  • Hội chứng ống cổ tay: Mức hormone thay đổi, cơ thể tích nước gây phù, quá mẫn dây thần kinh và đường huyết dao động là những nguyên nhân dẫn đến hội chứng ống cổ tay như tê tay hoặc cảm giác châm chích trong chốc lát. Các triệu chứng này thường ở mức nhẹ và không làm ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của mẹ bầu.
  • Đầy hơi, ợ nóng và khó tiêu: thai nhi lớn dần nên sẽ chèn ép vào các cơ quan trong hệ tiêu hóa của mẹ khiến axit trong dịch vị dạ dày dễ bị trào ngược lên thực quản;
  • Trĩ: cân nặng thay đổi, em bé nặng hơn kéo theo đó là sự gia tăng số đo vòng bụng tạo áp lực đè lên các tĩnh mạch vùng chậu có thể khiến mẹ bị trĩ, gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

4. Mẹ bầu cần lưu ý những gì ở giai đoạn này?

Thai nhi 25 tuần tuổi đang trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, lúc này mẹ bầu cần chú ý:

  • Tuân thủ các mốc khám thai quan trọng theo lịch hẹn hoặc chỉ định của bác sĩ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
  • Tầm soát dị tật thai nhi qua phương pháp siêu âm do bác sĩ khuyên nên thực hiện;
  • Tầm soát tiểu đường thai kỳ, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
  • Kiểm soát cân nặng của mẹ hợp lý để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi.
  • Hiểu rõ dấu hiệu dọa sinh sớm (đặc biệt ở những người mang đa thai hoặc có tiền sử sảy thai, sinh non) để được điều trị giữ thai kịp thời.
  • Ăn uống lành mạnh và đủ chất sẽ giúp thai nhi trong bụng bạn khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Ngoài ra mẹ bầu cần lưu ý uống đủ nước mỗi ngày.

Hãy thông báo cho bác sĩ ngay khi mẹ gặp phải những cơ gò tử cung, ra máu hay bất kì các triệu chứng bất thường nào khác.

>>> Thai nhi 26 tuần phát triển như thế nào?

0
0