Vì sao tỉ lệ đột quỵ ở Việt Nam dẫn đầu thế giới

1
0
đột quỵ ở Việt Nam tăng cao

Các chuyên gia cho rằng, việc không kiểm soát đái tháo đường, bệnh tăng huyết áp, thói quen ăn mặn khiến cho số ca đột quỵ ở Việt Nam tăng cao và dẫn đầu thế giới.

Thống kê thực trạng số ca đột quỵ ở Việt Nam hiện nay

Trên bình diện chung hiện nay, tử vong do nguyên nhân bệnh tim mạch đứng thứ nhất toàn cầu. Tuy nhiên, ở khoảng 40% quốc gia, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, nguyên nhân tử vong do đột quỵ vượt lên đứng đầu, cao hơn tim mạch.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm màu đỏ đậm nhất – tức nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 mỗi năm.

Số ca đột quỵ ngày càng tăng cao và gây nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh

>> Ca đột quỵ tăng mạnh dịp tết

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ ở Việt Nam tăng cao

Đa số bệnh nhân đột quỵ cho biết không nghĩ nguyên nhân do không kiểm soát các bệnh nền. Theo các bác sĩ, người bệnh thường không tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không đo huyết áp tại nhà, không biết huyết áp cần đạt được là bao nhiêu, vẫn hút thuốc lá, dùng thực phẩm không tốt cho người mắc bệnh này.

Một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 cách đây không lâu cho thấy chỉ vài phần trăm bệnh nhân rung nhĩ duy trì dùng thuốc kháng đông. Trong đột quỵ, tăng huyết áp được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu, còn rung nhĩ chỉ chiếm khoảng 10% nhưng đặc biệt nguy hiểm vì để lại hậu quả nặng nề. Khoảng 75% bệnh nhân đột quỵ do rung nhĩ sẽ tàn phế nặng hoặc tử vong, bởi tình trạng này gây huyết khối kích thước lớn, dẫn đến tắc mạch máu lớn, làm tế bào não bị chết nhiều.

Thêm một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng đột quỵ ở Việt Nam tăng cao là hệ thống y tế chưa thể đáp ứng được việc chăm sóc toàn diện cho người bệnh khiến việc điều trị dự phòng bị hạn chế.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ ở Việt Nam tăng cao
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ ở Việt Nam tăng cao

Thêm vào đó, đôi khi một số bác sĩ điều trị bệnh nền chỉ kê thuốc giảm tình trạng bệnh mà chưa nắm rõ mục tiêu cần đạt. Chẳng hạn, bệnh nhân tăng huyết áp lên 160-170, bác sĩ chỉ điều trị đưa xuống 140-150 mà chưa đặt ra mục cụ thể để giúp ngừa đột quỵ. Tùy từng trường hợp cụ thể của mỗi bệnh nhân, huyết áp cần đạt dưới 130/80 hay 140/90 mmHg.

Ngoài ra, yếu tốc khác làm gia tăng tỉ lệ đột quỵ ở Việt Nam là việc tầm soát vẫn chưa đạt hiệu quả trên quy mô cả nước. Nhiều người chưa hiểu tầm soát hay phòng ngừa đột quỵ chính là tầm soát các bệnh nguy cơ cao của đột quỵ. Không ít người cho rằng việc chụp cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính sọ não bình thường, thì không thể mắc đột quỵ.

Ngoài ra, yếu tố khách quan góp phần khiến tỷ lệ đột quỵ ở Việt Nam cao là nhiều nghiên cứu cho thấy người dân ở các nước châu Á, đặc biệt khu vực Đông Á và Đông Nam Á có xu hướng mắc các bệnh lý vữa xơ mạch máu não nhiều hơn. Tình trạng này nếu không được điều trị, theo thời gian sẽ gây đột quỵ.

>> Bị tăng huyết áp xử lý như thế nào?

Phòng ngừa đột quỵ ở Việt Nam

Việc phòng ngừa đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cộng đồng, bởi không chỉ cần tuân thủ điều trị mà còn nằm ở việc phát hiện mới. Các bệnh gây nguy cơ đột quỵ thường biểu hiện thầm lặng, nhiều người dân chưa có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nền. Không ít trường hợp vào viện vì đột quỵ, đo huyết áp mới phát hiện bản thân mắc bệnh tăng huyết từ lâu mà không hay biết.

Giảm mặn - giảm yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Giảm mặn – giảm yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở Việt Nam

Bên cạnh đó, thói quen ăn mặn của người Việt Nam là vấn đề đáng lo ngại, nhiều người có thói quen dùng bữa luôn kèm nước mắm chấm, thậm chí thức ăn ngọt như dưa hấu, trái cây cũng chấm muối, ly nước dừa cũng kèm một xíu muối… Thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn là những nguồn thực phẩm chứa nhiều muối và natri, cũng đang gia tăng tại Việt Nam. Do đó, để phòng ngừa đột quỵ, mỗi người cần tự ý thức giảm bớt ăn mặn lại trong chế độ ăn hằng ngày.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện những thủ phạm chính gây đột quỵ nói chung như tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ… cần dùng thuốc kiểm soát lâu dài. Không tự ý ngưng thuốc khi thấy sức khỏe ổn hoặc tự mua thuốc theo đơn cũ. Tránh những yếu tố gây nguy cơ đột quỵ bằng cách ngưng hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực đều đặn.

Với bệnh nhân từng đột quỵ, việc điều trị phòng ngừa tái phát càng phải gắt gao hơn, bởi tỷ lệ tái phát thường rất cao. Tùy vào từng nghiên cứu và khoảng thời gian theo dõi, con số này có thể đến 50-70%. Khi đột quỵ tái phát, cơ hội điều trị không thể cao như lần đầu. Do đó, người bệnh sau đột quỵ cần gắn kết với bác sĩ để có chiến lược phòng ngừa phù hợp cho từng trường hợp.

>> Nguyên nhân, dấu hiệu thiếu máu não bạn cần lưu ý

1
0