Thai nhi 7 tuần tuổi đang phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt là sự phát triển của não bộ. Điều này khiến đầu của thai nhi phát triển nhanh hơn so với phần còn lại của cơ thể, dẫn đến việc phôi thai có trán lớn, mắt và tai tiếp tục phát triển.
1. Sự phát triển của thai nhi 7 tuần
Theo các chuyên gia sản khoa, thai nhi 7 tuần tuổi có kích thước bằng hạt đậu Hà Lan và đã tăng gấp đôi so với tuần trước. Bây giờ phôi thai đã dài khoảng 1 cm. Đây là chiều dài đầu mông của thai 7 tuần.
Khi thai nhi nằm trong bụng mẹ, tay chân của em bé hơi co vào thân mình, lưng có thể cong hoặc thẳng, đầu khi cúi khi ngửa. Do đó, việc hình dung thai nhi 7 tuần tương đương như một hạt đậu Hà Lan là đang hình dung em bé theo 1 khối co lại và ngắn lại.
Ở giai đoạn này, bé đang nỗ lực để thích nghi với cuộc sống bên trong tử cung. Trong tuần 7, dây rốn có chức năng liên kết bé và bạn đã được hình thành. Dây rốn sẽ cung cấp oxy, chất dinh dưỡng và xử lý chất thải của bé. Không những thế, thai nhi 7 tuần cũng đã có tim thai, khi đi khám, bác sĩ có thể nghe thấy tim thai của bé thông qua siêu âm. Ngoài ra, phổi và đường tiêu hóa của bé vẫn đang tiếp tục phát triển.
Bé dần hình thành với các đường nét mắt, mũi, miệng, tai và một số đặc điểm khác trên khuôn mặt. Tay, chân cũng sẽ phát triển vào cuối tuần 7 và lúc này, trông chúng hệt như những mái chèo nhỏ.
2. Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ
Mang thai sẽ làm cổ tử cung thay đổi khá nhiều. Trong giai đoạn thai kỳ 7 tuần, nút nhầy ở cổ tử cung có nhiệm vụ bảo vệ tử cung và thai nhi bằng cách đóng tử cung lại sẽ hình thành. Nút nhầy này sẽ tồn tại trong suốt thai kỳ và chỉ bong khi cổ tử cung giãn nở để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ sinh con.
Lúc này, tử cung chưa mở rộng nên bụng bầu 7 tuần vẫn còn nằm gọn trong khung xương chậu và chưa nhô lên. Nếu đã từng mang thai, mẹ bầu sẽ cảm nhận thấy bụng có thể to hơn so với bình thường và các triệu chứng mang thai cũng sẽ xuất hiện sớm hơn. Nguyên nhân là do từng mang thai nên tử cung cũng sẽ có thể mở rộng nhanh và dễ hơn. Tuy vậy, việc tử cung trở nên lớn hơn trong khoảng thời gian ngắn có thể khiến các triệu chứng đau lưng xuất hiện sớm hơn so với lần mang thai trước đó.
3. Lời khuyên của bác sĩ khi thai nhi 7 tuần tuổi
Mang thai 7 tuần nên làm gì hay mẹ bầu 7 tuần cần làm gì? Để đảm bảo thai kỳ phát triển khỏe mạnh, mẹ bầu nên:
3.1. Cân nhắc thông báo về việc mang thai
Nếu chưa thông báo tin vui cho người thân trong gia đình thì đây là thời điểm lý tưởng để bạn làm việc này. Bên cạnh đó, trong thời điểm nhạy cảm này, bạn và người thân cũng cần lên kế hoạch cho việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ thật chu đáo.
3.2. Đi khám thai
Khi đi khám thai ở giai đoạn thai nhi 7 tuần, mẹ bầu sẽ được kiểm tra cân nặng, huyết áp, đo vòng bụng, siêu âm kiểm tra vị trí của thai nhi, đo nhịp tim thai… Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện các xét nghiệm cần thiết khác như xét nghiệm máu, nước tiểu… Điều này giúp các bác sĩ đánh giá được nguy cơ có thể xảy ra các biến chứng (nếu có) và kịp thời can thiệp để đảm bảo sự phát triển của thai nhi.
Ngoài ra, các bác sĩ có thể kê đơn cho bạn dùng vitamin cho bà bầu để ngăn ngừa nguy cơ thiếu hụt dưỡng chất khi mang thai.
3.3. Mẹ nên ăn gì?
Theo các chuyên gia sản phụ khoa, ở giai đoạn mới mang thai các mẹ bầu nên:
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, thịt nạc, các loại hạt, rau có lá màu xanh đậm, củ dền… để bổ sung sắt cho cả mẹ và bé.
- Bổ sung vitamin cho và bầu, nhất là axit folic để thai phát triển trí não tối ưu, ngăn ngừa dị tật ống thần kinh.
- Nếu bị ốm nghén, bạn hãy chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa, hạn chế ăn những món có mùi tanh, nồng hay thức ăn cay, béo vì sẽ khiến bạn dễ bị buồn nôn. Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần chú ý là chỉ nên ăn thực phẩm đã nấu chín, tránh thức ăn tái sống, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn đường phố.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để tránh bị táo bón khi mang thai.
- Ăn những thực phẩm nấu chín, hợp vệ sinh.
4. Những lưu ý trong việc đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh
4.1. Tránh ngồi một chỗ quá lâu, sử dụng máy tính nhiều
Nếu bạn làm việc ở văn phòng và phải thường xuyên ngồi một chỗ trong phòng máy lạnh thì mẹ nên dành một khoảng thời gian đứng dậy đi lại, ra ngoài hít thở để máu được lưu thông. Bởi việc ngồi một chỗ làm với máy tính cả ngày sẽ không tốt cho quá trình tuần hoàn máu. Vì thế, để giữ cho máu huyết lưu thông, hãy đứng dậy hoặc đi dạo loanh quanh ngoài hành lang và thư giãn sau mỗi giờ ngồi làm việc.
4.2. Đảm bảo vận động đầy đủ
Do mới mang thai nên nhiều mẹ bầu sẽ hạn chế vận động tối đa vì sợ ảnh hưởng đến bé yêu. Thực tế là ở ngay giai đoạn đầu của thai kỳ, các mẹ bầu cùng nên vận động thể chất đầy đủ nhưng cần tập nhẹ nhàng, tránh các bài tập nặng hay vận động với cường độ cao.
Ở thời điểm này, bạn hãy nghĩ đến việc đăng ký tham gia vào lớp yoga dành cho bầu. Nếu trước đây bạn là người thường xuyên vận động thể chất như chạy bộ, tập gym… hãy nghĩ đến việc chuyển sang một môn thể dục khác nhẹ nhàng hơn như đi bộ, bơi… Việc vận động thể chất thường xuyên khi mang thai giúp tăng sự dẻo dai, nâng cao sức khỏe khi mang thai.
4.3. Từ bỏ những thói quen xấu
Với các mẹ bầu có thói quen lướt điện thoại, máy tính, coi ti vi… dẫn đến thức khuya, dậy trễ cần thay đổi thói quen này theo hướng tích cực hơn. Bởi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc mẹ bầu thức khuya, ngủ không đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng như:
- Huyết áp cao và tiền sản giật. Theo một nghiên cứu cho biết phụ nữ ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm trong tam cá nguyệt đầu tiên sẽ có nguy cơ mắc chứng tiền sản giật vào cuối thai kỳ cao gấp 10 lần những mẹ ngủ đủ giấc.
- Mẹ ngủ ít, thức khuya cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Ngoài ra, nếu có thói quen sử dụng rượu bia thì bạn nên nói lời từ bỏ những thói quen này vì nó sẽ tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của thai nhi hoặc thậm chí khiến thai nhi bị ngộ độc, chẳng hạn như hội chứng rượu bào thai.
Bên cạnh đó, nếu đang hút thuốc lá hay thường xuyên hít phải khói thuốc lá bạn cũng nên thận trọng và tránh xa. Thói quen hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc lá của mẹ bầu có thể làm tăng nguy cơ sinh non, thai dị tật bẩm sinh, sảy thai, thai chết lưu, trẻ sinh ra nhẹ cân…
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về thai nhi 7 tuần phát triển như thế nào, từ đó có kế hoạch chăm sóc thai kỳ tốt hơn.
>>> Thai nhi 8 tuần phát triển như thế nào?