Số ca tay chân miệng tăng gấp đôi, chủ yếu ở miền Nam

1
0
Bệnh tay chân miệng tăng mạnh ở miền Nam

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, 75% số ca ở miền Nam.

Thực trạng số ca tay chân miệng tăng mạnh

Thông tin được TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chiều 10/4.
Số ca chân tay miệng ghi nhận chủ yếu ở miền Nam với trên 7.500 trẻ, chiếm 74%; trong khi miền Bắc có 1.000 ca, miền Trung 1.000, Tây Nguyên 200. Đa số bệnh nhi dưới 5 tuổi, lây nhiễm ở cơ sở giáo dục mầm non. Hiện, chưa ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng.

Năm ngoái, chủng Enterovirus 71 (EV71) đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao chiếm ưu thế là một trong các nguyên nhân khiến dịch tay chân miệng tăng ở phía Nam. Khu vực ghi nhận 23 trẻ tử vong, trong đó 5 ca do chủng EV71.

Trẻ tay chân miệng nặng điều trị tại phòng cấp cứu Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, được cố định tay chân vào giường để tránh kích thích. Ảnh: Lê Phương
Trẻ tay chân miệng nặng điều trị tại phòng cấp cứu Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, được cố định tay chân vào giường để tránh kích thích. Ảnh: Lê Phương

Hiện, miền Nam vào mùa nắng nóng cũng là một trong tác nhân khiến số ca tay chân miệng tăng, theo quy luật của các bệnh truyền nhiễm.

>> Cách chăm sóc trẻ ngày nắng nóng

Tìm hiểu về bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là bệnh do nhiều loại virus gây nên, lây lan từ người sang người và nguy cơ tạo thành ổ dịch lớn. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ.

Triệu chứng của bệnh tay chân miệng là sốt (nhẹ hoặc cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Một số trẻ chỉ loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ ở mông hay bẹn, nếu không chú ý thì rất khó phát hiện.

Bệnh tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt với đối tượng là trẻ nhỏ
Bệnh tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt với đối tượng là trẻ nhỏ

Đa phần trẻ mắc bệnh nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong.

Theo ông Đức, tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi bệnh này lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, các em sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học rất dễ lây nhiễm.

>> Những bệnh thường gặp mùa nắng nóng

Các biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Chính vì bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh cũng như đối tượng mắc bệnh chủ yếu ở trẻ nhỏ nên bố mẹ cần chú ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa tay chân miệng để đảm bảo sức khỏe của trẻ, cụ thể như sau:

1. Vệ sinh tay chân sạch sẽ với xà phòng

Trẻ em nên tập thói quen thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn đúng cách. Các thời điểm đặc biệt, trẻ cần lưu ý rửa tay kỹ gồm:

  • Trước khi ăn;
  • Sau khi đi vệ sinh;
  • Sau khi ho, hắt hơi, xì mũi.

Bên cạnh đó, khi chăm sóc, thay tã cho trẻ, bố mẹ cũng nên rửa tay cẩn thận với xà phòng khử khuẩn.

Giữ gìn vệ sinh cho trẻ là biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả
Giữ gìn vệ sinh cho trẻ là biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả

2. Đảm bảo vệ sinh ăn uống cho trẻ

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cũng như phòng ngừa bệnh tay chân miệng, các mẹ cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ. Ngoài việc thường xuyên rửa tay trước khi nấu ăn, giữ các đồ dùng nấu nướng sạch sẽ, được khử trùng đúng cách, mẹ nên chú ý lựa chọn các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, mẹ nên đảm bảo cho trẻ ăn chín, uống sôi, không ăn bốc, mút tay, không mớm cơm cho trẻ.

3. Vệ sinh đồ chơi, đồ dùng

Đồ chơi của trẻ, nhất là những đồ chơi dùng chung, nên được vệ sinh, khử trùng hàng ngày hoặc sau mỗi buổi chơi. Bố mẹ nên rửa đồ chơi với nước, xà bông và khử trùng với các dung dịch tẩy rửa chuyên dụng, sau đó tráng lại với nước và lau khô bằng khăn sát trùng. Lưu ý, với những đồ chơi không thể rửa được với nước, bố mẹ nên dùng cồn khử khuẩn, lau sạch các góc, hốc cạnh, hay các chỗ bị nứt. Cần tránh cho trẻ mút hoặc ngậm đồ chơi để đề phòng lây nhiễm tay chân miệng.

Đồ chơi không sạch sẽ có thể chứa vi khuẩn gây bệnh tay chân miệng cho trẻ
Đồ chơi không sạch sẽ có thể chứa vi khuẩn gây bệnh tay chân miệng cho trẻ

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh

Tay chân miệng là một bệnh lý có khả năng lây lan nhanh chóng, do đó, bố mẹ nên tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc với người có dấu hiệu mắc bệnh.

Ngoài ra, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ chạm tay lên mắt, mũi hoặc miệng của mình virus có thể tồn tại trên tay và gây bệnh khi trẻ thực hiện các hoạt động này. Tốt nhất, bố mẹ không cho trẻ chạm tay lên mắt, mũi, miệng, nhất là khi chưa rửa tay.

5. Sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài. Do đó, việc khử trùng, lau chùi, dọn dẹp không gian sống sạch sẽ là một trong những biện pháp phòng ngừa quan trọng không chỉ có tác dụng ngăn ngừa tay chân miệng mà còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác ở trẻ.

Bố mẹ nên chú ý thường xuyên khử trùng các bề mặt được chạm vào nhiều như tay nắm cửa, bàn ăn, ghế,… để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tay chân miệng.

6. Đến cơ sở y tế ngay nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh

Cho trẻ đến cơ sở y tế ngay khi thấy các biểu hiện của bệnh tay chân miệng
Cho trẻ đến cơ sở y tế ngay khi thấy các biểu hiện của bệnh tay chân miệng

Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, chân, mông, đầu gối, cần đưa các em đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Trẻ bệnh cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em thường diễn ra ở mức độ nhẹ và có thể khỏi sau khi chăm sóc, điều trị tại nhà từ 7-10 ngày. Tuy nhiên, khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng, bố mẹ cần lưu ý:

  • Cho trẻ uống thuốc giảm đau, hạ sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Thường xuyên dọn dẹp, khử khuẩn không gian sống, phòng ngủ của trẻ, các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như sàn nhà, tường, đồ chơi, dụng cụ học tập,…
  • Vệ sinh cá nhân cho trẻ mỗi ngày.
  • Cho trẻ rửa tay thường xuyên, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Lưu ý, bố mẹ cần rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.
  • Giặt riêng quần áo, khăn mặt của trẻ mắc bệnh và trẻ khỏe mạnh, ngâm quần áo qua với nước sôi hoặc dung dịch cloramin B.
  • Cho trẻ dùng riêng các vật dụng cá nhân như chén, muỗng, ly, cốc,…
  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm.
  • Khăn giấy sau khi trẻ hắt hơi, tã lót đã sử dụng phải được vứt bỏ đúng cách.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người khác nhằm ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.

Nếu có các thắc mắc hoặc nghi ngờ trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cần liên hệ với cơ sở y tế hoặc y bác sĩ để được hỗ trợ sớm nhất.

>> Phát hiện trường hợp mắc cúm A(H9) đầu tiên tại Việt Nam

1
0