Thiếu vi chất dinh dưỡng là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ trong tương lai. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thiếu vi chất dinh dưỡng hiện vẫn còn cao với 60% trẻ thiếu kẽm (dưới 5 tuổi) và cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt.
Vi chất dinh dưỡng là những chất hữu cơ, vô cơ giúp cơ thể trẻ sản xuất ra các enzyme, hormone tham gia vào các quá trình chuyển hóa thức ăn, quá trình miễn dịch của cơ thể, cấu trúc tế bào…
Vi chất dinh dưỡng bao gồm 2 nhóm: Nhóm Vitamin (A, B, C, D, E…) và Nhóm các nguyên tố khoáng (Canxi, Phospho, Sắt, Kẽm, I-ốt,…). Đây là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ. Nhưng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng, phát triển trí tuệ, duy trì và nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam hiện nay vẫn rất đáng lo ngại. Ví dụ, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm lên đến 58,0%, bị suy dinh dưỡng thấp còi 19,6%. Trong đó, thường gặp nhất là thiếu sắt, kẽm, canxi, vitamin D… Điều đáng nói là ngay cả những bé bình thường hay thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ cao bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, gọi là suy dinh dưỡng thể ẩn.
Các nguyên nhân khiến cơ thể trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng
- Kho dự trữ vi chất dinh dưỡng ban đầu trong cơ thể trẻ bị hạn chế do mẹ bị thiếu vi chất thai kỳ
- Trẻ sinh thiếu tháng hoặc nhẹ cân.
- Trẻ tăng trưởng nhanh sau khi sinh.
- Chế độ dinh dưỡng của trẻ không đảm bảo đủ vi chất hoặc có nồng độ vi chất dinh dưỡng thấp.
- Trẻ gặp phải các bệnh lý đường tiêu hóa dẫn đến kém hấp thu các chất dinh dưỡng.
Dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng
Theo đó, phụ huynh có thể nhận diện bước đầu tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ bằng các biểu hiện như:
- Trẻ biếng ăn, chậm tăng cân, chậm tăng cao hoặc chiều cao kém phát triển.
- Tóc trẻ yếu, dễ gãy rụng.
- Bé ngủ không ngon giấc, thường giật mình, khóc đêm, ra mồ hôi trộm.
- Khi thiếu vi chất, trẻ cũng dễ ốm vặt: cảm, ho, viêm họng hoặc tiêu chảy; da dẻ của trẻ không được hồng hào, thường tái xanh, mệt mỏi…
Tuy nhiên, cách hiệu quả và chính xác nhất để kiểm tra hàm lượng vi chất và mức độ thiếu hụt các vi chất đó trong cơ thể trẻ là thông qua xét nghiệm vi chất.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu vitamin, khoáng chất của cơ thể con người tuy cần một lượng nhỏ mỗi ngày nhưng rất dễ bị thiếu hụt nếu không có chế độ dinh dưỡng cân đối, khoa học. Ví dụ, những trẻ thường chỉ thích ăn thịt, tinh bột, chất béo, sẽ thừa đạm, đường, béo… nhưng sẽ bị thiếu các vi chất có trong các loại rau củ quả, hải sản.
Nếu thiếu vi chất dinh dưỡng trong thời gian dài, trẻ không chỉ bị ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ mà còn dễ đối mặt với nguy cơ mắc phải các bệnh lý nghiêm trọng như thấp còi, mù lòa, tổn thương não, dị tật ống thần kinh, giảm chỉ số IQ (chỉ số thông minh)…
Cụ thể, trẻ thiếu vitamin A dễ bị khô mắt, viêm giác mạc, có thể mù lòa. Thiếu vitamin D trẻ dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng thấp còi. Thiếu vitamin B1 trẻ dễ bị phù nề. Thiếu vitamin C thì dễ bị xuất huyết. Thiếu vitamin E trẻ dễ mắc các bệnh về da và máu. Thiếu sắt khiến trẻ dễ bị thiếu máu, đau đầu, rụng tóc. Thiếu kẽm thì gây suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh lý, chậm phát triển, ngủ không ngon, ăn không ngon miệng. Thiếu canxi thì bé dễ bị loãng xương sớm, chậm phát triển chiều cao, cân nặng…
Việc điều trị thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ không quá khó, quan trọng là phải xác định được trẻ đang thiếu vi chất gì. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được đánh giá chính xác tình trạng dinh dưỡng, làm các xét nghiệm chuyên sâu để định lượng vi chất trong cơ thể, đánh giá khả năng tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng của con… Từ đó, trẻ sẽ được tư vấn điều trị theo phác đồ khoa học, phù hợp với từng thể trạng, độ tuổi.
>>> BỔ SUNG VITAMIN D3 CHO TRẺ SƠ SINH ĐÚNG CÁCH