Thai nhi 26 tuần phát triển như thế nào?

0
0

Thai nhi 26 tuần đang bước vào thời điểm cuối của tam cá nguyệt thứ 2. Ở giai đoạn này, cân nặng và chiều dài thai nhi sẽ phát triển rất nhanh. Các cử động của thai nhi 26 tuần cũng khác giai đoạn trước rất nhiều. Bài viết dưới đây sẽ cho mẹ biết cụ thể về sự phát triển của con trong tuần thai này.

1. Sự phát triển của thai nhi 26 tuần

Thai nhi 26 tuần có kích thước tương đương bằng một củ cải đường

Ở giai đoạn này, các chỉ số thai nhi 26 tuần đã bắt đầu thay đổi, đặc biệt là cân nặng. Mẹ có thể dựa vào bảng cân nặng của thai nhi để theo dõi sự phát triển của bé yêu. Giai đoạn này, em bé trong bụng mẹ đã nặng khoảng 900g, dài khoảng 35,1cm, tương đương bằng một củ cải đường. Lúc này tử cung sẽ trở nên chật chội hơn, mẹ sẽ cảm thấy ngày càng khó chịu khi thai nhi đạp nhiều hoặc duỗi người.

Tủy xương của thai 26 tuần tuổi hiện có thể sản xuất bạch cầu, những chiến binh nhỏ của hệ thống miễn dịch và hồng cầu, tế bào máu mang oxy. Hệ mạch máu và hệ tuần hoàn của bé đã có đầy đủ chức năng, phổi đang phát triển. Tim đã bắt đầu bơm máu và các mạch máu cũng được phát triển, thực hiện vai trò của mình. Dây rốn khỏe và dày hơn, cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng cần thiết từ cơ thể mẹ.

Bé có thể phản ứng với âm thanh lớn 

Các chuyên gia sản khoa cho rằng, trong tuần thai này, hoạt động sóng não của thai nhi đang bắt đầu phát triển nên bé yêu không chỉ có thể nghe thấy tiếng động mà còn có thể phản ứng với chúng. Do đó, bạn có thể cảm nhận được bé giật mình, nhào lộn… nếu chẳng may có tiếng động lớn như tiếng nổ, tiếng còi xe bất ngờ vang lên.

Sự phát triển của đôi mắt 

Ở tuần thứ 26 của thai nhi, đôi mắt của bé vẫn nhắm chặt nhưng bé sẽ sớm mở và hai mí mắt bắt đầu nhấp nháy. Mống mắt và màu mắt của thai nhi 26 tuần vẫn chưa có nhiều sắc tố. Tùy thuộc vào yếu tố di truyền mà khi sinh ra tròng mắt của bé màu nâu hay đen, xanh… mắt bé có thể thay đổi màu sắc trong năm đầu tiên của cuộc đời).

Sự phát triển của lông và móng 

Lông mi của bé cũng sẽ phát triển và tóc cũng mọc nhiều hơn. Thai 26 tuần, móng tay đã xuất hiện. Thể nên khi bé được sinh ra, bạn có thể thấy móng tay của con khá dài. 

Phản xạ mút và tập nuốt nước ối 

Thai nhi 26 tuần đang tiếp tục thực hành phản xạ nuốt nước ối, sau đó đào thải qua nước tiểu và da. Điều này giúp phổi của bé phát triển khỏe mạnh. Ở thời điểm này, phản xạ mút của bé đã khá mạnh, nếu tiến hành siêu âm, đôi khi bạn có thể được nhìn thấy bé đang mút ngón tay của mình.

Các chuyển động của thai nhi 26 tuần

Ở tuần thứ 26 của thai kỳ, không gian dành cho em bé đang bị thu hẹp lại từng ngày, do đó, việc thai nhi cử động ít hơn trước một chút là điều bình thường. Tuy nhiên, khi hệ thần kinh dần hoàn thiện hơn, các chuyển động của bé sẽ diễn ra nhịp nhàng và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nếu mẹ không nhận thấy cử động của bé trong vài giờ, hãy kích thích và giao tiếp với bé nhờ những cái vuốt ve trên bụng.

2. Các chỉ số thai nhi 26 tuần

Hình ảnh siêu âm thai nhi 26 tuần
Hình ảnh siêu âm thiai nhi 26 tuần

Khi thai nhi 26 tuần tuổi, các bé đã có sự phát triển gần như đầy đủ các bộ phận trên cơ thể như: bàn tay, bàn chân, mắt, mũi, miệng,… nên nếu bé ra khỏi bụng mẹ sớm vẫn có thể phát triển được. Dưới đây là một số chỉ số thai nhi ở tuần 26 mà ba mẹ có thể tham khảo.

  • GSD: Đường kính túi thai chưa được xác định ở tuần thứ 26.
  • BPD: Đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi 26 tuần trung bình là 67 mm.
  • FL: Chỉ số chiều dài xương đùi của thai nhi 26 tuần trung bình là 49 mm.
  • CRL: Chỉ số chiều dài bàn chân thai nhi 26 tuần trung bình là 35,75mm.
  • HC: Chỉ số chu vi đầu của thai nhi 26 tuần trung bình là 242mm. 
  • AC: Chỉ số chu vi bụng của thai nhi 26 trung bình là 219mm.

3. Cơ thể mẹ bầu khi mang thai tuần thứ 26

Trong giai đoạn này mẹ sẽ tăng cân khá nhiều, từ 9kg -10,5kg. Cân nặng tăng lên khiến cho mẹ cảm thấy khó chịu, một số bà mẹ còn có thể bị trầm cảm khi mang thai do mặc cảm với ngoại hình của bản thân.

Thường thì trong giai đoạn này rốn của mẹ đã bị đẩy lồi ra ngoài, và làn da có cảm giác căng và ngứa. Hãy chú ý dưỡng ẩm và cung cấp đủ nước để tăng độ đàn hồi cho da mẹ nhé!

Thai nhi 26 tuần, bé đang tăng nhiều áp lực hơn lên bàng quang của mẹ, mẹ sẽ phải đi vệ sinh nhiều hơn. Mẹ cũng sẽ thấy đau dưới sườn và lưng dưới do bé đang phát triển nhanh và hay duỗi người để thoải mái hơn trong dạ con. Ngoài ra, khi bụng to lên, trọng tâm thay đổi, điều này thường làm căng cơ lưng. Mẹ có thể phải trải qua chứng khó ngủ khi mang thai do đau lưng và những cảm giác không thoải mái trong cơ thể.

Ngoài ra, mẹ thường gặp phải sự khó chịu do trào ngược và ợ chua vào ban đêm, bằng cách ăn tối nhẹ nhàng, giúp mẹ giảm bớt triệu chứng này. Vì chất béo có thể là nguyên nhân làm chậm quá trình tiêu hóa vào giai đoạn mang thai này, dẫn đến giấc ngủ bị xáo trộn. Nếu thèm ăn và đói vào ban đêm, mẹ hãy ăn nhẹ một giờ trước khi đi ngủ.

Bụng của mẹ bắt đầu cản trở một số hoạt động nhất định và cơ thể cảm thấy dễ mệt mỏi hơn so với vài tuần trước. Một chế độ ăn uống tốt sẽ giúp mẹ lấy lại sức nếu cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, hãy tiếp tục tuân theo chế độ ăn uống khi mang thai với các bữa ăn lành mạnh và cân bằng mỗi ngày.

Dạ dày và cơ hoành có thể chèn ép phổi khiến mẹ khó thở hơn. Vì vậy, nếu bị hụt hơi, mẹ hãy thay đổi tư thế, bằng cách đứng thẳng, mẹ sẽ thở dễ dàng hơn.

Thai nhi 26 tuần, tử cung cũng đè lên các tĩnh mạch, gây đau, ngứa hoặc giãn tĩnh mạch ở trực tràng, gây bệnh trĩ. Và nếu bạn cũng bị táo bón, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn. Để giải quyết vấn đề này, hãy uống nhiều nước và ăn thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt hoặc bánh mì. Tắm nước ấm cũng có thể làm giảm các vấn đề về bệnh trĩ.

Các cơn co thắt Braxton Hicks là cơn co thắt “giả” xuất hiện, giúp cơ thể mẹ chuẩn bị cho việc sinh nở và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, chúng không làm giãn cổ tử cung, vì vậy đây không phải là thời điểm bắt đầu chuyển dạ.

4. Mẹ bầu cần lưu ý những gì ở giai đoạn này?

Thông thường khi siêu âm thai ở giai đoạn này, mẹ sẽ thấy bé vận động nhiều hơn. Giới tính của bé cũng nhận biết chính xác hơn. Đến gặp bác sĩ ngay nếu mẹ cảm thấy cơn đau bất thường như đau thắt lưng, đau mạn sườn, đau chân, đau đầu gối,… Ở giai đoạn này, mẹ bầu cũng có khả năng bị đau đầu do đó báo cho bác sĩ để được tư vấn giải quyết phù hợp. 

Bổ sung nước là điều quan trọng nhất khi bạn bước vào giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ. Uống đủ nước sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ nước ối cho bé và không khiến mẹ mệt mỏi, táo bón.

Để đối phó với tình trạng đau lưng, đau chân mẹ có thể đi lại hoặc lựa chọn tư thế nằm phù hợp, tập yoga, duy trì cân nặng không tăng cân quá nhiều, thực hiện các biện pháp châm cứu hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ nếu mẹ chưa kiểm tra trong vài tuần qua. Lên kế hoạch cho các bữa ăn với các loại thực phẩm lành mạnh và đủ dinh dưỡng, tránh ăn nhiều đồ ngọt và thực phẩm không lành mạnh. Theo dõi cử động của thai nhi.

>>> Thai nhi 27 tuần phát triển như thế nào?

0
0