Vaccine vẫn là lá chắn hiệu quả nhất trước biến thể JN.1 của COVID-19

1
0

Chuyên gia khẳng định biến thể JN.1 chưa có khác biệt lớn về lâm sàng, miễn dịch, chẩn đoán phát hiện so với các biến thể trước đây. Vaccine hiện nay vẫn là công cụ hiệu quả giúp kiểm soát COVID-19 và bảo vệ người được tiêm trước tình trạng chuyển nặng.

Ngày 27/1, trao đổi với PV, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, biến thể JN.1 được báo cáo lần đầu vào tháng 8/2023 và là nhánh trực tiếp của BA.2.86.

Từ tháng 12/2023, JN.1 chiếm ưu thế và đã có 71 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận biến thể. Theo dự báo biến thể này sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong thời gian tới.

Nghiên cứu gần đây cho thấy, biến thể JN.1 vẫn kế thừa các đặc điểm của BA.2.86, có thể ái lực hơn với tế bào đường hô hấp dưới. Tuy nhiên, khi đánh giá, xem xét toàn diện trên tình hình diễn tiến bệnh dịch thực tế trong thời gian qua, các nhà khoa học nhận thấy biến thể JN.1 chưa có khác biệt lớn về lâm sàng, miễn dịch, chẩn đoán phát hiện so với các biến thể trước đây và tiếp tục được theo dõi. Vaccine hiện nay vẫn là công cụ hiệu quả giúp kiểm soát bệnh COVID-19 và vẫn bảo vệ người được tiêm trước tình trạng chuyển nặng.

>>>Biến thể Covid-19 mới có thể lây nhiễm sâu trong phổi và gây bệnh nặng

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đã thực hiện tiêm hơn 266 triệu liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên, các độ tuổi >= 18, 12-17 tuổi, 5-11 tuổi trên toàn quốc (hoàn thành tiêm chủng liều cơ bản). Tuy nhiên, vẫn còn một số người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur
TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur

Phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM khẳng định: “Vaccine phòng COVID-19 vẫn là giải pháp quan trọng và cần thiết để phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội. Các nghiên cứu cũng như thực tế tiêm chủng trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của vaccine trong việc làm giảm mức độ nặng của bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong, góp phần đáng kể trong việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh”.

Các đối tượng chưa tiêm hoặc chưa hoàn thiện liều vắc-xin, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao, nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm vaccine, nhằm bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Bộ Y tế đã đề ra kế hoạch kiểm soát và quản lý bền vững COVID-19 giai đoạn 2023-2025, cung cấp hướng dẫn chuyên môn về dự phòng, điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn sau khi chuyển thành bệnh nhóm B.

Đầu năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 01 vào ngày 05/01/2024, cụ thể trong văn bản 38/DP-DT và 40/DP-DT của Cục Y tế dự phòng. Chú trọng vào giám sát, phát hiện và kiểm soát ngay các dịch bệnh có thể xuất hiện trong dịp Tết và mùa Lễ hội năm 2024. TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, đơn vị chịu trách nhiệm Y tế dự phòng cho 20 tỉnh/thành phố ở miền Nam, cho biết họ đang chặt chẽ hợp tác với Viện Pasteur TPHCM và các bệnh viện tuyến cuối, trong việc đánh giá, dự báo tình hình dịch, và hỗ trợ địa phương thông qua hoạt động giám sát và đáp ứng kịp thời.

Trong dịp Tết Nguyên đán, các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh/thành phố và Viện đều bố trí các đội đáp ứng nhanh thường trực giám sát chặt tình hình dịch bệnh, sẵn sàng phối hợp đáp ứng trong trường hợp cần thiết.

Bác sĩ khuyến cáo, để đón xuân vui tươi, mạnh khỏe, an toàn thì mỗi cá nhân cần tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế về việc tiêm vaccine đúng, đủ liều.

Ngay khi có dấu hiệu hội chứng cúm như sốt, ho đau họng, đau nhức cơ khớp….cần đến cơ sở y tế khám bệnh để được bác sĩ chẩn đoán, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị hiệu quả.

Đồng thời, người dân cần hạn chế tiếp xúc nếu nghi nhiễm COVID-19, tránh tiếp xúc với người bị bệnh. Cần đảm bảo thông khí nhà ở, đeo khẩu trang ở nơi đông người, rửa tay thường xuyên với xà phòng (hoặc dung dịch sát khuẩn khi cần). Các hành động này không chỉ phòng chống COVID-19 mà còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh hô hấp khác.

1
0