Thai nhi 32 tuần phát triển như thế nào?

0
0

Thai nhi 32 tuần chính là giai đoạn phát triển tăng tốc, cân nặng và chiều cao của bé tăng nhanh, khung xương cứng cáp. Bé sẽ trải qua những bước phát triển và thay đổi vượt bậc về mọi mặt trong cơ thể mẹ. Trong giai đoạn này, trẻ đã có sự phát triển về thị giác, hình thành các cơ quan mới như móng tay, móng chân, tóc… Cùng với sự phát triển của bé là những thay đổi trong cơ thể người mẹ. Mẹ bầu đôi khi sẽ cảm thấy khó thở do em bé đang lớn và tử cung chèn ép lên phổi và cơ hoành.

1. Sự phát triển của thai nhi 32 tuần

Cân nặng chuẩn khi thai nhi 32 tuần là 1.755 kg, chiều dài đo từ đỉnh đầu tới gót khoảng 43 cm. Lúc này, với không gian sống chật hơn, bé không còn “quậy” mạnh như trước nhưng mẹ sẽ vẫn cảm nhận được mọi chuyển động của cơ thể trẻ.

Lúc này cơ thể trẻ đã phát triển gần như đầy đủ và hoàn thiện (trừ phổi sẽ trưởng thành tầm 34 tuần) như lúc chào đời, các cơ quan bộ phận trong cơ thể cũng đang hoàn thiện. Đây được gọi là giai đoạn tập thở của bé. Mẹ có thể thấy nhịp hô hấp của thai nhi bằng cách quan sát nhịp lên xuống của bụng. Tay, chân cũng như toàn bộ cơ thể thai nhi sẽ tiếp tục phát triển tương xứng với vòng đầu.

Thai nhi lúc này đã có thể nhắm mở mắt, nheo mắt, nhấp nháy và luyện tập điều tiết mắt. Nếu có ánh sáng mạnh xuyên qua bụng mẹ, bé đã có thể tự tránh đi, nhắm mắt lại, đồng tử điều tiết để hạn chế ánh sáng chiếu vào mắt.

Thai nhi 32 tuần ở thời điểm này không chỉ tóc, mà cả móng tay và móng chân đều mọc lên, có thể được nhìn thấy bằng siêu âm. Lớp lông mềm mượt đã bao phủ làn da của bé trong vài tháng qua (lông tơ) sẽ bắt đầu rụng trong tuần này. . Bé có thể tập trung vào những vật thể lớn không quá xa, khả năng tập trung này vẫn còn cho đến khi sinh ra. 

2. Các chỉ số thai nhi 32 tuần

Siêu âm để kiểm tra các chỉ số thai nhi 32 tuần
Siêu âm để kiểm tra các chỉ số thai nhi 32 tuần

Cân nặng thai nhi theo chuẩn quốc tế mới cập nhật, thai nhi 32 tuần sẽ có những chỉ số về chiều dài, cân nặng như sau:

  • Cân nặng thai nhi: Dao động trong khoảng từ 1600 – 1800 gram.
  • Chiều dài xương đùi: Khoảng 61mm.
  • Chu vi vòng bụng: Khoảng 279mm.
  • Đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi: Xấp xỉ 81mm.
  • Chiều dài xương mũi: Xấp xỉ 10.1mm.

3. Cơ thể mẹ bầu khi mang thai 32 tuần

3.1. Thay đổi về thể chất

Thai nhi ngày càng lớn và chiếm nhiều không gian trong tử cung khiến bụng mẹ ngày càng to, mọi hoạt động, cử động hay di chuyển đều khó khăn hơn rất nhiều.

Thai nhi 32 tuần tuổi, mẹ bầu gặp nhiều trở ngại như dáng đi lắc lư, khi ngồi và ngủ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, mẹ còn thường bị tê ngón tay, cổ tay, tê cả bàn tay, bàn chân và nhiều vị trí khác. Núm vũ lúc này cũng to hơn và có màu sẫm hơn. Thai lớn đè lên dạ dày khiến cho cơ hoành và phổi bị chèn ép làm mẹ bầu khó thở.

Lúc này cơ thể mẹ cũng tiết ra nhiều dịch âm đạo nên cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục. Nếu thấy tiết dịch có mùi hôi hoặc ngứa thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem có bị viêm âm đạo hay không và can thiệp kịp thời để phòng tránh nguy cơ sinh non do viêm âm đạo.

Mẹ bầu còn có thể bị thiếu máu và thiếu dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi.

3.2. Những thay đổi về tâm lý và cảm xúc

Thai nhi 32 tuần được coi là giai đoạn quan trọng vì em bé sẽ được sinh ra trong vòng không đầy 2 tháng. Nếu là con đầu lòng chắc hẳn các mẹ sẽ có trạng thái vừa lo lắng vừa nôn nao được gặp con.

Lần mang thai đầu tiên có thể sẽ khiến cuộ sống của bạn bị xáo trộn. Vì vậy, hãy chuẩn bị thật kỹ kiến thức chăm sóc và nuôi dạy con. Nếu đã từng sinh con, bạn cần hết sức cẩn thận về mọi mặt, đặc biệt là làm sao để gia đình nhanh chóng hòa hợp với thành viên mới. Trẻ sơ sinh cần sự tinh tế và nhạy bén của mẹ để nhận biết và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của trẻ. Vì vậy, bạn cần học hỏi thật nhiều, thực hành nhiều lần và chú ý quan sát biểu hiện của trẻ.

Mẹ đừng để lo lắng lấn át, hãy dành thời gian chăm sóc tinh thần, thư giãn và suy nghĩ tích cực, chuẩn bị chu đáo cho ngày bé chào đời.

4. Mẹ cần lưu ý những gì khi thai nhi 32 tuần?

Ở giai đoạn này, cơ thể bé đã phát triển khá toàn diện. Nếu như em bé đòi ra ngoài sớm thì cũng đã có khả năng tự phản xạ và điều khiển cơ thể của mình. Thế nhưng, trẻ sinh non luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ có hại về sức khỏe và dinh dưỡng. 

Vì vậy, ở giai đoạn này, mẹ nên cảnh giác với các dấu hiệu cảnh báo sinh non:

  • Các cơn co tử cung có thể không đau nhưng có cảm giác như bị thắt chặt ở vùng bụng.
  • Các cơn co thắt kèm theo đau lưng và nặng nề hơn ở xương chậu và đùi dưới.
  • Thay đổi dịch tiết âm đạo: Tiết dịch thành đốm hoặc chảy máu, dịch lỏng rỉ từ âm đạo hoặc dịch đặc lẫn máu. 

Đặc biệt, cần gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện càng sớm càng tốt, nếu bạn có hơn 6 cơn co thắt trong một giờ và mỗi cơn co thắt kéo dài từ 30 đến 45 giây. Khả năng rất cao bé bị sinh non nếu bạn bị chảy máu âm đạo hoặc đau bụng.

Ngoài ra, nếu mẹ bầu cảm thấy đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó thở, tức ngực, ngất xỉu… thì cũng là những triệu chứng bất thường nên cần đến bệnh viện khám ngay lập tức.

>>> Thai nhi 33 tuần phát triển như thế nào?

0
0