Nên tập thói quen đánh răng trước hay sau khi ăn sáng là đúng? Nhiều người có thói quen đánh răng xong mới ăn sáng, song bác sĩ khuyến cáo ăn sau khi đánh răng hai giờ để vi chất trong kem đánh răng có thời gian bám dính bảo vệ răng.
Thói quen đánh răng nào mới đúng?
Liên đoàn Nha khoa thế giới khuyến cáo chăm sóc răng miệng theo quy tắc 4 số 2. Đó là đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, trong thời gian ít nhất 2 phút, 2 tiếng sau mới được ăn và một năm khám răng 2 lần.
Trên thực tế nhiều người có thói quen đánh răng ngay sau khi ngủ dậy xong mới ăn sáng, hoặc đánh răng xong ăn uống luôn. Theo PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, đây là thói quen đánh răng sai lầm. Lý do, trong kem đánh răng có fluoride – một trong những yếu tố giúp bảo vệ răng chắc khỏe. Fluoride và các vi chất khác cần thời gian để phủ lên men răng. Vừa đánh răng xong đã ăn uống ngay, fluoride sẽ trôi đi, đào thải ra ngoài, không ngấm vào răng nên hiệu quả bảo vệ men răng không cao.
“Hạn chế ăn trong khoảng 2 giờ sau khi đánh răng để fluoride có thời gian tiếp xúc tối đa với răng”, bác sĩ Bính nói, lưu ý đánh răng đúng phương pháp là từ “đỏ đến trắng”, tức là đánh theo chiều dọc từ lợi xuống đến răng.
Ước tính hiện chỉ khoảng 7% người dân đi khám sức khỏe răng miệng định kỳ, tỷ lệ mắc các bệnh răng miệng rất cao. Thống kê cho thấy hơn 85% trẻ em bị sâu răng, trên 80% người trưởng thành bị viêm lợi, viêm quanh răng.
“Các bệnh này là nguyên nhân chủ yếu gây mất răng sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe”, PGS Bính nói bên lề Hội nghị khoa học và triển lãm răng hàm mặt quốc tế Hà Nội, ngày 23/5, thêm rằng bệnh nếu được phát hiện sớm, điều trị sẽ bớt tốn kém, hiệu quả tăng cao.
Cách vệ sinh răng miệng đúng?
Tập thói quen đánh răng hai lần mỗi ngày, ưu tiên sử dụng bàn chải lông mềm, nên thay mới sau khoảng ba tháng, súc miệng với nước kháng khuẩn ngay sau khi ăn.
Chuyên gia cho biết khoang miệng là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, nếu không được vệ sinh đúng cách, vi khuẩn sẽ tấn công gây hôi miệng, viêm nha chu, sâu răng… Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy sức khỏe răng miệng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe toàn thân. Do vậy, việc vệ sinh răng miệng đúng cách rất quan trọng.
Theo đó, mọi người nên chải răng đúng cách 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi ăn sáng (sau 15-30 phút) và buổi tối trước khi đi ngủ.
Bước 1: Súc miệng bằng nước sạch để loại bỏ những vụn thức ăn to bám quanh răng.
Bước 2: Làm ướt bàn chải đánh răng.
Bước 3: Lấy một lượng kem đánh răng vừa đủ.
Bước 4: Chải răng bằng cách để bàn chải nằm ngang và nằm nghiêng một góc 45 độ so với viền nướu sao cho đầu lông bàn chải tiếp xúc với cả răng và nướu. Chải nhẹ nhàng mặt ngoài của tất cả răng hàm trên và hàm dưới theo chiều dọc từ trên xuống dưới, hoặc xoay tròn bàn chải cho lông bàn chải có thể chui vào từng kẽ răng, từ 5-10 lần cho mỗi đoạn 2-3 răng, để lấy hết thức ăn bị bám vào răng.
Chải mặt trong của răng ở hàm trên và hàm dưới tương tự như mặt ngoài bằng cách chải lên, chải xuống hoặc xoay tròn. Đặt lông bàn chải song song với các mặt nhai của răng rồi nhẹ nhàng di chuyển bàn chải khoảng 10 lần từ trong ra ngoài.
Bước 5: Vệ sinh lưỡi bằng dụng cụ chải lưỡi chuyên dụng. Nếu không có dụng cụ này thì có thể dùng mặt sau của bàn chải hoặc dùng trực tiếp lông bàn chải để làm sạch lưỡi.
Bước 6: Súc miệng bằng nước sạch ít nhất 3-4 lần để loại bỏ hoàn toàn vụn thức ăn và kem đánh răng trong khoang miệng.
Ưu tiên sử dụng bàn chải có lông mềm và nên thay mới sau khoảng 3 tháng sử dụng. Sử dụng kem đánh răng có fluoride sẽ chống lại vi khuẩn, bổ sung canxi tự nhiên để làm răng chắc khỏe.
Ngoài ra, có thể dùng chỉ nha khoa hoặc máy tăm nước để làm sạch kẽ răng bởi tăm xỉa răng thông thường rất khó lấy những thức ăn thừa trong kẽ răng, dễ gây tình trạng hở khe răng, chảy máu chân răng.
Bên cạnh việc tập luyện thói quen đánh răng đúng cách, việc súc miệng với nước kháng khuẩn ngay sau khi ăn như là một biện pháp làm sạch khá toàn diện, nhất là với các bé trên 12 tuổi hoặc người không quen dùng chỉ nha khoa, tăm nước để làm sạch miệng.
Để bảo vệ răng khoẻ, mọi người không nên hút thuốc lá bởi sản phẩm làm răng bị xỉn màu, gây các bệnh về nướu và tăng nguy cơ ung thư vòm miệng. Hạn chế đồ ăn ngọt cũng như các thức ăn chứa nhiều acid, đồ uống có gas. Khám nha khoa định kì ít nhất 2 lần/năm.
>> 4 thói quen ăn sáng không tốt cho não bộ